Tác giả HI Sutton, chuyên gia thu thập thông tin tình báo từ các nguồn mở (OSINT), hôm 14/6 cho biết trên Naval News rằng Moscow đang tiếp tục tăng cường phòng thủ cho cây cầu huyết mạch nối Bán đảo Crimea với đất liền Nga.
Cầu Crimea, còn gọi là Cầu Kerch, đã bị tấn công 2 lần và chắc chắn nằm trong danh sách mục tiêu hàng đầu mà Ukraine muốn nhắm tới. Với tầm quan trọng như vậy, không khó hiểu tại sao cây cầu lại nhận được những biện pháp bảo vệ tích cực hơn trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine.
Theo đó, Nga đang gấp rút củng cố hệ thống phòng thủ vốn đã dày dặc cho Cầu Crimea. Lớp ngoài gồm các sà lan được neo ở cuối cầu, giờ đây kéo dài ra phía trước cầu chính. Đây là phần bổ sung cho mạng lưới bên trong và cần nổi.
Phân tích hình ảnh vệ tinh và các thước phim quay từ cây cầu, tiết lộ những chi tiết mới về các hệ thống phòng thủ này, tác giả HI Sutton cho biết.
Ngoài ra, có vẻ như một số sà lan được bố trí để kéo về phía trước nhằm chặn hoàn toàn luồng dưới cầu nếu cần. Nga trước đây đã cho tàu đậu dọc tuyến đường vận chuyển để chặn Hải quân Ukraine vào tháng 11/2018. Rào chắn mới này nằm xa cây cầu hơn và nhằm mục đích chặn lối vào các trụ đỡ có thể là mục tiêu tấn công.
Hệ thống phòng thủ cho cây cầu huyết mạch được gia cố thêm kể từ khi Nga bắt đầu “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine vào tháng 2/2022. Các hệ thống phòng không, máy tạo khói, sà lan phản xạ radar, cần trục và tàu chiến đều đã được triển khai. Tuy nhiên, một số biện pháp phòng thủ này tỏ ra không thỏa đáng. Vào tháng 3 năm nay, tàu tuần tra Sergey Kotov đã bị các xuồng không người lái (USV) Ukraine đánh chìm khi đang bảo vệ các lối tiếp cận phía Nam tới cây cầu.
Ukraine đã tấn công cây cầu 2 lần, và cả 2 lần đều đạt được mức độ thành công nhất định. Vào ngày 8/10/2022, một quả bom giấu trong xe tải phát nổ ở phía nam nhịp cầu chính. Vụ nổ làm rung chuyển nhiều đoạn cầu đường bộ và làm hư hỏng cầu đường sắt. Thiệt hại khiến Nga mất vài tháng để sửa chữa và dẫn đến những hạn chế về hàng hóa có thể vận chuyển qua cầu. Vào ngày 17/7/2023 Ukraine lại tấn công cây cầu, lần này sử dụng mẫu USV có tên Sea Baby. Vụ nổ làm một đoạn cầu đường bộ bật tung lên rồi sụt xuống.
Rõ ràng từ những biện pháp phòng thủ này cho thấy Nga rất coi trọng mối đe dọa từ USV của Ukraine. Hải quân Ukraine, Cơ quan Tình báo Quốc phòng Ukraine (GUR) và Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) đều có những USV có thể được sử dụng. Chúng có thể mang đầu đạn lớn với sức nổ đủ lớn để khiến một phần của cây cầu bị nâng lên và sau đó sụt xuống. Hoặc họ có thể nhắm vào trụ cầu.
Trả lời câu hỏi tại sao Cẩu Crimea được Nga bảo vệ cẩn thận, tác giả HI Sutton cho biết, cây cầu dài nhất châu Âu này, bao gồm cầu đường sắt và đường bộ, là huyết mạch tiếp tế quan trọng cho Nga trong chiến dịch của nước này ở Ukraine. Tuyến đường sắt đặc biệt quan trọng đối với việc vận chuyển hàng hóa. Và cây cầu, được xây dựng vào năm 2016 sau khi Nga sáp nhập Crimea, là một biểu tượng chính trị quan trọng đối với Điện Kremlin. Đương nhiên đây cũng là mục tiêu chính của Ukraine.
Nga đã cố gắng giảm thiểu lượng hàng hóa có nguy cơ cao qua cầu để bất kỳ cuộc tấn công nào sẽ không trở nên trầm trọng hơn do hàng hóa bị đánh trúng, đặc biệt là liên quan đến nhiên liệu và đạn dược. Thay vào đó, Nga đã cố gắng sử dụng tàu hải quân và phà để vận chuyển những mặt hàng này đến Crimea.
Tuy nhiên, các cuộc tấn công thành công của Ukraine nhằm vào các tàu đổ bộ được sử dụng cho mục đích trên và vào các phà đường sắt có nghĩa là những hàng hóa có nguy cơ cao này có thể lại phải được vận chuyển qua cầu.
Các trụ cầu cũng đang được xây dựng ở hai bên phần cầu nhỏ hơn ở phía Nam nhịp cầu chính. Không rõ liệu những con đường này sẽ tạo thành những con đường thay thế hay một phần của hàng rào phòng thủ.
Cây cầu vẫn là mục tiêu quan trọng đối với Ukraine. Liệu những biện pháp phòng thủ tăng cường của Nga có thể bảo vệ cây cầu an toàn khỏi các cuộc tấn công của USV Ukraine hay không vẫn còn phải chờ xem.
Minh Đức (Theo Naval News, Militarnyi)