Nga có thể đã triển khai biệt đội cá heo đến Syria để phục vụ các hoạt động tại đây. Hình ảnh vệ tinh cho thấy biệt đội cá heo của Nga xuất hiện ở căn cứ hải quân Tartus ở Syria vào khoảng cuối năm 2018.
Viết trên Forbes, nhà nghiên cứu chuyên về thông tin nguồn mở H I Sutton nói rằng cá heo có lẽ đến từ một đơn vị ở Biển Đen gần Sevastopol, Crimea. Chúng có thể được triển khai để "chống lại thợ lặn của đối phương phá hoại tàu trong cảng" hoặc trục vớt vật thể dưới biển.
Nga có bề dày lịch sử về huấn luyện cá heo cho các nhiệm vụ quân sự. Trong Chiến tranh Lạnh, hải quân Liên Xô được cho là đã dạy cá heo sử dụng khả năng định vị bằng âm thanh để phát hiện mìn, thủy lôi dưới nước và phát hiện tàu ngầm.
Sau khi sáp nhập Crimea, Nga đã kiểm soát cơ sở huấn luyện cá heo của hải quân Ukraine vào năm 2014.
Tartus là nơi đặt căn cứ hải quân duy nhất của Nga đặt ở nước ngoài. Năm 2017, Moscow ký thỏa thuận với Tổng thống Syria Bashar al-Assad để thuê cơ sở hải quân Địa Trung Hải thêm 49 năm nữa.
Huấn luyện cá heo
Nga từng huấn luyện chó, mèo cho các nhiệm vụ gián điệp và ám sát trong quá khứ, nhưng huấn luyện động vật có vú ở biển có vẻ như dễ dàng hơn. Trí thông minh và khả năng tiếp thu vượt trội khiến cá heo trở thành gián điệp hoàn hảo, theo RBTH.
Ví dụ, cá heo được huấn luyện để cài mìn vào đáy tàu ngầm, phát hiện mìn dưới đáy biển hoặc tàu ngầm mất tích, bảo vệ các cơ sở chiến đấu và thậm chí chụp ảnh mục tiêu đối phương bằng cách dùng mũi để nhấn nút chụp.
Cơ sở huấn luyện cá heo quân sự đầu tiên được mở vào năm 1967 tại Vịnh Cossack ở Sevastopol. Đến thập niên 1970, Nga đã có vài chục viện nghiên cứu và huấn luyện cá heo. Cá heo được giữ trong các hàng rào gần bờ, ở đó chúng có thể nghe thấy bất kỳ vật thể dưới nước nào trong bán kính nửa km.
Lev Mukhametov, người đứng đầu nhóm động vật có vú biển tại Viện nghiên cứu Sinh thái và Tiến hóa của Viện hàn lâm khoa học Nga là người từng có mặt trong cuộc huấn luyện cá heo quân sự. Ông cho biết, sau khi cá heo phát hiện những kẻ xâm nhập, chúng sẽ lao đến và vô hiệu hóa mục tiêu.
Cá heo sẽ xé mặt nạ lặn của kẻ xâm nhập và đẩy đối phương lên mặt nước. Về sau này, đã có những ý tưởng biến cá heo thành sát thủ, nhưng nghiên cứu thực tế cho thấy cá heo dễ bị căng thẳng và hoạt động không theo chỉ đạo.
Hải cẩu sát thủ
Ý tưởng huấn luyện hải cẩu cho mục đích quân sự khởi nguồn từ Nga hoàng vào năm 1915. Trong vòng ba tháng, hải cẩu được huấn luyện để hoạt động chống tàu ngầm, phát hiện và đẩy ngư lôi lên mặt nước bằng cách sử dụng một công cụ đặc biệt.
Tuy nhiên, thời điểm đó, đội hải cẩu bị đầu độc và kế hoạch này đi vào quên lãng. Ý tưởng sử dụng hải cẩu cho mục đích quân sự đã được hồi sinh nhiều năm sau đó.
Vào đầu những năm 1980, chúng được đào tạo để sử dụng răng tấn công đối phương, như cắn vào ống dưỡng khí hoặc giằng xé kẻ xâm nhập như chó ở trên cạn.
Hiện tại, các chương trình huấn luyện này đã bị đình chỉ. Cá heo, cá voi và hải cẩu vẫn được huấn luyện, nhưng không nhằm mục đích quân sự như trước, theo RBTH.
Mèo gián điệp
Cũng giống như Nga, Mỹ từng có các chương trình huấn luyện động vật cho các mục đích khác nhau. Tiêu biểu trong đó là dự án xây dựng đội quân trinh sát mèo của CIA có tên Acoustic Kitty được đưa ra vào năm 2001.
Trước đó, dự án từng được phát triển vào đầu những năm 1960. Một trong lý do chính ra đời dự án này, theo tạp chí TIME, đó là do các đặc vụ Liên Xô thường tổ chức các cuộc họp bí mật ở những nơi có mèo đi dạo, thường là trong công viên hoặc các khu vườn.
CIA cho rằng, Liên Xô có thể phát hiện các dạng đặc vụ khác nhưng khó có thể nghi ngờ một con mèo.
Do vậy, CIA đã lên ý tưởng cấy các thiết bị do thám vào bên trong con mèo và huấn luyện chúng tiếp cận gần vị trí quân địch. Hoạt động huấn luyện và đào tạo mèo trong 5 năm ước tính tốn hơn 10 triệu USD.
Tuy nhiên đến khi thử nghiệm, một con mèo khi đi qua đường từ công viên ở Washington đã bị một chiếc taxi đâm phải. Nó thậm chí đã không thể tới đích để thực hiện nhiệm vụ. Đó được coi là một thất bại lớn và buộc dự án Acoustic Kitty phải dừng lại. Khi câu chuyện này được chia sẻ công khai, truyền thông đã chế giễu và coi đây là một hành vi tàn ác với động vật.