Moscow đang phải đối mặt với một sự kéo lùi tiếp theo trên thực địa khi Ukraine thành công đánh bật các lực lượng Nga ra khỏi khu vực xung quanh Kharkiv - thành phố lớn thứ hai của đất nước, Reuters bình luận.
Đây là bước tiến đáng kể nhất của Ukraine kể từ khi các lực lượng Nga rút lui khỏi Kiev và khu vực Đông Bắc đất nước hơn một tháng trước.
Reuters dẫn lời Bộ trưởng Tài chính Ukraine hôm 12/5 cho biết, Ukraine đã chi 245,1 tỷ Hryvnia (tương đương 8,3 tỷ USD) cho cuộc chiến chống lại sự gây hấn của Nga, bao gồm các khoản chi tiêu cho mọi thứ, từ mua và sửa chữa vũ khí đến hỗ trợ cho hàng triệu người dân thường phải dời bỏ nhà cửa đi sơ tán.
Ở tiền tuyến, Ukraine đã tiến hành một phản công lớn trong những ngày gần đây, đánh bật các lực lượng Nga ra khỏi các ngôi làng ở phía Bắc và Đông Bắc Kharkiv.
Các nhà báo của Reuters xác nhận rằng Ukraine hiện đang kiểm soát lãnh thổ kéo dài đến bờ sông Siverskiy Donets, cách Kharkiv khoảng 40 km (25 dặm) về phía Đông.
Nga giành được một số khu vực thuộc Donbass
Quân đội Nga đã tăng cường các cuộc tấn công ở miền Đông Ukraine, đánh chiếm một số khu vực thuộc vùng Donbass, Quân đội Ukraine cho biết trong bản cập nhật tình hình mới nhất của mình hôm 12/5.
"Địch đang tiếp tục các nỗ lực quân sự trong vùng tác chiến ở miền Đông với mục đích giành toàn quyền kiểm soát các khu vực Donetsk, Luhansk và Kherson cũng như duy trì một hành lang trên bộ tới Crimea", bản cập nhật cho biết.
Quân đội Ukraine cho biết, các lực lượng Nga đang tiến công ở Donetsk "với một phần thành công".
Theo bản cập nhật của Quân đội Ukraine, các lực lượng Nga đang tăng cường sự hiện diện của mình gần Sloviansk (thuộc Donetsk), một trong những mục tiêu tấn công quân sự chính của Moscow ở khu vực Donbass. Khoảng 300 xe quân sự đã được triển khai tới khu vực này để chuẩn bị cho các cuộc tấn công mới.
Bản cập nhật cũng cho biết, có rất ít thay đổi trong tình hình ở thành phố cảng Mariupol, miền Nam Ukraine, với việc các lực lượng phòng thủ Ukraine ẩn náu trong khu liên hợp cán thép Azovstal vẫn bị máy bay Nga bắn phá.
Anh: Nga ngầm thừa nhận không chiếm được các thành phố quan trọng ở Ukraine
Ukraine đã thành công trong việc tái chiếm một số thị trấn và làng mạc nằm ở phía Bắc thành phố Kharkiv và gần biên giới với Nga sau khi Moscow được cho là đã rút một số đơn vị do bị thiệt hại nặng nề, Bộ Quốc phòng Anh cho biết trong bản cập nhật tình báo mới nhất của mình hôm 12/5.
Sự tập trung hiện tại của quân đội Nga ở các khu vực thuộc Donbass ở miền Đông Ukraine có nghĩa là, các đơn vị còn lại được triển khai ở khu vực Kharkiv sẽ “dễ bị tấn công bởi lực lượng phản công cơ động và có tinh thần chiến đấu cao của Ukraine”, theo bản cập nhật Bộ Quốc phòng Anh đăng trên Twitter.
"Việc Nga rút quân khỏi khu vực Kharkiv là ngầm thừa nhận không có khả năng chiếm được các thành phố quan trọng của Ukraine", bản cập nhật cho biết.
Trong bản cập nhật này, Bộ Quốc phòng Anh đánh giá rằng Quân đội Nga "có khả năng sẽ triển khai quân đến bờ Đông của sông Siverskyi Donets, tạo một lớp lá chắn bảo vệ sườn phía Tây nơi lực lượng chính của Nga tập trung và các tuyến đường tiếp tế chính cho các hoạt động ở vùng phụ cận Izyum".
