Dao kề mạn sườn?
Với việc Warsaw vừa cho phép thành lập một căn cứ quân sự của Mỹ mà bộ Quốc phòng nước này xem như là một "thông điệp gửi tới Nga", nhà khoa học chính trị Ba Lan Andrzej Zapalowski nhận định rằng, động thái này không hề giúp tăng cường an ninh cho Ba Lan.
Zapalowski, tác giả của cuốn sách "An ninh Ba Lan trong trò chơi địa chính trị của phương Tây với Nga", chỉ ra rằng "nếu Warsaw cần một lữ đoàn mới, nó phải được hình thành ngay bên trong quân đội Ba Lan".
"Và nếu Mỹ muốn giúp chúng tôi, tại sao họ không cung cấp cho chúng tôi trang bị quân sự?" Ông Zapalowski nói thêm rằng việc triển khai bất kỳ căn cứ quân sự nước ngoài nào trên lãnh thổ Ba Lan không hề là động thái đảm bảo an ninh đối với Warsaw.
Ông cảnh báo rằng việc có một cơ sở nước ngoài ở Ba Lan, dù có được giải thích bằng lý do nào đi nữa, thì đó cũng chỉ để ngụy biện cho những hành động ẩn sau đó.
"Việc thiết lập căn cứ quân sự lớn ở Ba Lan sẽ không phải là giải pháp tốt nhất. Ba Lan phải dựa vào tiềm năng quân sự của chính mình, mà trong đó có sự tương tác với các đồng minh", Zapalowski nhấn mạnh.
Trong bối cảnh này, ông nhấn mạnh sự cần thiết của Warsaw phát triển mối quan hệ tốt hơn với Nga, mà ông cho rằng sẽ giúp cho sự ổn định của châu Âu càng thêm tăng cường.
"Tôi tin chắc rằng hai nước không hề muốn xung đột với nhau ở châu Âu. Chúng tôi không muốn căng thẳng và bất ổn phát sinh gần biên giới mình", Zapalowski nói.
Trước đó, bộ Quốc phòng Ba Lan nói rằng Warsaw sẵn sàng chi tới 2 tỷ USD để triển khai một căn cứ quân sự lâu dài của Mỹ tại Ba Lan, bao gồm "một lữ đoàn bọc thép".
Phát ngôn viên của Tổng thống Nga Dmitry Peskov nhấn mạnh, Ba Lan hoàn toàn có quyền thiết lập một căn cứ quân sự của Mỹ trên lãnh thổ của mình, nhưng phía Moscow sẵn sàng có câu trả lời trước sự mở rộng cơ sở hạ tầng của NATO.
Lưỡng bại câu thương
Trong khi đó, cựu tướng ba sao của quân đội Mỹ Ben Hodges viết trên Politico rằng: "Nhiều đồng minh của chúng ta sẽ thấy việc thành lập một căn cứ quân sự của Mỹ ở Ba Lan - hoặc bất cứ nơi nào khác ở Trung hoặc Đông Âu – giống như một sự khiêu khích không cần thiết”.
"Bước đi như vậy chỉ nên thực hiện trong trường hợp đạt được sự đồng thuận giữa toàn thể các nước đồng minh theo hướng tăng cường răn đe và cải thiện tình hình chung trong lĩnh vực an ninh đối với NATO. Mà khả năng như vậy khó xảy ra và không phải là không có lý do", Ben Hodges nhận định.
Viên tướng cảnh báo sự xuất hiện của cơ sở như vậy có thể gây chia rẽ trong quan hệ của các đồng minh ở châu Âu và sẽ bị xem như động thái khiêu khích, vi phạm thỏa thuận với Nga.
"Nó sẽ cho Moscow một cơ hội dễ dàng để tuyên bố rằng NATO là một kẻ xâm lược và bằng cách nào đó phản ứng lại để bảo vệ chủ quyền của Nga", ông lưu ý.
Ngoài ra, bước đi này cũng có thể tạo thêm rạn nứt giữa các đồng minh, vốn đang mâu thuẫn với nhau bởi việc Washington rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran và vừa công bố thuế suất với thép, nhôm.
NATO đã tăng đáng kể sự hiện diện của mình ở Đông Âu sau sự trỗi dậy của cuộc khủng hoảng Ukraine vào năm 2014 bằng cách cáo buộc Nga can thiệp vào vấn đề nội bộ của Kiev như một cái cớ.
Moscow đã nhiều lần lên tiếng phản đối việc mở rộng về phía Đông của NATO, nói rằng động thái này sẽ làm suy yếu sự ổn định của khu vực và dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang mới.