Nga nắm trong tay cuốn băng nhạy cảm uy hiếp Donald Trump?

Nga nắm trong tay cuốn băng nhạy cảm uy hiếp Donald Trump?

Trương Mạnh Kiên

Trương Mạnh Kiên

Thứ 2, 16/01/2017 10:04

Cáo buộc về việc Nga dùng nữ điệp viên để quyến rũ ông Trump và sự tồn tại về cuốn băng nhạy cảm uy hiếp vị tổng thống đắc cử này có là sự thật?

Tổng thống đắc cử Donald Trump miêu tả những cáo buộc về việc nhóm tranh cử của ông bắt tay với Nga và người Nga đang nắm giữ những tài liệu nhạy cảm về đời tư của ông là thứ tin tức "bịp bợm".

Tuy nhiên, trong một bài viết gần đây, phóng viên Paul Wood của BBC tiết lộ ông là người đã biết về nội dung cáo buộc này từ trước khi cuộc bầu cử diễn ra bằng một số chi tiết đáng lưu ý.

Hồ sơ - Nga nắm trong tay cuốn băng nhạy cảm uy hiếp Donald Trump?

Tổng thống đắc cử Donald Trump lại đau đầu trước những cáo buộc liên quan đến Nga.

Theo Paul Wood, những cáo buộc này rất nghiêm trọng vì nếu đúng, nó có nghĩa là Tổng thống mới đắc cử của Mỹ có thể dễ dàng bị người Nga uy hiếp.

Ông cho biết CIA tin rằng Điện Kremlin có thể đang sở hữu những tài liệu nhạy cảm (trong tiếng Nga là kompromat) - liên quan đến nhà lãnh đạo mới của nước Mỹ. Đồng thời, một đội đặc nhiệm chung giữa CIA và FBI đang điều tra những cáo buộc rằng người Nga có thể đã gửi tiền cho tổ chức của ông Trump hoặc chiến dịch tranh cử của ông.

Chi tiết về sự tồn tại về một cuốn băng nhạy cảm có thể được dùng để uy hiếp ông Trump của người Nga đã được nhắc đến trong một loạt các báo cáo của một cựu đặc vụ tình báo Anh có tên Christopher Steele.

Là một thành viên của MI6, người đàn ông này từng được cử tới đại sứ quán Anh ở Moscow và hiện tại đang điều hành một công ty tư vấn kinh doanh ở Nga. Ông đã nói chuyện với một số nguồn tin cũ của mình ở FSB và trả tiền để mua thông tin này.

Họ nói với ông rằng ông Trump đã bị ghi lại hình ảnh khi đang ở cùng với một nhóm gái bán dâm tại phòng tổng thống ở khách sạn Ritz-Carlton, Moscow hồi năm 2014.

Phóng viên Paul Wood cho biết ông cũng nắm được thông tin về cáo buộc khó tin này khi một công ty nghiên cứu chính trị ở Washington - đơn vị đặt hàng bản báo cáo - đã cho ông xem trước trong tuần cuối cùng của chiến dịch tranh cử.

Hãng tin BBC đã quyết định không sử dụng nguồn tin do chưa chắc về việc cuốn băng có tồn tại hay không.

Ở thời điểm này, toàn bộ các bản báo cáo đã không còn được giấu trong bí mật mà được đăng tải bởi trang BuzzFeed. Những người ủng hộ Trump nói rằng đây là một cuộc tấn công mang động cơ chính trị. Còn bản thân Tổng thống đắc cử phản ứng đầy giận dữ trên trang mạng cá nhân rằng: "Có phải chúng ta đang sống ở nước Đức Quốc xã?"

Theo BBC, công ty đã thuê làm bản báo cáo này ban đầu làm việc cho một ủy ban hành động chính trị có mục tiêu chống lại ông Trump trong vòng tranh cử sơ bộ của Đảng Cộng hòa.

Sau đó trong vòng tranh cử cuối cùng, công ty này được tài trợ bởi một người vô danh ủng hộ đảng Dân chủ.

