Theo Bulgarianmilitary, lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran do Liên Hợp Quốc áp đặt vào năm 2015 sẽ được dỡ bỏ vào ngày 18 tháng 10.
Khi được hỏi liệu Moscow có lo ngại trước các lệnh trừng phạt của Mỹ nếu Nga quyết định bán hệ thống tên lửa phòng không S-400 cho Iran hay không, một nhà ngoại giao Nga chia sẻ với truyền thông địa phương rằng, Moscow không sợ Washington và nếu Iran muốn mua vũ khí, các hệ thống này sẽ được chuyển giao.
“Như bạn đã biết, S-300 đã được chuyển giao cho Iran. Nga sẽ không gặp vấn đề gì trong việc cung cấp S-400”, Đại sứ Nga tại Cộng hòa Hồi giáo Levan Jagaryan cho biết trong một cuộc phỏng vấn với tờ Resalat của Iran.
Theo nhà ngoại giao, Moscow sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán việc bán vũ khí Nga cho Cộng hòa Hồi giáo chỉ sau ngày 18 tháng này nếu Tehran muốn.
“Chúng tôi sẵn sàng đàm phán để chuyển giao S-400, bao gồm cả cho Iran. Hơn nữa, kỹ thuật này không phải tuân theo các hạn chế do Nghị quyết 2231 ngày 20 tháng 6 năm 2015 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Chúng tôi chưa nhận được kháng nghị chính thức từ các đối tác về vấn đề này”, Đại sứ nói thêm.
Lệnh cấm vận vũ khí của Iran do Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc áp đặt đã buộc nước này trong những năm gần đây phải tập trung vào phát triển và sản xuất các hệ thống vũ khí trong nước, bao gồm cả các hệ thống phòng không. Tehran đã tăng cường các hệ thống phòng không của mình, tuy nhiên hệ thống phòng không nước này chủ yếu đều là ở tầm trung.
Tehran cũng có các hệ thống phòng không tầm xa như Talash và Bavar 373. Dù vậy, các chuyên gia cho rằng, hệ thống phòng không S-300 được Nga chuyển giao trong năm 2016 cho Iran giữ vai trò bảo vệ quốc gia này hiệu quả nhất từ trước đến nay.
Tình báo quân sự các nước xác nhận rằng các sư đoàn được trang bị S-300 bao phủ khu vực Bandar Abbas, Bushir, Isfahan và Tehran - những nơi đặt các cơ sở quân sự, hạt nhân và nhiều cơ sở sản xuất khác nhau quan trọng nhất của Cộng hòa Hồi giáo.
Năm ngoái, khi Hải quân Mỹ lần đầu đưa các đơn vị chiến đấu vào Vịnh Ba Tư, Iran đã di chuyển S-300 dọc theo bờ biển và phát đi tín hiệu rõ ràng rằng họ sẵn sàng sử dụng vũ khí này nếu gặp phải vấn đề về an ninh.
Ngay cả trước khi Liên hợp quốc áp đặt lệnh cấm vận vũ khí vào năm 2007, Tehran đã bày tỏ mong muốn có hệ thống tên lửa phòng không S-300 của Nga và đã chuyển cho Moscow gần 1 tỷ USD để sở hữu vũ khí của Moscow.
Sau đó, một quá trình chính trị phức tạp và kéo dài tiếp tục. Những tranh luận về việc liệu Tehran có nên nhận các hệ thống tên lửa của Nga vẫn tiếp tục. Năm 2010, Liên Hợp Quốc đã cấm chuyển giao vũ khí cho Tehran và điều này dẫn đến sự suy giảm mạnh trong hợp tác quân sự-công nghệ giữa hai nước Iran và Nga.
Trong những năm tiếp theo, các cuộc đàm phán quốc tế căng thẳng về việc tổ chức kho vũ khí hạt nhân và các cơ sở sản xuất hạt nhân của Iran đã đưa đến một số thuận lợi trong năm 2015. Điều này cho phép Moscow được dỡ bỏ lệnh cấm vận cung cấp hệ thống tên lửa S-300 và vào cuối năm 2016, Tehran đã nhận được các hệ thống phòng không mong đợi.
Phản ứng mạnh của Mỹ
Ngày 18/10 là thời điểm mà Tehran vô cùng mong đợi, nhưng đây chưa hẳn là điều cho thấy Washington hoàn toàn hài lòng với việc dỡ bỏ lệnh cấm vận. Mỹ nhiều lần đe dọa tất cả các nước chuẩn bị bán vũ khí cho Cộng hòa Hồi giáo rằng sẽ có các biện pháp trừng phạt kinh tế nghiêm khắc.
Ngày 21 tháng 9 năm nay là một ngày quan trọng khi Mỹ chuẩn bị và ký lệnh đặc biệt chống lại các nước mong muốn bán vũ khí cho Tehran.
Robert O'Brien, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ cho biết: "Tổng thống Trump đã thực hiện các biện pháp quyết liệt để hạn chế việc Iran tiếp cận công nghệ hạt nhân, công nghệ tên lửa đạn đạo (sản xuất) và vũ khí thông thường" .
Rõ ràng, chỉ thị của chính quyền Mỹ sẽ cho phép Nhà Trắng áp đặt các biện pháp trừng phạt không chỉ đối với các công ty tham gia vào thị trường vũ khí với Iran mà còn đối với các cá nhân trực tiếp tham gia vào hoạt động buôn bán này hoặc các nhà lãnh đạo của các đơn vị công ty cụ thể.
Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt sẽ không chỉ tập trung vào việc mua bán vũ khí mà còn nhằm vào việc cung cấp công nghệ, hợp tác, chuyển giao, bảo trì, hỗ trợ tài chính và hơn thế nữa.