Xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga có thể trì trệ trong 4 năm tới, theo 2 kịch bản kém lạc quan hơn trong số 3 kịch bản của Bộ Kinh tế Nga. Điều này là một dấu hiệu cho thấy các lệnh trừng phạt của phương Tây có thể đang cản trở các kế hoạch năng lượng của Moscow.
Theo kịch bản số 2 là “thận trọng” và số 3 là “căng thẳng” của Bộ Kinh tế Nga, mà trong đó kịch bản số 3 không được công bố, sản lượng LNG của gã khổng lồ Á-Âu sẽ trì trệ ở mức 38,6 triệu tấn mỗi năm trong giai đoạn 2025-2027, Reuters cho biết hôm 24/4, dẫn một tài liệu mà hãng tin này được tiếp cận.
Theo kịch bản số 1 là “cơ bản”, lạc quan nhất, sản lượng LNG của Nga sẽ tăng lên 56,6 triệu tấn vào năm 2027, từ mức 33,3 triệu tấn vào năm 2023.
Nga cho biết họ đặt mục tiêu nắm giữ 20% thị trường LNG toàn cầu vào năm 2030-2035, so với khoảng 8% hiện nay, nhờ các nhà máy mới chủ yếu nằm ở Bắc Cực.
Tuy nhiên, vô số các lệnh trừng phạt của phương Tây đã “vùi dập” tham vọng của Nga. Hồi tháng 11 năm ngoái, Mỹ đã đưa dự án Arctic LNG 2 của Tập đoàn năng lượng tư nhân Novatek vào danh sách trừng phạt, khiến các cổ đông phải tuyên bố tình trạng “bất khả kháng” và rời bỏ dự án.
Dự án này được lên kế hoạch để trở thành một trong những nhà máy LNG lớn nhất của Nga với sản lượng cuối cùng hàng năm là 19,8 triệu tấn LNG và 1,6 triệu tấn khí ngưng tụ ổn định từ 3 dây chuyền sản xuất.
Nhưng cho đến nay dự án này vẫn chưa xuất khẩu được hàng hóa dù đã bắt đầu sản xuất vào tháng 12 năm ngoái. Hồi đầu tháng này, Reuters dẫn nguồn thạo tin cho biết Novatek đã đình chỉ quá trình hóa lỏng khí trên dây chuyền sản xuất T1 “cho đến ít nhất là cuối tháng 6”.
Ngoài ra, cũng do đòn trừng phạt của Washington nhắm vào nhà máy đóng tàu Zvezada do nhà nước Nga hậu thuẫn, Novatek còn phải đối diện với tình trạng thiếu tàu chuyên dụng Arc7 có thể di chuyển qua lớp băng dày đến 2 m của vùng cực để chở loại hàng lỏng này ra thị trường thế giới.
Đối với Tập đoàn Gazprom, gã khổng lồ năng lượng quốc doanh này cũng phải trì hoãn việc khởi động một tổ hợp khí đốt khổng lồ tại cảng Ust-Luga biên Biển Baltic kể từ khi các công ty phương Tây như Công ty Linde của Đức rút lui sau khi cuộc xung đột Nga-Ukraine bùng phát vào tháng 2/2022.
Nga hiện có 2 nhà máy LNG quy mô lớn: Yamal LNG do Novatek dẫn đầu, sản xuất khoảng 20 triệu tấn vào năm ngoái, và Sakhalin-2 của Gazprom, với sản lượng hơn 10 triệu tấn vào năm ngoái.
Khách mua LNG chủ yếu là các nước châu Á, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ. Ở châu Âu, Tây Ban Nha và Pháp là những nước nhập khẩu đáng kể LNG từ Nga, đặc biệt là từ Bắc Cực.
Minh Đức (Theo Reuters, The Wire)