Một số nguồn tin còn cho biết, đặc vụ MI6 nói trên còn không phải là nguồn tin duy nhất khẳng định về sự tồn tại của tài liệu nhạy cảm đang được người Nga nắm giữ.

Hồ sơ - Nga nắm trong tay cuốn băng nhạy cảm uy hiếp Donald Trump? (Hình 2).

Ông Trump trong trong cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ ở Moscow năm 2013.

Hồi tháng 8, một cựu điệp viên nói với Paul Wood rằng đã được biết về sự tồn tại của nó từ "người đứng đầu một cơ quan tình báo Đông Âu": "có nhiều hơn một cuốn băng", "được ghi hình nhiều lần ở nhiều địa điểm", và rằng nội dung của cuốn băng "có nội dung khiêu dâm".

Theo sự khẳng định của CIA, thông tin về tài liệu nhạy cảm về ông Trump mà người Nga nắm giữ "hoàn toàn có thể là sự thật".

Đó là lý do tại sao hai tờ New York Times và Washington Post đăng thông tin cho biết bản báo cáo này đã được gửi cho Tổng thống Barack Obama vào tuần trước.

Ông Trump từng đến Moscow vào tháng 11/2013 trong cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ, thời điểm mà cuốn băng được cho là đã được quay. Tờ BBC cho rằng khách sạn ở Moscow có khả năng đã được gắn thiết bị quay phim và ghi âm.

Một cựu sĩ quan CIA nói với Paul Wood rằng anh ta đã liên lạc qua điện thoại với một sĩ quan FSB về cuốn băng ghi lại hình ảnh nhạy cảm này. Tuy nhiên anh ta kết luận rằng: "Đó chắc chắn là đồ giả".

Bản báo cáo chi tiết của cựu đặc vụ MI6 còn nhắc đến việc Điện Kremlin đã đề nghị với ông Trump những "thỏa thuận ngọt ngào" ở Nga để đổi lại sự trung thành của ông.

Ông Trump đã không đồng ý do thực tế là ông cũng không có nhiều hoạt động kinh doanh ở nơi đây. Mặc dù vậy một đội chấp pháp của chính phủ Mỹ đang xem xét những cáo buộc rằng Điện Kremlin đã trả tiền qua những cộng sự của ông.

Trước những thông tin nói trên, Nga đã bác bỏ mọi cáo buộc về việc tìm cách gây ảnh hưởng lên Tổng thống đắc cử nước Mỹ, dù là bằng tiền hay bằng một cuốn băng quay trộm.

Theo Paul Wood, nếu giả thuyết nói trên tồn tại, Nga cũng sẽ không công khai, mặc dù có khả năng một quan chức FSB bất mãn sẽ gây sốc với việc muốn kiếm về một khoản tiền.

Trước cuộc bầu cử diễn ra, Larry Flynt, ông chủ tạp chí khiêu dâm Hustler, đã treo giải một triệu đôla cho một cuốn băng có thể buộc tội ông Trump hay tạp chí người lớn Penthouse cũng tranh thủ sức nóng với đề nghị một triệu đôla cho cuốn băng Ritz-Carlton (nếu nó tồn tại).

Đây được coi là quãng thời gian đầy căng thẳng đối với Tổng thống đắc cử Donald Trump khi mọi sự công kích đang nhằm thẳng vào ông dù chỉ còn chưa đầy một tuần nữa lễ nhậm chức chính thức sẽ diễn ra.

Thông tin về cuốn băng nhạy cảm vốn chỉ được biết đến trong cộng đồng tình báo giờ bất ngờ được công khai cho toàn bộ người dân Mỹ. Theo BBC, đến lúc này, các cuộc điều tra về những cáo buộc sẽ được tiến hành khẩn trương hơn và có ảnh hưởng không nhỏ đến nhà tỷ phú.

Có thực sự tồn tại cuốn băng nhạy cảm của ông Trump?

Hồ sơ - Nga nắm trong tay cuốn băng nhạy cảm uy hiếp Donald Trump? (Hình 3).

