Nga yếu hơn Thổ Nhĩ Kỳ?
Một cây bút của Nga gần đây đã đưa ra một tuyên bố táo bạo, đó là việc Nga phải tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho cuộc chiến giữa Azerbaijan và Armenia là vì nước này nhận ra rằng mình yếu hơn Thổ Nhĩ Kỳ về mặt quân sự.
Trong một bài phân tích do hãng thông tấn nhà nước Nga Rosbalt đăng tải, cây bút Alexander Zhelenin đã đề cập đến ba cuộc xung đột lớn vào năm 2020, trong đó Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đóng vai trò ở hai phe đối nghịch với nhau và cả ba lần phía Thổ Nhĩ Kỳ đều chiếm ưu thế.
Các cuộc xung đột này là ở Syria, Libya và Nagorno-Karabakh.
“Lý do thực sự khiến Nga kiềm chế ở Nagorno-Karabakh là điểm yếu quân sự của Nga so với Thổ Nhĩ Kỳ như đã được chứng minh ở Syria và Libya. Nga lo sợ sức mạnh quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ còn Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan không cảm thấy ngần ngại trong việc sử dụng nó”, Zhelenin viết.
“Moscow đã phải chịu ba thất bại trước Thổ Nhĩ Kỳ trong một năm”, Zhelenin nhấn mạnh thêm. Ông cho biết, thất bại nặng nề nhất trong số những thất bại này là ở Idlib vì sự hiện diện quân sự của Nga ở Syria nhiều hơn so với ở Libya.
"Hậu quả của sự thất bại ở Syria là việc Điện Kremlin từ chối hỗ trợ đồng minh Armenia trong cuộc chiến Karabakh. Kết quả là Yerevan đã phải chịu thua trước quân đội Azerbaijan, được hậu thuẫn bởi đội quân hùng hậu 700.000 người của Thổ Nhĩ Kỳ được trang bị đầy đủ vũ khí hiện đại".
Cây bút Zhelenin đặc biệt cho rằng, việc sử dụng máy bay không người lái chắc chắn đã mang lại cho Ankara nhiều chiến thắng trên chiến trường trước các lực lượng được trang bị của Nga trong suốt năm 2020.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, lý do mà cây bút Zhelenin đưa ra ở trên không đủ để kết luận việc Moscow chấp nhận mình yếu thế trước năng lực quân sự ngày càng tăng của Thổ Nhĩ Kỳ.
Các nhà phân tích tại BlueMelange, một nhóm nghiên cứu độc lập có trụ sở tại Ankara, tin rằng Zhelenin đã bỏ sót một điểm quan trọng trong phân tích của mình.
Nói với Ahval News, nhóm BlueMelange cho rằng, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ “có thể trực tiếp tham gia vào các khu vực xung đột cũng như sử dụng các lực lượng quân sự ủy nhiệm của mình trong khi Nga không thể do áp lực của quốc tế”.
Tom Rehnquist, nhà phân tích của Stratfor, nói với Ahval: “Moscow chỉ coi trọng mối đe dọa từ máy bay không người lái của Thổ Nhĩ Kỳ trong những điều kiện còn hạn chế. Trong các cuộc xung đột gần đây, Nga đã thể hiện sự cân bằng khéo léo trong việc giảm thiểu sự tiếp xúc về vật chất lẫn nhân lực, đồng thời tối đa hóa lợi ích địa chính trị".
Chỉ là sự khác biệt về UAV
Trong các sự cố như Idlib vào đầu năm 2020, máy bay không người lái của Thổ Nhĩ Kỳ đã làm phức tạp sự cân bằng này. Tuy nhiên, với việc Nga đã đảm bảo được căn cứ của mình trên bờ biển phía Đông Địa Trung Hải của Syria, việc giúp Tổng thống Syria Bashar Assad tái chiếm Idlib chỉ là một "mục tiêu vừa phải" đối với Moscow.
Ngoài ra, một yếu tố phần nào mang đến thành công cho các máy bay không người lái do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất trên cả ba chiến trường là khả năng vận hành của các hệ thống phòng không cũ do Nga sản xuất.
“Các hệ thống của Nga với hệ thống chỉ huy hoặc các hệ thống dẫn đường bằng radar bán chủ động, tất cả đều đã lỗi thời đối với chiến tranh hiện đại, như chúng ta đã thấy ở Libya và Syria”, nhóm BlueMelange nhận định.
BlueMelange lưu ý rằng các hệ thống cũ như vậy của Nga trong tay các lực lượng cũng không phải thiện chiến sẽ “dễ bị tổn thương trước các vũ khí gây nhiễu và máy bay không người lái chuẩn NATO mà Thổ Nhĩ Kỳ đã có nhiều kinh nghiệm”.
Một lợi thế khác mà Thổ Nhĩ Kỳ có được so với các lực lượng được Nga trang bị đó là nhiều hệ thống phòng không có radar hạn chế về tầm nhìn. Cùng với đó, chuyên gia Rehnquist chỉ ra rằng máy bay không người lái nói chung "có những yếu tố khác biệt khi chạm mặt các hệ thống phòng không có phạm vi lớn”.
“Các hệ thống hàng đầu như S-400 được thiết kế để tiêu diệt các máy bay ở độ cao lớn”, ông nói.
Rehnquist cho biết, máy bay ném bom tầm cao thường là máy bay lớn nhất, đắt tiền nhất và mạnh nhất trong bất kỳ lực lượng không quân nào. Do đó, S-400 và các hệ thống tương đương có khả năng răn đe mạnh mẽ đối với chúng khi bay qua không phận. Nhưng kịch bản này lại không đúng đối với máy bay không người lái, vốn rẻ hơn rất nhiều và không có phi công.
“Một khẩu đội phòng không sẽ phải tiêu hao những tên lửa đắt tiền để hạ gục một vật thể có giá trị tương đương. Hơn nữa, máy bay không người lái có thể bay ở độ cao thấp và với số lượng lớn hơn nhiều, càng làm giảm tác động của các loại hệ thống phòng không tiên tiến”.
Nhưng như vậy không có nghĩa là Nga hay Mỹ - có cùng vấn đề chung - trở thành "những quốc gia yếu kém về mặt quân sự" trước các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái.
“Ngoài các sản phẩm hiện tại, cả hai quốc gia đang phát triển các hệ thống phòng không tầm ngắn mới như IM-SHORAD Stryker của Mỹ và Derivatsyia-PVO của Nga”, Rehnquist cho biết.
“Trong một cuộc xung đột có các hệ thống phòng không nhiều lớp, máy bay không người lái sẽ gây ra tác động không đáng kể. Tuy nhiên, trong những trường hợp xuất hiện những điểm yếu bất cân xứng, máy bay không người lái sẽ tiếp tục tung ra những đòn tấn công rẻ tiền, tạo ra những chiến thắng mang tính chiến thuật”, ông nhấn mạnh.