Tại Nhật Bản, người ta thường dùng thuật ngữ "dokkyo roujin" để chỉ những người già sống một mình. Tình trạng này là một trong những thách thức đối với phúc lợi an sinh của Nhật bản, nhưng đối với bà Masako Wakamiya, đây thực sự là một đặc ân khi bà có nhiều thời gian hơn để phát triển bản thân mình.
"Tôi vẫn có thể làm mọi thứ thật dễ dàng dù không có ai bên cạnh", bà Masako Wakamiya, 83 tuổi, nói về việc xây dựng ứng dụng đầu tiên trên di động của mình. Năm 2017, bà ra mắt ứng dụng Hinadan, một trò chơi nhắm đến đối tượng người dùng cao tuổi.
Việc không có mối lo toan nào trong cuộc sống cho phép bà có thể tập trung hoàn toàn vào công việc lập trình và vượt qua giai đoạn học tập một cách cấp tốc, không chỉ trong phát triển phần mềm mà còn có thể vượt qua rào cản ngôn ngữ.
"Mọi thứ đều bằng tiếng Anh," bà Wakamiya nói. Thông báo lỗi, hướng dẫn trực tuyến, email và việc liên lạc khác với Apple để đưa trò chơi của bà vào App Store, tất cả đều bằng tiếng nước ngoài. "Những người thuộc thế hệ của tôi gặp rắc rối với tiếng Anh, điều đó thật khó khăn”.
Logo cho ứng dụng Hinadan của bà Masako Wakamiya có hình búp bê truyền thống của Nhật Bản. Trò chơi lấy ý tưởng từ lễ kỷ niệm hàng năm của Hinamatsuri, hay ngày của búp bê. Bà Wakamiya đã mua chiếc máy tính đầu tiên của mình vào lúc sắp 60 tuổi - chủ yếu là để liên lạc với bạn bè và phục vụ công việc chăm sóc người mẹ già của mình.
"Tôi cảm thấy thế giới thật rộng lớn. Tôi rất phấn khích khi biết rằng thế giới lớn hơn nhiều với những gì tôi biết trước đó”.
Tại Nhật Bản, một quốc gia "lớn tuổi", nơi cứ 4 người thì có 1 người trên 65 tuổi, bà Wakamiya nói rằng bà hy vọng những người cao tuổi khác sẽ tìm hiểu nhiều hơn về lợi ích của công nghệ, đặc biệt trong việc kết nối và giảm thiểu sự cô đơn đối với nhiều người cao tuổi ở Nhật Bản.
"Khi tôi phát hiện ra công nghệ tuyệt vời như thế nào, tôi nghĩ tôi nên nói điều đó với mọi người thuộc thế hệ của mình. Sau đó, tôi đã mở một lớp học nhỏ trong ngôi nhà của mình và bắt đầu dạy họ về công nghệ", bà nói.
Sau đó, bà Wakamiya bắt đầu đi khắp thế giới để chia sẻ câu chuyện của mình - tại TEDxTokyo, gặp gỡ CEO Tim Cook của Apple và phát biểu tại Liên Hợp Quốc.
"Tôi tự hỏi liệu ý kiến của một người già như tôi có thể được mọi người chấp nhận, đặc biệt là nam thanh niên tại TED, nhưng họ đã chào đón tôi bằng những tràng pháo tay nồng nhiệt", bà nói. "Họ đã thể hiện sự đồng cảm bất kể rào cản về thế hệ, quốc tịch hay giới tính - tôi thực sự rất cảm động."
Bà Wakamiya sử dụng cái mà bà gọi là "nghệ thuật Excel" để truyền bá thông điệp hy vọng của mình, sử dụng ứng dụng bảng tính của Microsoft để tạo ra các thiết kế mà sau này bà đã biến nó thành quần áo và đồ thủ công.
"Excel có thể vô nghĩa đối với người cao niên như tôi nhưng sau đó tôi nghĩ ra một ý tưởng thú vị mà những người thuộc thế hệ của tôi, ở Nhật Bản và ở nước ngoài có thể làm - như đan lát nghệ thuật và thủ công", bà giải thích.
"Ví dụ, kiểu đan có thể được biểu thị và mô phỏng bằng Excel và cho phép mọi người cảm thấy dễ dàng hơn."
Đối với bà Wakamiya, sử dụng công nghệ là mang đến những phương tiện sáng tạo mới. Thông qua sự trải nghiệm của mình, bà cũng muốn truyền cảm hứng cho những người trẻ tuổi, để họ tìm ra tiếng nói của chính họ.
"Tôi muốn duy trì sự sáng tạo và tôi muốn trẻ em sáng tạo. Tôi luôn bảo chúng tạo ra một cái gì đó và suy nghĩ sáng tạo ... bạn nên có ý kiến và phương pháp của riêng mình", bà nói. "Tôi tin rằng người cao tuổi ở Nhật Bản ... rất mong muốn cải thiện. Họ hoàn toàn có thể phát huy điểm mạnh ở độ tuổi của họ."
Bà Wakamiya nói rằng cuộc sống của bà như đang bắt đầu lại ở tuổi 60, bà vẫn sẽ không ngừng học tập và cống hiến hết mình”.
"Tôi đã được coi là một người tích cực và có cơ hội theo đuổi những gì tôi thích ngay cả khi tôi đã già", bà nói. "Một số người phủ nhận thực tế của sự lão hóa, nhưng nó giống như việc bạn ngăn cản việc mặt trời lặn vậy và tôi thấy nó vô cùng mệt mỏi."
Thay vì ngăn cản nó, bà nói rằng bà sẽ "ngồi cùng mặt trời và tận hưởng hoàng hôn".
Bích Phương (Dịch)