“Các quốc gia không thân thiện” đã đi đầu trong việc áp đặt các biện pháp trừng phạt chống lại Nga theo sau chiến dịch quân sự của Moscow ở Ukraine. Đứng đầu danh sách này là Mỹ và một số nước G7, cùng với các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU).
Đại sứ Nga tại Budapest đã giải thích lý do tại sao Hungary được nhắc đến trong danh sách mà Moscow coi là “các quốc gia không thân thiện” bất chấp mối quan hệ thân thiện giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Hungary Viktor Orbán, trang Newsweek (Mỹ) đưa tin hôm 30/3, dẫn nguồn truyền thông nhà nước Nga.
Chính phủ Nga trong tháng này đã phê duyệt một danh sách các quốc gia và vùng lãnh thổ nước ngoài được cho là đã có các hành động không thân thiện chống lại nhà nước, các công ty và công dân của Nga, hãng thông tấn TASS cho biết.
“Các quốc gia không thân thiện” đã đi đầu trong việc áp đặt các biện pháp trừng phạt chống lại Nga theo sau chiến dịch quân sự của Moscow ở Ukraine. Đứng đầu danh sách này là Mỹ và một số nước G7, cùng với các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU).
Thủ tướng Hungary Orbán vốn có quan hệ tốt với Tổng thống Putin. Nhà lãnh đạo Hungary đã thường xuyên tìm cách đẩy lùi các biện pháp trừng phạt của EU và cố gắng ngăn chặn sự hỗ trợ quân sự của NATO cho Kiev.
Trong khi Nga đã hạn chế cung cấp khí đốt cho các nước châu Âu khác, thì Moscow vẫn đồng ý tăng cường cung cấp nhiên liệu cho Hungary, theo truyền thông nhà nước Nga.
Tuần trước, ông Gergely Gulyas, Chánh văn phòng Thủ tướng Hungary, cho biết mặc dù là một bên ký kết Quy chế Rome thành lập Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC), Hungary sẽ không bắt giữ ông Putin nếu nhà lãnh đạo Nga đến nước này. Trước đó, vào ngày 17/3, ICC đã phát lệnh bắt giữ người đứng đầu Điện Kremlin với cáo buộc di chuyển bất hợp pháp trẻ em Ukraine sang Nga.
Mặc dù vậy, với tư cách là một thành viên của EU, Hungary vẫn nằm trong “danh sách đen” của Moscow.
Giải thích về điều này, Đại sứ Nga tại Budapest, Yevgeny Stanislavov, nói với hãng thông tấn nhà nước Nga RIA Novosti hôm 30/3: “Hungary đã ký vào tất cả các gói trừng phạt của EU nhắm vào Nga, và buộc phải tuân thủ nghiêm ngặt các điều khoản. Đó là lý do tại sao nước này được phân loại là một quốc gia không thân thiện với Nga, và là đối tượng mà các biện pháp trả đũa của chúng ta có thể được áp dụng”.
Tuy nhiên, ông Stanislavov cũng tin rằng Nga vẫn sẽ có sự tương tác mang tính xây dựng với Hungary. “Budapest thể hiện lập trường thực dụng, sẽ không từ bỏ ngay cả khi chịu áp lực từ các đồng minh ở EU và NATO”, nhà ngoại giao Nga bổ sung.
Một sắc lệnh của Tổng thống Putin đã cho phép chính phủ, các công ty và công dân Nga tạm thời thanh toán các khoản nợ ngoại tệ cho các chủ nợ nước ngoài từ “các quốc gia không thân thiện” bằng đồng Rúp.
Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Hungary qua email để yêu cầu bình luận.
Hai quốc gia đầu tiên được liệt vào “danh sách đen” của Nga là Mỹ và Cộng hòa Séc vào tháng 3/2022, chỉ vài ngày sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Vào tháng 7/2022, Nga đã bổ sung Croatia, Đan Mạch, Hy Lạp, Slovakia và Slovenia vào danh sách các quốc gia “thực hiện các hành động không thân thiện đối với các công ty và công dân Nga”.
Danh sách này cũng bao gồm Canada, Anh, Ukraine, Australia, Singapore, Nhật Bản, New Zealand, Micronesia, Montenegro, Albania, Thụy Sĩ, Andorra, Hàn Quốc, Lichtenstein, Monaco, Na Uy, San Marino và Bắc Macedonia.
Minh Đức (Theo Newsweek, Al-Mayadeen)