Năm ngoái Nga đã phát triển vắc-xin Sputnik V (liều 2 mũi) và Sputnik Light (1 mũi) phòng bệnh Covid-19.
Kết quả nghiên cứu lâm sàng do nước này thực hiện cho thấy hiệu quả bảo vệ cao trước virus Corona chủng mới nhưng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn chưa thông qua việc phê chuẩn sử dụng đối với cả hai loại vắc-xin này.
Hôm 29/11, Viện Gamaleya và Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga (RDIF), nhà sản xuất vắc-xin Sputnik V và Sputnik Light, cho biết sẽ nhanh chóng triển khai quy trình điều chỉnh vắc-xin để chống biến thể mới.
“Dựa trên các quy trình hiện có nhằm nhanh chóng phát triển các phiên bản vắc-xin đối phó những biến thể virus gây quan ngại, Viện Gamaleya đã bắt đầu khởi động việc phát triển phiên bản mới của vắc-xin Sputnik, thích ứng biến thể Omicron”, Reuters dẫn thông báo từ RDIF.
“Viện Gamaleya cho rằng Sputnik V và Sputnik Light sẽ vô hiệu hóa biến thể Omicron, cũng như đã chứng minh năng lực bảo vệ cao trước các biến thể khác”, ông Kirill Dmitriev, người đứng đầu RDIF, cho hay.
Theo RDIF, trong trường hợp có thể cần tới sự điều chỉnh, phiên bản mới của Sputnik cho biến thể Omicron có thể được sản xuất quy mô trong 45 ngày tới. Dự kiến, đến ngày 20/2/2022, Nga sẽ cung cấp vài trăm triệu mũi nhắc của vắc-xin phiên bản điều chỉnh cho thị trường thế giới và khoảng 3 tỷ liều sẽ được bán ra trong cả năm 2022.
Các thông tin trên đưa ra trong bối cảnh Giám đốc điều hành hãng dược Moderna (Mỹ) Stephane Bancel mới đây cho rằng nhiều khả năng các loại vắc-xin phòng Covid-19 hiện nay có hiệu quả không cao trước biến thể Omicron như đối với biến thể Delta.
Biến thể Omicron được phát hiện đầu tiên ở Nam Phi và hiện đã lây lan ra một số nước trên thế giới. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã xác định đây là "biến thể đáng quan ngại".
Minh Hoa (t/h theo Thanh Niên, Vietnam+)