Cựu điệp viên Nga nổi tiếng Anna Chapman.

Phản bác trước thông tin về cái gọi là "Moscow đang uy hiếp tổng thống đăc cử nước Mỹ", các chuyên gia Nga trả lời phỏng vấn tờ RBTH khẳng định các lời cáo buộc trên phương tiện truyền thông Mỹ là một động thái chính trị nhằm gây mất lòng tin của ông Trump với phía Nga.

Các chuyên gia nói rằng những thông tin nghiêm trọng như vậy mà để bị lọt ra ngoài là điều vô lý. Nếu nó thực sự tồn tại, các cơ quan của Nga sẽ bảo đảm mọi thứ nằm trong bí mật tuyệt đối, và không bao giờ có chuyện họ sẽ chia sẻ nó với một đặc vụ người Anh.

"Thỏa hiệp như vậy chỉ xảy ra trong các tình huống vô cùng nghiêm trọng, và tuyên bố Nga đang sở hữu cuốn băng là hoàn toàn vô lý", Alexander Mikhailov, một cựu quan chức FSB cấp cao cho biết.

Ngoài ra ông cho rằng bản báo cáo khẳng định Nga đã uy hiếp ông Trump từ trước khi nhà tỷ phú này được bầu làm tổng thống cũng là một điều lạ lùng, khi chưa chắc ai sẽ là người thắng cử tổng thống.

Tuy nhiên ông Mikhailov không loại trừ khả năng các cơ quan mật của Nga có một số "thứ gì đó" nắm thóp được ông Trump nhưng nó có tác động được đến Tổng thống đắc cử Mỹ hay không vẫn là một câu hỏi lớn.

Theo đó, rất có khả năng một số chi tiết nhạy cảm đã được Nga vô tình tìm thấy khi lập hồ sơ tình báo về ông Trump. Mật vụ Nga thường thu thập thông tin cơ bản về các nhân vật mà chính phủ đang quan tâm, bao gồm các chi tiết liên quan đến tính cách của người đó, những điều yêu, ghét, cũng như điểm mạnh và điểm yếu.

Các thông tin này thường được khai thác từ các nguồn mở và thông qua các phương pháp gián điệp truyền thống. Cơ quan tình báo có thể khai thác qua đường dây điện thoại. Tuy nhiên với người không thường xuyên sử dụng điện thoại như ông Trump, việc bị lộ thông tin là không đơn giản.

Ngoài ra, bình luận viên Alexey Timofeychev của tờ RBTH tiết lộ, phương pháp mà giới mật vụ thường xuyên sử dụng là thiết lập những "chiếc bẫy ngọt ngào", nhằm thỏa hiệp được với ai đó thông qua "cám dỗ" tình dục.

Valery Malevanyi, một nhà sử học và là cựu nhân viên lực lượng đặc biệt thuộc Liên Xô cũ cho biết, Liên Xô, Đông Đức, và Mỹ vẫn có điệp viên nữ cho các nhiệm vụ như vậy.

Tỷ lệ thành công khi áp dụng phương pháp này cũng khá cao, giống như trường hợp của Margarita Konenkova Vorontsova, người đã lấy được bí mật hạt nhân của Mỹ cho Liên Xô.

Tuy nhiên Malevanyi không tin phương pháp này đã được sử dụng đối với Donald Trump khi ông đến Moscow vào năm 2013. Thực tế đội vệ sĩ chuyên nghiệp của nhà tỷ phú sẽ kiểm tra triệt để và loại bỏ tất cả người nào khả nghi.

Ông chỉ ra rằng có thể một thiết bị tinh vi nào đó đã lọt qua cửa an ninh và nắm được thông tin liên quan đến Tổng thống đắc cử Mỹ.

"Khó có thể dự đoán được mọi tình huống, có thể một số bản ghi âm cuộc trò chuyện đã được thu lại bởi các mật vụ Nga", Malevanyi nói.

Quốc Vinh

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.