Tuyên bố trên được nữ phát ngôn viên của bộ Ngoại giao Nga đưa ra hôm 25/5. “Một điều đáng nhắc tới là phía Mỹ chưa bao giờ cung cấp các hình ảnh vệ tinh mà nước này tuyên bố có sở hữu ngay sau khi thảm họa (MH17) diễn ra”, bà Zakharova tuyên bố
Trước đó cùng ngày, bộ Ngoại giao Nga đã bác bỏ cáo buộc mà nhóm báo chí điều tra độc lập Bellingcat (có trụ sở ở Anh) cho rằng giới chức tình báo Nga có liên quan tới vụ bắn hạ máy bay MH17.
“Tất cả những suy đoán của nhóm tự xưng là “nhà điều tra” nêu trên đều dựa trên những thông tin cũ và không chính xác cũng như đoạn radio cho thấy cuộc trò chuyện giữa những người không xác định được danh tính mà Cơ quan An ninh Ukraine tung ra ngày 18/7/2014”, bộ Ngoại giao Nga tuyên bố.
“Còn đối với những quan chức được nhắc đến trong báo cáo của Bellingcat, họ đã ra khỏi ngành quân đội từ lâu. Bộ Ngoại giao Nga không có thông tin gì về hoạt động của họ bên ngoài lực lượng vũ trang”, tuyên bố cho hay.
Vào hôm 24/5, nhóm điều tra chung (JIT) do Hà Lan dẫn đầu cho hay tên lửa được sử dụng để bắn hạ máy bay MH17 được phóng đi từ hệ thống Buk thuộc về Lực lượng Vũ trang Nga.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov đã khẳng định với người đồng cấp Hà Lan Stef Blok rằng JIT đã hoàn toàn bỏ qua những dữ liệu quan trọng mà phía Nga cung cấp cho cuộc điều tra.
Chuyến bay MH17 của Malaysia Airline bị bắn hạ đã khiến 298 người thiệt mạng. Phần lớn hành khách và phi hành đoàn là người Hà Lan, Malaysia và Australia.