Nga đã hoàn tất những khâu cuối cùng trên văn bản của hiệp ước đối tác toàn diện với Iran, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrey Rudenko cho biết trong cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn nhà nước TASS hôm 23/7 (giờ địa phương).
Hai bên sẽ ký "thỏa thuận lịch sử" này trong thời gian tới, nhà ngoại giao Nga cho hay.
Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei tiếp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Tehran, ngày 19/7/2022. Ảnh: RFE/RL
Thỏa thuận đối tác chiến lược toàn diện nhằm mục đích loại bỏ mọi trở ngại cho việc mở rộng hợp tác thương mại và kinh tế giữa hai nước, ông Vladimir Sazhin, nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Nghiên cứu Phương Đông của Viện Hàn lâm Khoa học Nga, cho biết.
Theo ông Sazhin, hiệp ước năm 2001 trước đây về những vấn đề cơ bản trong quan hệ và các nguyên tắc hợp tác, điều chỉnh quan hệ giữa hai nước, đã trở nên lỗi thời.
"Kể từ đó, tình hình trong nước ở cả 2 quốc gia và bối cảnh quốc tế đã thay đổi đáng kể. Vì vậy, cần có một khuôn khổ mới để khởi động hợp tác", vị chuyên gia giải thích.
Ông cũng cho rằng do tình hình chính trị nội bộ ở Iran, việc ký kết hiệp ước có thể gặp phải một số trở ngại. Một mặt, các biện pháp trừng phạt của phương Tây tạo điều kiện cho mối quan hệ hai nước phát triển chặt chẽ.
Mặt khác, vị chuyên gia lưu ý rằng một bộ phận giới thượng lưu Iran, sau chiến thắng bầu cử của nhà cải cách Masoud Pezeshkian, ủng hộ việc thiết lập quan hệ với phương Tây, trong khi phe bảo thủ ủng hộ hợp tác với các nước láng giềng.
"Dù sao đi nữa, rất có thể Iran sẽ thành lập một chính phủ liên minh và thỏa thuận sẽ được ký kết", ông Sazhin nói.
Hiệp ước mới sẽ đặt ra các tham số cho việc phát triển các dự án cơ sở hạ tầng và hậu cần chung, bao gồm Hành lang vận tải quốc tế Bắc-Nam (INSTC), ông Stanislav Lazovsky, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông thuộc Viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế (IMEMO RAS) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, cho biết.
"Điều này sẽ buộc các bên phải thực hiện các bước thực tế. Nó có thể sẽ điều chỉnh và tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển dịch nguồn lao động từ Iran sang Nga, trong khi ở Trung Đông, nó sẽ khởi động các dự án chung nhằm tái thiết Syria", ông Lazovsky nói thêm.
Theo ông Sazhin, Moscow và Tehran sẽ nhấn mạnh hợp tác về nhiên liệu, năng lượng và hóa dầu. Ông nói: "Hai bên có thể giảm thiểu tác động của các biện pháp trừng phạt và cùng nhau vượt qua những khó khăn trong việc hỗ trợ kỹ thuật cho quá trình hiện đại hóa các ngành công nghiệp này".
Ngoài ra, Iran cũng quan tâm đến việc mua các sản phẩm nông nghiệp, kỹ thuật, quân sự và vận tải của Nga.
Theo báo Nga Vedomosti, công tác biên soạn hiệp ước đối tác toàn diện Nga-Iran đã bắt đầu vào tháng 1/2022, tức cách đây hơn 2 năm. Hai bên đã nhiều lần tuyên bố công bố phiên bản cuối cùng của thỏa thuận "trong tương lai gần", nhưng liên tục bị hoãn lại.
Theo hãng thông tấn chính thức của Iran (IRNA), nhiều khả năng thỏa thuận đối tác chiến lược toàn diện có thể được ký kết tại Hội nghị Thượng đỉnh BRICS ở vùng Kazan của Nga vào tháng 10 tới.
Nga là thành viên sáng lập nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới BRICS, cùng với Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi. Trong khi đó, Iran gia nhập BRICS từ tháng 1 năm nay, sau đợt mở rộng lịch sử của nhóm này.
Minh Đức (Theo TASS, Vedomosti)