Kharkiv, nằm cách biên giới với Nga chỉ 40 km (25 dặm) về phía Nam, là tâm điểm ban đầu của cuộc xung đột và hứng chịu các cuộc pháo kích không ngừng trong một tháng. Tuy nhiên, các cuộc tấn công bằng pháo binh dường như đã thưa hơn khi Quân đội Nga được cho là đang rút quân.
Ukraine tuyên bố tập kích thành công tàu Nga ở Biển Đen
Các lực lượng Ukraine được cho là đã tấn công và làm hư hại một tàu hỗ trợ hậu cần của Hải quân Nga ở Biển Đen, nơi các cuộc giao tranh mới đang diễn ra trong những ngày gần đây, nhiều đơn vị truyền thông đưa tin.
Serhiy Bratchuk, người phát ngôn của Chính quyền Quân sự khu vực Odessa, xác nhận vụ tấn công nhằm vào tàu Vsevolod Bobrov, một con tàu hỗ trợ hậu cần đa năng vừa được chuyển giao cho Hạm đội Biển Đen Nga hồi tháng 8/2021.
Con tàu được cho là đã bị hư hại và bốc cháy.
Các đơn vị truyền thông Ukraine dẫn lời vị phát ngôn viên này cho biết tàu Vsevolod Bobrov đang ì ạch lết về phía quân cảng Sevastopol ở Crimea.
Reuters cho biết, họ không thể xác minh các chi tiết một cách độc lập, và Bộ Quốc phòng Nga cũng chưa phản hồi ngay lập tức yêu cầu bình luận.
Tàu Vsevolod Bobrov được đóng tại nhà máy Severnaya Verf ở St.Petersburg dành cho Hải quân Nga. Đây là chiếc thứ hai trong số 3 tàu hỗ trợ hậu cần thuộc lớp Elbrus/Dự án 23120.
Vsevolod Bobrov được thiết kế cho một loạt các hoạt động bao gồm vận chuyển hàng khô, lai dắt, hộ tống hạm đội và cứu hộ và cứu nạn. Thân tàu được làm bằng thép có khả năng vượt địa hình băng giá.
Trước đó, Hạm đội Biển Đen Nga đã mất soái hạm Moskva sau một vụ hỏa hoạn hồi tháng 4.
Nỗ lực sơ tán binh lính bị thương khỏi Azovstal
Các cuộc đàm phán đang được tiến hành giữa Kiev và Moscow để sơ tán 38 binh sĩ Ukraine "bị thương nặng" khỏi nhà máy thép Azovstal ở thành phố cảng Mariupol, miền Nam đất nước, Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk cho biết chiều ngày 12/5.
Nhà máy thép là thành trì duy nhất còn sót lại của quân Ukraine trong thành phố cảng đổ nát, và hiện đang bị quân Nga bao vây.
"Hiện tại, chúng tôi đang đàm phán để sơ tán 38 binh sĩ bị thương nặng, không thể tự đứng vững. Chúng tôi đang làm việc từng bước một", Phó Thủ tướng Vereshchuk cho biết trong một bài đăng trên ứng dụng nhắn tin Telegram.
Bà cho biết, Kiev hy vọng sẽ trao đổi 38 tù nhân chiến tranh "đáng kể" của Nga để cứu những binh sĩ này, trước khi chuyển sang giai đoạn tiếp theo của các cuộc đàm phán. Vị quan chức Ukraine không nói rõ giai đoạn tiếp theo này sẽ tập trung vào điều gì, nhưng cho biết rằng không có cuộc đàm phán nào "về việc trao đổi 500 hay 600 người".
Trước đó, hôm 12/5, một quan chức tại Văn phòng Tổng thống Ukraine tuyên bố rằng Kiev hy vọng có thể đưa "nửa nghìn" chiến binh Ukraine bị thương khỏi Azovstal.
Các thành viên của Trung đoàn Azov ẩn náu bên trong nhà máy đã nhiều lần từ chối đầu hàng, với lý do lo sợ bị giết hoặc bị tra tấn. Hôm 10/5, các quan chức Ukraine cho biết "hơn 1.000" binh sĩ Ukraine, nhiều người trong số đó bị thương, vẫn đang mắc kẹt ở Azovstal.
Gazprom ngừng vận chuyển khí đốt qua đường ống Yamal-Châu Âu
Tập đoàn năng lượng khổng lồ của Nga Gazprom hôm 12/5 tuyên bố sẽ ngừng vận chuyển khí đốt qua đường ống Yamal-Châu Âu – đoạn đi qua Ba Lan đến Đức - do các lệnh trừng phạt của Nga đối với công ty sở hữu đoạn đường ống chạy qua Ba Lan.
