Điều gì sẽ diễn ra giữa ông Vladimir Putin và Donald Trump? Câu hỏi đó đã đeo đẳng suốt cuộc bầu cử Mỹ. Và giờ, khi ông Trump đã đắc cử Tổng thống Mỹ, câu hỏi về mối quan hệ với nhà lãnh đạo Nga vẫn có vai trò quan trọng và thu hút sự chú ý trên toàn cầu.
Theo tờ Finance Times, những tuyên bố của ông Donald Trump thường mập mờ và mâu thuẫn. Nhưng với Nga, ông luôn nhất quán và rõ ràng. Ông luôn đánh giá ông Putin là nhà lãnh đạo mạnh mẽ, đáng ngưỡng mộ và muốn thấy một sự cải thiện mạnh mẽ trong quan hệ Nga-Mỹ.
Ông Trump gần đây từng đưa ra câu hỏi: “Sẽ không thể tuyệt vời hơn nếu chúng ta thân thiết với Nga?”.
Nước Mỹ dưới thời ông Trump có thể sẽ tìm cách thỏa hiệp với nước Nga dưới thời ông Putin. Nhưng thỏa thuận đó là gì?
Theo ông Rachman, trước hết Mỹ sẽ thôi không phản đối việc Crimea sáp nhập vào Nga. Dù Mỹ có thể sẽ không chính thức đồng ý về mặt pháp lý sự sáp nhập này, nhưng Mỹ sẽ chấp nhận điều đó như là việc đã rồi.
Mỹ cũng sẽ dỡ bỏ sự trừng phạt kinh tế. Mỹ cũng sẽ không lưu tâm đến bất kỳ lời đề nghị rằng Ukraine hay Gruzia sẽ gia nhập NATO. Việc xây dựng những đội quân NATO ở các nước Baltic cũng sẽ bị chậm hoặc dừng lại.
Đổi lại, về phía Nga, Nga sẽ kiềm chế hoạt động gây tranh cãi ở miền Đông Ukraine. Áp lực và của Nga nhằm vào các nước Baltic như Estonia, Latvia và Lithuania sẽ giảm. Căng thẳng quân sự giữa NATO và Nga sẽ lắng dịu.
Khi sự xung đột của hai nước ở Đông Âu giảm xuống, Mỹ và Nga sẽ có mục tiêu chung ở Trung Đông. Mỹ sẽ lơ là cam kết của mình nhằm lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria và sẽ cùng Nga tấn công tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Thỏa thuận như vậy từ quan điểm của ông Trump là rõ ràng. Nếu trở thành hiện thực, thỏa thuận sẽ làm dịu cuộc đối đầu nguy hiểm giữa Nga và Mỹ. Trong chiến dịch tranh cử tổng thống, ông Trump đã cáo buộc bà Hillary Clinton về khả năng gây nguy cơ chiến tranh thế giới thứ 3, ám chỉ đến việc bà Clinton tuyên bố về “vùng cấm bay” ở Syria, điều có gây nên cuộc đối đầu giữa các lực lượng không quân của Nga và Mỹ.
Chính sự từ bỏ mục tiêu lật đổ ông Assad của chính quyền Obama có thể sẽ giải quyết được sự không nhất quán kéo dài trong chính sách Syria của Mỹ, điều đôi khi dường như đặt Mỹ đứng về cả hai bên trong cuộc nội chiến ở Syria.
Giảm căng thẳng ở Đông Âu cũng sẽ mang lại ý nghĩa lớn trong bối cảnh Nga vừa triển khai các vũ khí hạt nhân tới khu vực Kaliningrad - nằm giữa Ba Lan và Lithuania.
Cuối cùng, việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt và nối lại hoạt động thương mại bình thường dường như là điều mà ông Trump mong muốn.
Tuy nhiên, trong khi điểm hấp dẫn của những thỏa thuận trên là khá rõ ràng, thì những thách thức cũng là không nhỏ. Trước hết, sự liên minh, hợp tác trong vấn đề Aleppo có thể sẽ khiến nhiều người ở Mỹ và châu Âu nổi loạn.
Thêm nữa, thỏa thuận này cũng cần đến sự tin tưởng không nhỏ vào thiện chí của ông Putin trong việc giữ đúng cam kết, đặc biệt là vấn đề các nước Baltic.
Cuối cùng, những thỏa thuận trên có thể phụ thuộc rất nhiều vào cách mà ông Trump và nhóm cố vấn của ông đánh giá về những động cơ của Nga.
Hầu hết sự thiết lập các chính sách đối ngoại ở Mỹ sẽ cảnh báo ông Trump hoài nghi về Nga và sẽ chỉ rõ rằng bất kỳ sự nhượng bộ nào của Mỹ cũng có thể được xem là yếu đuối và khuyến khích sự quyết đoán của Nga.
Đào Vũ