Các nước NATO không có sự thống nhất khi nói đến việc gửi quân tới Ukraine, nhưng không thể loại trừ kịch bản này, ông Konstantin Gavrilov, trưởng phái đoàn Nga tại các cuộc đàm phán ở Vienna về an ninh quân sự và kiểm soát vũ khí, nói với hãng thông tấn nhà nước TASS hôm 28/5.
“Điều quan trọng cần phải hiểu: đây không phải là quan điểm đồng thuận của NATO, nhưng nhìn chung chúng ta không thể loại trừ kịch bản này sẽ thành hiện thực”, nhà ngoại giao Nga cho biết.
“Một cuộc đụng độ giữa quân đội Nga và NATO là con đường dẫn đến một thảm kịch lớn có thể ảnh hưởng đến toàn nhân loại. Họ nên nhận ra rằng họ sẽ không thể vượt qua ranh giới leo thang này mà không bị chú ý”, ông Gavrilov nói.
Theo nhà ngoại giao Nga, trong bối cảnh những thất bại quân sự của Kiev và những bước tiến của Các lực lượng vũ trang Nga, các nước NATO ngày càng nhận ra rằng không thể gây ra một “thất bại chiến lược” cho Nga.
“Trong hoàn cảnh này, chúng tôi coi các cuộc thảo luận ngày càng tích cực hơn về việc NATO triển khai quân trên thực địa Ukraine là một nỗ lực vô ích nhằm gây áp lực lên Nga, kéo chúng ta vào một cuộc chạy đua vũ trang, buộc chúng ta phải từ bỏ việc đạt được các mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt”, ông Gavrilov nói thêm.
Các bình luận của nhà ngoại giao Nga được đưa ra trong bối cảnh một loạt các quốc gia thành viên NATO ở châu Âu vừa ký thỏa thuận cung cấp hỗ trợ quân sự cho Ukraine.
Trong chuyến công du chớp nhoáng tới một số quốc gia thành viên NATO và EU hôm 27-28/5, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nhận được 2 cam kết viện trợ quân sự trị giá 1 tỷ USD cho mỗi cam kết vào năm 2024 từ Tây Ban Nha và Bỉ.
Đáng chú ý, thỏa thuận với Bỉ cũng xác định chính xác số lượng máy bay chiến đấu F-16 Fighting Falcon do Mỹ sản xuất sẽ được chuyển giao cho Ukraine: 30 chiếc trong 4 năm tới.
Sau chuyến thăm thủ đô Madrid của Tây Ban Nha và Brussels của Bỉ, ông Zelensky cũng dừng chân tại Lisbon của Bồ Đào Nha và ký kết thỏa thuận an ninh song phương với đại diện nước chủ nhà.
Bồ Đào Nha là một trong những quốc gia nghèo nhất Tây Âu và có quân đội nhỏ hơn so với của các thành viên hàng đầu EU. Thủ tướng Bồ Đào Nha Luis Montenegro cho biết đất nước ông đang gửi thêm 137 triệu USD viện trợ quân sự và tài chính cho Kiev như một phần của kế hoạch hợp tác rộng rãi.
Viện trợ song phương là cần thiết vì khối 27 quốc gia một lần nữa đang phải vật lộn để vượt qua sự phản đối của Hungary đối với việc EU cung cấp hàng tỷ Euro viện trợ quân sự cho Kiev.
Ngoài vấn đề viện trợ, đề xuất cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa do phương Tây cung cấp để tấn công lãnh thổ Nga cũng trở thành một chủ đề gây tranh cãi và ngày càng nóng ở châu Âu.
Tổng thống Nga Vladimir Putin Putin hôm 28/5 cho biết các thành viên NATO ở châu Âu đang “đùa với lửa” với đề xuất trên, điều mà ông cho rằng có thể gây ra xung đột toàn cầu.
Việc sử dụng những vũ khí như vậy sẽ dựa vào dữ liệu tình báo phương Tây và dẫn đến sự tham gia của quân nhân NATO, ông Putin nói và cảnh báo liên minh này rằng họ nên nhận thức được những hậu quả có thể xảy ra.
Minh Đức (Theo TASS, PBS)