Tin xấu cho Nga
Tại Moscow, các chuyên gia phân tích của Điện Kremlin và Hội đồng An ninh đang tập trung đưa ra các kịch bản ứng phó với nhiệm kỳ tổng thống của Joe Biden. Đây là kế hoạch dự phòng cho trường hợp, ứng viên của đảng Dân chủ vượt mặt Tổng thống Donald Trump để giành lấy chiếc ghế Nhà Trắng trong cuộc bầu cử tháng 11 tới.
Tờ Bloomberg dẫn các nguồn tin am hiểu vấn đề cho biết, Nga được cho là đang ngày càng lo lắng về viễn cảnh Nhà Trắng không có Tổng thống Donald Trump. Điều này khiến Moscow phải tính toán xem kịch bản đó sẽ có tác động gì đối với các vấn đề nhạy cảm, từ vũ khí hạt nhân đến quan hệ với Trung Quốc, xuất khẩu năng lượng, các lệnh trừng phạt và các xung đột toàn cầu sâu rộng.
Mặc dù, ngay cả khi ông Trump tái đắc cử, triển vọng quan hệ Nga-Mỹ có được cải thiện hay không cũng không mấy ai dám chắc chắn, nhưng nhiều quan điểm đồng tình cho rằng, một khi Joe Biden thắng cử, điều này sẽ là tin xấu thực sự đối với Nga.
Một chiến thắng cho đảng Dân chủ thậm chí có thể buộc Điện Kremlin phải dời cuộc bầu cử quốc hội vào mùa xuân trước khi chính quyền mới của Mỹ có thời gian áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung, một nguồn tin giấu tên thân cận với Điện Kremlin nói với Bloomberg.
Nguy cơ về các biện pháp trừng phạt mới của phương Tây đối với Nga đã đẩy giá trị đồng rúp xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4. Ngay cả khi nền kinh tế lao dốc trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hoành hành vào đầu năm nay, Điện Kremlin vẫn thận trọng trong chi tiêu, tiếp tục dồn hàng trăm tỷ USD vào quỹ dự phòng cho các cuộc khủng hoảng tiềm ẩn trong tương lai.
Vẫn giống như cuộc bầu cử năm 2016, giới chức Mỹ tiếp tục lên tiếng cáo buộc Nga can thiệp vào chiến dịch nhưng không đưa ra được những bằng chứng xác đáng. Về phần mình, Moscow và bản thân Tổng thống Vladimir Putin đã nhiều lần lên tiếng bác bỏ.
Trong cáo buộc mới nhất, Giám đốc FBI Christopher Wray tuần trước tuyên bố Nga vẫn đang tiến hành một chiến dịch “rất tích cực” để hạ thấp uy tín ông Biden và gieo rắc chia rẽ trong chính trường Mỹ.
Tuy nhiên, theo một quan chức tình báo cấp cao của Anh, chính trị Mỹ đã trở nên phân cực đến mức Nga (nếu có thật) cũng không cần phải can thiệp và tạo ra những tranh cãi mới.
Theo nhận định của Gleb Pavlovsky, cựu cố vấn Điện Kremlin, giới lãnh đạo Nga vẫn chưa từ bỏ niềm tin đặt vào ông Trump. “Không rõ họ có thể giúp gì cho ông Trump, nhưng họ sẽ giúp đỡ ông ấy miễn là điều đó không gây ra một vụ bê bối lớn”, ông nói. “Họ không muốn kích hoạt hiệu ứng boomerang”.
Phương Tây hợp nhất
Hôm 25/9, Tổng thống Putin đã lên tiếng kêu gọi Mỹ và Nga cùng tiến tới một hiệp ước đảm bảo không can thiệp vào các cuộc bầu cử của nhau, theo một tuyên bố trên trang web của Điện Kremlin.
Ông cũng kêu gọi các cuộc đàm phán về an ninh thông tin và khôi phục hợp tác an ninh mạng giữa hai nước vốn bị ảnh hưởng kể từ sau vụ lùm xùm bầu cử 2016.
Theo Bloomberg, thái độ không ủng hộ của Điện Kremlin đối với ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden vốn xuất phát từ sự không tương hợp trong quá khứ, đặc biệt là từ thời điểm cựu phó tổng thống Mỹ dưới thời Barack Obama đến thăm Moscow vào năm 2011, nơi ông nói với các nhà lãnh đạo đối lập rằng ông Putin không nên ra tranh cử tổng thống nữa.
Theo nguồn tin thân cận với Điện Kremlin, người Nga chưa quên lập trường đó của Joe Biden.
Andrey Kortunov, người đứng đầu Hội đồng các vấn đề quốc tế của Nga nhận định: “Nếu Biden được bầu, chúng tôi sẽ đối đầu với một phương Tây hợp nhất trên nền tảng chống Nga”.
Giới quan sát vẫn đánh giá, nếu như Joe Biden trở thành nhà lãnh đạo mới của nước Mỹ, mối quan hệ Washington-Moscow sẽ tiếp tục được xây dựng trên cơ sở sự hợp tác ở mức thấp, có nghĩa là tiếp tục quá trình đối đầu hiện tại.
Điều này xuất phát từ lý do, giới tinh hoa chính trị và tài chính ở Mỹ không hề lay chuyển quan niệm thù địch của họ đối với Nga.
Về cơ bản, ông Biden sẽ không dành nhiều lời khen ngợi cho Tổng thống Vladimir Putin, nhưng cách tiếp cận quan hệ với Moscow của ông có thể dễ đoán hơn ông Trump.