Vài tuần trở lại đây, những diễn biến xấu liên lục xảy đến với Iran. Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định rút Washington khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, yêu cầu đàm phán một thỏa thuận mới.
Ít ngày sau, các đồng minh chính trị của Iran tại Iraq lại phải đối mặt với thất bại khi liên minh chủ nghĩa dân tộc giành chiến thắng trong cuộc bầu cử lập pháp mới diễn ra tuần trước. Đây là những lực lượng vốn không ủng hộ việc Iran tham gia vào các công việc của Iraq.
Tệ hơn nữa, trong khi giới chức Iran đang tìm cách đối phó với những khó khăn trên thì Israel “động thủ”, tiến hành cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu quân sự Iran tại Syria với sự quan sát của Nga.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani và Tổng thống Nga Putin.
TT Putin sẽ đứng về phía nào?
Liên minh Iran-Nga tại Syria luôn được coi là một thỏa thuận mang tính ngắn hạn nhằm phục vụ các mục tiêu tức thời của cả Moscow và Tehran. Nhưng sau những diễn biến vừa qua, nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin dường như cho thấy một chính sách độc lập hơn của Kremlin tại Syria, “bỏ mặc” lại Iran tự vùng vẫy trên vùng chiến lược này.
Tuy nhiên, ông Putin vẫn chưa cho thấy rõ bản thân đứng về phía nào giữa những mâu thuẫn, căng thẳng đang diễn ra giữa Israel và Iran. Israel đã làm theo đúng như những gì họ tuyên bố: Tiến hành một loạt các đợt không kích, gần như với tần suất hàng ngày, nhằm vào các mục tiêu Iran ở Syria mà họ đã lựa chọn rất kỹ lưỡng.
Ông Putin đang nắm giữ thời khắc địa chính trị. Kể từ khi Nga đưa quân sang Syria vào tháng 9/2015, tình thế đã thay đổi. Chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã thoát khỏi nguy cơ bị sụp đổ, trong khi các nhóm phiến quân đối lập ngày càng rơi vào tình thế nguy hiểm.
Có được kết quả đó một phần có sự đóng góp không nhỏ của các chiến binh do Iran hậu thuẫn. Họ giúp tiêu diệt phần lớn các chiến binh Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), nhóm khủng bố Al-Nusra và nhiều phiến quân khác ở ngoại ô Aleppo, Qalamoun, Hama và gần đây nhất là Đông Ghouta, làm gia tăng sự hợp tác giữa Moscow và Tehran.
Nhưng nay, ông Putin “chơi” với cả Israel và Iran với hy vọng sẽ dùng Tel Aviv để gây áp lực lên Tehran, theo nhận định của cây viết Osama al Sharif trên tờ The Jordan Times.
Trong cuộc gặp gần đây giữa hai nhà lãnh đạo Nga-Syria, Tổng thống Nga Putin khẳng định với ông Assad rằng ông muốn thấy toàn bộ các lực lượng vũ trang rút khỏi Syria. Trong số đó có Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, dù ông Putin không có ám chỉ tới lực lượng cụ thể nào.
Hơn nữa, ông Putin cũng thúc giục ông Assad tái cam kết với các tiến trình chính trị. Ông Assad khẳng định rằng chính quyền Syria sẽ sớm thành lập Ủy ban Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp quốc gia này.
Trên thực tế, Nga đã tích cực thúc đẩy các nỗ lực chính trị thông qua hòa đàm Astana vào tuần trước, nhằm yêu cầu các bên tái cam kết thực hiện quy định tại vùng chống xung đột, đặc biệt là khu vực rất quan trọng ở phía Nam, nơi có thể trở thành chiến trường mới giữa Iran và Israel.
Tuần trước, một quan chức cấp cao Nga nói rằng ông hy vọng vòng đàm phán Syria mới sẽ được tổ chức tại Geneva trong tương lai gần. Đây là ám chỉ cho thấy Moscow, quốc gia đóng vai trò chính trị lớn tại Syria lúc này, muốn khôi phục tiến trình chính trị với hy vọng sớm kết thúc xung đột Syria.
Vai trò của Moscow với Iran
Vẫn chưa rõ ông Putin có đứng ra làm trung gian hòa giải cho căng thẳng giữa Israel và Iran hay không. Nhưng đối với một Tehran đang bị vây hãm thì Moscow là một đối tác quan trọng có thể giúp họ giải quyết hai vấn đề mấu chốt nhất: Cứu vớt thỏa thuận hạt nhân và tránh xung đột với Israel ở Syria.

Tổng thống Nga Putin và Thủ tướng Israel Netanyahu.
Báo chí Israel luôn cho rằng Thủ tướng nước này Benjamin Netanyahu có thể đã nhận được sự đồng thuận từ phía ông Putin về hành động tại Syria nhằm chống lại các mục tiêu cụ thể của Iran, sau khi hai nguyên thủ gặp gỡ tại Moscow vào ngày 9/5 vừa qua.
Năm ngày sau đó, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cũng tới Moscow để bàn về tác động của việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân. Nhưng dường như căng thẳng Israel-Iran cũng là một trong những nội dung được nhắc tới.
Thế khó của chính quyền TT Rouhani
Việc Iran thiếu động thái phản ứng với các cuộc tấn công của Israel không phải là điều quá ngạc nhiên. Số phận của thỏa thuận hạt nhân là điều quan trọng nhất với Tehran lúc này, đặc biệt đối với Tổng thống Hassan Rouhani và các phe trung lập. Do đó việc sa chân vào một cuộc chiến kéo dài với Israel tại Syria sẽ làm phân tán những nỗ lực của nước này, đồng thời khiến những nghị sĩ “diều hâu” trong nghị trường Iran càng trở nên gay gắt hơn với chính quyền Rouhani. Cánh cửa cơ hội của ông Rouhani nhằm “cứu” thỏa thuận hạt nhân đang dần khép lại. Khi điều đó xảy ra, chắc chắn sẽ có một sự thay đổi chính trị lớn bên trong Iran, theo chuyên gia quốc tế.
Liên minh châu Âu (EU) và có thể là cả Moscow và Trung Quốc, cũng sẽ gây áp lực đối với Iran trong việc xem xét lại và mở rộng thỏa thuận hạt nhân Iran, đổi lại Iran phải hạn chế chương trình tên lửa tầm xa và kết thúc việc can thiệp vào các diễn biến trong khu vực.
Cứu thỏa thuận hạt nhân có thể buộc Iran phải đánh đổi, không được hiện diện ở Syria cũng như Iraq hay Yemen nữa. Ông Rouhani khó có thể chịu thua trước những điều kiện này, trong khi những nghị sĩ “diều hâu” trong nước có thể cáo buộc ông đang đứng về phía phương Tây và các đồng minh Arab của họ.
Cho tới nay, Israel đang tận dụng tối đa những khó khăn của Iran để làm lợi cho bản thân. Ông Putin sẽ cho phép Israel gia tăng áp lực lên Iran song sẽ không để chạm ngưỡng bùng nổ một cuộc chiến công khai. Đó là một trò chơi nguy hiểm cho tất cả các bên, nhưng có thể sẽ thành công trong việc làm suy yếu bàn tay của Iran tại Syria và là tin tức tốt đối với nhiều quốc gia láng giềng. Còn tin xấu là nó có thể dẫn tới sự thất bại của chính quyền ông Rouhani, để quyền lực rơi vào tay những phần tử quá khích, cực đoan và đưa khu vực này vào một cuộc xung đột mới.
Xem thêm: Đằng sau việc lực lượng Iran bất ngờ rút khỏi Nam Syria