Nga và Mỹ hôm 28/2 đã “đấu khẩu” về việc liệu phân bón Nga có thể được tặng cho Syria hay không trong bối cảnh Moscow tăng cường khiếu nại về những trở ngại đối với việc vận chuyển các lô hàng phân bón của họ qua Biển Đen đến “các quốc gia có nhu cầu”.
Phân bón là một phần trong Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen được Nga và Ukraine ký kết hồi tháng 7/2022 dưới sự trung gian của Liên Hợp Quốc (LHQ) và Thổ Nhĩ Kỳ.
Khoảng 260.000 tấn phân bón Nga đã bị mắc kẹt tại một số cảng châu Âu, phần lớn là ở Latvia. Nhà sản xuất phân bón Nga Uralchem-Uralkali đã làm việc với LHQ để tặng phân bón cho các quốc gia có nhu cầu.
Hồi tháng 11 năm ngoái, một chuyến hàng phân bón – sản phẩm nhiều quốc gia cần tới để tăng sản lượng nông nghiệp – đã được chuyển đến Malawi, và chuyến hàng thứ hai dự kiến sẽ được chuyển đến Kenya trong tháng 3 này.
“Thực phẩm và phân bón không bị trừng phạt”, người phát ngôn LHQ Stephane Dujarric cho biết. “Mặc dù vậy, vẫn có một số thách thức – về quy định và những thách thức khác – cần phải vượt qua” để đưa các sản phẩm này tới tay những người cần chúng nhất.
Trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an (UNSC) về Syria hôm 28/2, Phó Đại sứ Nga tại LHQ Dmitry Polyanskiy cho biết đất nước ông không thể vận chuyển tới Syria số phân bón đang kẹt tại các cảng châu Âu do các lệnh trừng phạt của Mỹ áp đặt theo Đạo luật Caesar, có hiệu lực từ tháng 6/2020.
Phân bón được coi là sản phẩm lưỡng dụng nên gặp khó khăn trong việc cấp phép vận chuyển, ông Polyanskiy cho biết.
“Chúng tôi một lần nữa kêu gọi Ban Thư ký LHQ giải quyết các vấn đề về hậu quả tiêu cực của lệnh trừng phạt đối với Syria và đặc biệt là đảm bảo rằng lô hàng phân bón này của chúng tôi được gửi đến nước này”, nhà ngoại giao Nga nói.
Bác bỏ lập luận của phía Nga, Phó Đại sứ Mỹ tại LHQ Robert Wood cho biết Mỹ “không phải là nguyên nhân của bất kỳ sự chậm trễ nào trong việc cung cấp phân bón Nga cho Syria, như Nga đã tuyên bố”.
“Nếu Nga muốn tặng phân bón, họ hoàn toàn có thể làm như vậy. Nga nên làm việc trực tiếp với LHQ để phân phối các khoản quyên góp nông nghiệp bên trong Syria cho các đối tác địa phương của mình”, ông Wood cho biết tại cuộc họp của UNSC.
Tạo thuận lợi cho xuất khẩu phân bón của Nga là một phần quan trọng trong thỏa thuận trọn gói do LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian vào tháng 7 năm ngoái, chứng kiến việc nối lại xuất khẩu ngũ cốc từ một số cảng của Ukraine trên Biển Đen trong bối cảnh xung đột quân sự Nga-Ukraine.
Thỏa thuận đã được gia hạn vào tháng 11 năm ngoái, và sẽ cần được gia hạn lại vào tháng 3 này.
Ông Dujarric cho biết quan chức thương mại cấp cao của LHQ là bà Rebeca Grynspan đã nỗ lực hết sức để đưa thêm nhiều phân bón của Nga ra thị trường thế giới.
Ông Dujarric nói với các phóng viên: “Chúng tôi không mong muốn điều gì hơn là nhìn thấy phân bón đến được với nông dân ở các nước đang phát triển, đặc biệt là ở châu Phi, nơi đang rất cần sản phẩm này”.
Các trận động đất xảy ra ở Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ và Tây Bắc Syria trong những tuần gần đây chỉ làm tăng thêm đau khổ cho người dân Syria vốn đã mệt mỏi vì 12 năm xung đột vũ trang không ngừng. Phát biểu trước UNSC hôm 28/2, quan chức LHQ kêu gọi tất cả các bên tạo điều kiện để cứu trợ nhân đạo khẩn cấp đến được với Syria.
Ông Geir O. Pedersen, Đặc phái viên của Tổng thư ký LHQ về Syria, cho biết các trận động đất bắt đầu vào ngày 6/2 xảy ra khi nhu cầu của người dân Syria bị ảnh hưởng là cao nhất, khi nền kinh tế ở mức thấp nhất và khi cơ sở hạ tầng đã bị hư hại nặng nề. Ông nói: “Thực tế bi thảm là một phản ứng hiệu quả đã bị cản trở một phần bởi những thách thức liên quan trực tiếp đến các vấn đề chưa được giải quyết ở trung tâm của cuộc xung đột”.
Minh Đức (Theo Reuters, ReliefWeb)