“Chúng tôi không chấp nhận các phương pháp mà Mỹ sử dụng để cải thiện cuộc sống của người dân Venezuela”, ông Lavrov nói trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo Moskovsky Komsomolets.
Mỹ là nước hoàn toàn ủng hộ nhà lãnh đạo phe đối lập, Juan Guaido, người tuyên bố tự nhận là tổng thống lâm thời của Venezuela vào tháng 1. Đi kèm với điều này, Washington đã đề ra các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với quốc gia Mỹ Latinh, ngăn không cho nước này nhập khẩu thực phẩm và vật tư y tế.
Các quan chức hàng đầu của Mỹ cũng đe dọa cái gọi là “can thiệp nhân đạo” nhằm loại bỏ Tổng thống hợp pháp Nicolas Maduro ra khỏi quyền lực.
Ông Lavrov chỉ ra rằng ngay cả những quốc gia khu vực phản đối chính quyền Maduro cũng cảm thấy “thực sự căng thẳng” khi người Mỹ đề cập đến việc sử dụng vũ lực.
“Tôi bảo đảm rằng nếu có một nỗ lực can thiệp quân sự, đại đa số các quốc gia Mỹ Latinh sẽ hoàn toàn không muốn điều đó”, Ngoại trưởng Nga nói.
Bất chấp những tuyên bố hùng hồn từ Washington, “tôi không nghĩ rằng khủng hoảng Caribbean sẽ được tái tạo và cũng không thể nói về một Syria thứ hai ở Venezuela”, ông Lavrov nói thêm.
Khủng hoảng Caribbean đã đưa Mỹ và Liên Xô đến bờ vực của cuộc chiến tranh hạt nhân năm 1962 sau khi Moscow đặt tên lửa của mình ở Cuba để đáp trả việc Washington triển khai tên lửa đạn đạo ở Italia và Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Nga cũng nhấn mạnh thái độ “không coi ai ra gì” của Mỹ khi coi Tây bán cầu là sân sau của mình và là một nơi mà các quốc gia khác không nên tiếp cận.
Ông Lavrov một lần nữa làm rõ rằng thiết bị quân sự của Nga đã được cung cấp cho Venezuela một cách hợp pháp dưới sự hợp tác kỹ thuật quân sự năm 2001 với Tổng thống thời đó là Hugo Chavez.
Thiết bị này đòi hỏi phải có sự bảo dưỡng theo lịch trình của các chuyên gia Nga và hiện tại đã đến lúc làm điều này. Đó cũng là lý do có sự xuất hiện của các chuyên gia quân sự Nga ở Venezuela, Ngoại trưởng Nga giải thích.