Theo Zamanalwsl, khu vực Idlib của Syria đáng lẽ đã được hưởng sự yên bình nhờ lệnh ngừng bắn do Nga-Thổ làm trung gian hồi tháng 3, tuy nhiên nơi đây vẫn phải đang hứng chịu các giao tranh gần như hàng ngày.
Các cuộc bắn phá trong những tháng vừa qua đã ít dữ dội hơn những năm trước, nhưng chúng vẫn góp phần gây ra cảm giác lo lắng và bất ổn về nguy cơ một cuộc xung đột mới.
Nga đã đổ lỗi cho các phe phái cực đoan – nổi bật là nhóm vũ trang thống trị ở tỉnh Idlib, Hayat Tahrir Al-Sham (HTS) - đã phá vỡ thỏa thuận đình chiến hồi tháng 3 và buộc Moscow tiến hành các cuộc tấn công trả đũa.
Những cân nhắc về chính trị và kinh tế khiến cho cuộc tấn công mới nhằm giành lại Idlib của quân đội Syria sẽ không có khả năng xảy ra, nhưng Nga vẫn khẳng định rằng một ngày nào đó Idlib sẽ phải được giải phóng.
"Chiến dịch không kích hiện tại của Nga đang thử nghiệm xem liệu một cuộc tấn công có khả thi hay không. Tuy nhiên, tôi không nghĩ nó sẽ sớm xảy ra", cây bút Noor Nahas từ Offbeat Research nhấn mạnh.
Người bảo lãnh
Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia bảo đảm lệnh ngừng bắn ở Idlib, đã bị phân tâm bởi các vấn đề trong và ngoài nước khác nhau. Đồng lira lao dốc, bùng phát dịch bệnh và những lo ngại về chính sách đối ngoại có thể đã chi phối thời gian và suy nghĩ của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan trong những tháng gần đây.
Tuy nhiên, nguy cơ một cuộc tấn công do liên quân Nga-Syria thực hiện ở Idlib vẫn là mối quan tâm thường trực đối với Thổ Nhĩ Kỳ. "Thổ Nhĩ Kỳ sẽ buộc phải mạnh tay hơn vì Nga đang tăng cường các cuộc không kích", Ali Bakeer, nhà phân tích và nghiên cứu chính trị tại Trung tâm Ibn Khaldun thuộc đại học Qatar, nói với The New Arab.
"Càng cảm nhận được mối quan hệ hợp tác giữa Ankara và chính quyền Biden, Nga sẽ càng gia tăng áp lực lên Thổ Nhĩ Kỳ để có hành động chống lại HTS hoặc có khả năng gia tăng các hoạt động quân sự ở Idlib, bao gồm cả trực tiếp hoặc gián tiếp".
Ankara đang ở vị thế tốt hơn để giải quyết các vấn đề ở Idlib sau khi đồng minh Azerbaijan giành thắng lợi ở Nagorno-Karabakh và cuộc chiến Libya đã kết thúc.
Trong nỗ lực giảm thiểu rủi ro gây ra cho các binh sĩ của mình ở tây bắc Syria, Thổ Nhĩ Kỳ đã sơ tán một số trạm quan sát nằm trong các khu vực bị quân đội Syria bao vây.
Hiện lực lượng sơ tán đã được củng cố ở những vị trí chiến lược và an toàn hơn ở tỉnh Idlib, nơi liên quân Quân đội Quốc gia Syria (SNA) do Thổ Nhĩ Kỳ liên kết cũng đang hoạt động.
Mặc dù điều này không đảm bảo an toàn cho lực lượng nổi dậy khỏi các cuộc tấn công của Nga-Syria, nhưng sự hiện diện mới có thể mang lại một số lợi thế kéo dài thời gian.
Cách hiểu khác nhau
SNA chủ yếu là dân quân của nhóm Quân đội Syria Tự do (FSA) và là đội hình phiến quân liên kết chặt chẽ nhất với Thổ Nhĩ Kỳ. Các phe nổi dậy dưới sự bảo trợ của SNA đã mở đường tới Idlib và đóng quân tại các địa điểm quan trọng trên toàn tỉnh.
Nhóm phiến quân lớn khác là Mặt trận Giải phóng Quốc gia và HTS – tất cả hầu hết đều tuân theo các quyết định của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến tình hình đang diễn ra ở Idlib. Giới quan sát đánh giá, sự hiện diện của phiến quân ở Idlib sẽ khó kéo dài lâu nếu không có quân đội Thổ Nhĩ Kỳ can thiệp.
Dareen Khalifa, nhà phân tích cấp cao về Syria tại International Crisis Group, cho biết, thỏa thuận ngừng bắn ngày 5/3 quy định cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chống lại mọi hình thức khủng bố và loại bỏ tất cả các nhóm khủng bố do Liên Hợp Quốc chỉ định khỏi Syria, nhưng cả hai nước đều có quan điểm khác nhau về việc áp dụng.
"Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã chọn cách cách hiểu khác nhau. Nga khẳng định rằng lệnh ngừng bắn là điều kiện để tiêu diệt các nhóm này, bao gồm cả HTS. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ ra điều kiện chấp nhận loại bỏ các nhóm trên theo cách ôn hòa, không gây thiệt hại đến mạng sống - một điều kiện gần như không thể đạt được về mặt quân sự", Khalifa nói thêm.
"Thổ Nhĩ Kỳ cũng lập luận rằng việc không có khung thời gian xác định để thực hiện các bước như vậy sẽ cho nước này có cơ hội cô lập, vô hiệu hóa và loại bỏ những chiến binh cực đoan của HTS để tập hợp lại các thành viên ôn hòa hơn đi theo một nhóm mới”.
Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, nguồn lực thống trị của HTS là lợi thế rất lớn cho Thổ Nhĩ Kỳ ngăn chặn các nhóm cực đoan nhỏ hơn phá hoại lệnh ngừng bắn, giúp tránh nguy cơ nổ ra cuộc xung đột có nguy cơ bùng phát làn sóng tị nạn mới.
"Ý tưởng này được đồng tình ở Ankara với lo ngại rằng một động thái quân sự của quân đội Syria càn quét HTS sẽ khiến cho làn sóng tị nạn bùng nổ”, chuyên gia Khalifa kết luận.