Trước đó, hôm 11/5, Moscow đã công bố một loạt các biện pháp trừng phạt đối với hơn 30 công ty năng lượng phương Tây, chủ yếu là các công ty con ở châu Âu của Gazprom. Nga đã chấm dứt xuất khẩu khí đốt sang Ba Lan và Bulgaria hồi cuối tháng trước.
Đòn trừng phạt mới nhất của Nga đã gia tăng áp lực đối với châu Âu về đảm bảo nguồn cung khí đốt thay thế.
Phó Thủ tướng Đức Robert Habeck cáo buộc Moscow đang sử dụng xuất khẩu năng lượng như một "vũ khí".
Tuy nhiên, cơ quan điều phối năng lượng của Đức cho rằng việc ngừng lưu thông khí đốt qua đường ống sẽ không gây nguy hiểm cho nguồn cung năng lượng của Đức.
Người phát ngôn của cơ quan điều phối này cho biết trong một tuyên bố bằng văn bản: "Hầu như không có bất kỳ lượng khí đốt nào được chuyển đến Đức qua đường ống này trong nhiều tuần".
Ngoại trưởng các nước G7 nhóm họp tại Đức để thảo luận về Ukraine
Bộ trưởng Ngoại giao các nước G7 hôm 12/5 đã bắt đầu một cuộc họp kéo dài 3 ngày tại miền Bắc nước Đức để thảo luận về xung đột Nga - Ukraine và tác động toàn cầu của nó.
Bộ trưởng Ngoại giao của Ukraine và nước láng giềng Moldova đã được mời tham dự cuộc họp với tư cách khách mời.
Chủ trì cuộc họp là Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock. Bà cho rằng cuộc xung đột này đang ảnh hưởng đến an ninh lương thực toàn cầu với việc hàng chục triệu tấn ngũ cốc hiện đang bị phong tỏa tại các cảng của Ukraine, đặc biệt là cảng Odessa, trong khi đây là nguồn lương thực đặc biệt cần thiết ở các nước châu Phi và Trung Đông.
"Đó là lý do tại sao chúng ta đang thảo luận về cách thức giải cứu lượng ngũ cốc đang bị phong tỏa và đưa chúng ra thế giới", Ngoại trưởng Đức cho biết.
Trong một diễn biến khác, Ủy ban châu Âu (EC) hôm 12/5 đã đề xuất giúp Ukraine xuất khẩu lúa mì và các loại ngũ cốc khác của họ bằng đường sắt, đường bộ và đường sông để vượt qua sự phong tỏa của Nga đối với các cảng ở Biển Đen, nhằm đảm bảo nguồn cung lương thực toàn cầu.
Cơ quan điều hành của Liên minh châu Âu cho biết, kế hoạch này nhằm mục đích thiết lập các tuyến đường thay thế và giảm bớt tắc nghẽn tại các khu vực biên giới, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển viện trợ nhân đạo và các hàng hóa khác vào Ukraine.
Được biết đến như là "giỏ bánh mì" của thế giới trước khi xung đột quân sự với Nga nổ ra, Ukraine sản xuất 12% nguồn cung lúa mì toàn cầu, 15% nguồn cung ngô toàn cầu và một nửa lượng dầu hướng dương.
Hiện các cảng quan trọng của Ukraine ở Biển Đen đang bị phong tỏa, đẩy giá lương thực toàn cầu lên mức kỷ lục và khiến tình trạng thiếu hụt càng thêm trầm trọng.
EU hiện muốn tăng lượng hàng hóa được vận chuyển thông qua hạ tầng của các nước thành viên trong khối và cắt giảm khâu thủ tục giấy tờ. Romania đã cho phép hàng hóa của Ukraine được vận chuyển từ cảng Constanta của họ.
Bà Adina-Ioana Vălean, Ủy viên châu Âu về Giao thông vận tải, cho biết: "Cần chuyển 20 triệu tấn ngũ cốc ra khỏi Ukraine trong vòng chưa đầy 3 tháng bằng cách sử dụng cơ sở hạ tầng của EU".
"Đây là một thách thức lớn, vì vậy điều cần thiết là phải điều phối và tối ưu hóa các chuỗi hậu cần, đưa ra các tuyến đường mới và tránh càng nhiều càng tốt các nút thắt cổ chai", bà Vălean nhận định.
Minh Đức (Theo Al Jazeera, Euronews, Reuters, DW, gCaptain)