Dấu hiệu đầu tiên của sự hợp tác mạnh mẽ giữa Mỹ và Nga
Theo báo The Washington Post, Nga vừa chính thức mời chính quyền đắc cử của ông Donald Trump tham dự các cuộc hòa đàm Syria vào cuối tháng này cùng với Thổ Nhĩ Kỳ và Iran tại Kazakhstan.
Sự tham gia của Mỹ trong cuộc hoà đàm này sẽ là dấu hiệu đầu tiên ghi dấu sự tăng cường hợp tác giữa Mỹ và Nga dưới chính quyền ông Donald Trump, điều mà cả Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống đắc cử Mỹ đã nhiều lần nhắc đến.
Lời mời ông Trump tham dự cuộc hoà đàm được Đại sứ Nga tại Mỹ, Sergey Kislyak gửi tới đội ngũ chuyển giao quyền lực của ông Trump trong một cuộc điện đàm hôm 28/12 với ứng viên cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Michael Flynn trong chính quyền của ông Trump, theo một quan chức trong nhóm chuyển giao quyền lực của ông Trump.
Theo lời quan chức giấu tên trên, "chưa có quyết định nào được đưa ra" trong suốt cuộc điện đàm và người này cũng "chưa thể khẳng định thêm điều gì về sự tham dự của Mỹ lúc này".
Phát ngôn viên của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan chia sẻ hôm 12/1 rằng Mỹ đã được mời tham gia các cuộc hòa đàm về Syria tổ chức tại thủ đô Astana của Kazakhstan vào ngày 23/1 tới.
Với lịch trình này, cuộc hòa đàm dự kiến diễn ra 3 ngày sau khi Tổng thống Obama mãn nhiệm và cũng là 3 ngày Tổng thống đắc cử Donald Trump tiếp quản Nhà Trắng.
Tuy nhiên, hiện chưa có thông tin xác nhận từ Nga, và chính quyền hiện tại của Mỹ hôm 13/1 cho biết họ không được yêu cầu tham gia.
"Chúng tôi không nhận được bất kỳ lời mời chính thức nào cho cuộc họp này. Tuy nhiên, nếu chúng tôi nhận được lời mời, chúng tôi chắc chắn sẽ đề nghị chính quyền sắp tới của ông Donald Trump tôn trọng lời mời", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner chia sẻ.
Cuộc họp tại Astana diễn ra sau một nỗ lực kéo dài cả năm nhưng không thành công mà chính quyền Mỹ và Nga theo đuổi, nhằm thực hiện lệnh ngừng bắn và bắt đầu các cuộc đàm phán hòa bình ở Syria. Moscow và Washington đã cáo buộc lẫn nhau phá hoại nỗ lực đó.
Và những nghi vấn
Cuộc điện đàm của ông Flynn và ông Kislyak đã đặt ra những nghi vấn về việc liệu hai người có thảo luận về lệnh trừng phạt Nga mà Tổng thống Obama đã thông báo là sẽ tiến hành hay không và liệu ông Trump khi đã nhậm chức sẽ tuân thủ thực hiện lệnh trừng phạt đó hay không.
Theo quan chức giấu tên, ông không tin rằng ông Flynn sẽ đề cập đến chuyện Mỹ trừng phạt Nga. “Tôi có thể khẳng định với bạn rằng trong cuộc điện đàm đó, lệnh trừng phạt không được thảo luận đến”, quan chức này cho biết.
Tại cuộc họp báo gần đây, Tổng thống đắc cử Mỹ lần đầu tiên công khai thừa nhận Nga đứng sau các cuộc tấn công mạng nhằm vào hệ thống bầu cử Mỹ vừa qua, vấn đề đang gây tranh cãi gay gắt trên chính trường Mỹ hiện nay.
Ông tin Nga đã xâm nhập vào hệ thống máy tính và hộp thư điện tử của các thành viên đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016. “Nói về tấn công mạng, tôi nghĩ rằng đó là Nga”, ông Trump cho biết.
Tuy nhiên, ông Trump vẫn tiếp tục bác bỏ cáo buộc của tình báo Mỹ rằng Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ để giúp ông chiến thắng bà Hillary Clinton.
Và trả lời phỏng vấn tờ Wall Street Journal ngày 13/1, ông Trump tuyên bố ông có thể sẽ duy trì trong một năm một số biện biện pháp trừng phạt Nga của chính quyền Barack Obama nhưng sau đó sẽ dỡ bỏ chúng.
Ông Trump tuyên bố: "Nếu Nga thực sự giúp chúng ta thì tại sao lại trừng phạt nếu người ta đang làm những điều thật sự tuyệt vời?".
Ông cũng "bóng gió" rằng sẽ không cần đến các biện pháp trừng phạt do chính quyền Obama áp đặt hồi cuối tháng 12 vừa qua nhằm đáp trả các cuộc tấn công mạng được cho là do Nga tiến hành, nếu phía Nga chứng tỏ họ sẽ giúp ích trong cuộc chiến chống khủng bố và hướng tới các mục tiêu quan trọng đối với Washington.
Ông Trump và ông Flynn nhiều lần đề xuất việc tăng cường hợp tác với Nga về một số lĩnh vực, và cả hai đã chỉ trích chính quyền Mỹ hiện tại, cáo buộc chính quyền ông Obama đã bỏ lỡ nhiều cơ hội hợp tác và lãnh đạo kém.
Theo nhà bình luận David Ignatius của tờ Washington Post, các quan chức trong nhóm chuyển giao quyền lực của ông Trump cho biết gần đây có hai cuộc điện đàm giữa ông Flynn và ông Kislyak, đại sứ Nga tại Mỹ. Và cả hai cuộc đều do ông Flynn chủ động.
Trong cuộc điện đàm đầu tiên vào ngày 19/12, ông Flynn gọi điện để bày tỏ lời chia buồn trước sự việc Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ bị ám sát.
Cuộc điện đàm thứ hai, ngày 28/12, ông Flynn gọi điện để bày tỏ lời chia buồn về vụ chiếc máy bay Nga chở một dàn hợp xướng đến Syria gặp nạn, đồng thời để bàn về cuộc điện đàm giữa ông Putin và ông Trump sau khi ông Trump nhậm chức cũng như thảo luận về lời mời ông Trump đến Kazakhstan vào cuối tháng 1 từ phía Nga.
Tuy nhiên, phát ngôn viên của ông Trump, Sean Spicer lại có những cách giải thích khác về những lần trao đổi giữa ông Flynn và ông Kislyak. Theo đó, ông Flynn và ông Kislyak cùng trao nhau thư chúc mừng Giáng sinh hôm 25/12.
Và cuộc điện đàm vào ngày 28/12 của hai người là do ông Kislyak đề nghị và chủ động gọi điện trước. Nội dung của cuộc điện đàm này chủ yếu bàn về cuộc điện đàm sau ngày nhậm chức của ông Trump và ông Putin, ông Spicer cho biết.
Xem thêm >> 5 điều khiến lễ nhậm chức của ông Trump trở thành kỳ lạ nhất lịch sử
Thanh Hiền