Nền kinh tế Nga sẽ tăng trưởng nhanh hơn tất cả các nền kinh tế tiên tiến trên thế giới trong năm nay, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Trong bản cập nhật mới nhất về triển vọng kinh tế toàn cầu công bố hôm 16/4, IMF dự báo Nga sẽ đạt mức tăng trưởng kinh tế 3,2% trong năm nay, vượt qua Mỹ, Pháp, Đức và Anh.
Mặc dù bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt kinh tế nghiêm khắc liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine năm 2022, nền kinh tế Nga vẫn được thúc đẩy bởi xuất khẩu dầu ổn định và chi tiêu chính phủ cao, tổ chức cho vay lớn nhất thế giới cho biết trong dự báo của mình.
Dự báo của IMF vẽ ra một bức tranh tươi sáng hơn rất nhiều về nền kinh tế Nga so với dự báo của chính Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) hồi tháng 11 năm ngoái rằng GDP sẽ chỉ tăng 0,5-1,5%.
“Thông báo của IMF rằng nền kinh tế Nga sẽ tăng trưởng nhanh hơn dự đoán trước đây, và các biện pháp trừng phạt của phương Tây sẽ không dẫn đến sự sụp đổ hoàn toàn của nền kinh tế Nga, không làm chúng tôi ngạc nhiên”, ông Grzegorz Drozdz, nhà phân tích thị trường tại Invest.Conotoxia.com, cho biết.
“Xuất khẩu của Nga, mặc dù có sụt giảm sau thời kỳ bùng nổ hàng hóa, vẫn tiếp tục dao động quanh giá trị danh nghĩa trung bình trong nhiều năm”, ông Drozdz nói với Newsweek vài tuần trước.
“Sự suy yếu dần dần của đồng Rúp dường như đang có tác động tích cực đến nền kinh tế Nga, vốn thường xuyên cho thấy sự cân bằng thương mại tích cực kể từ đầu thế kỷ”, vị chuyên gia cho biết.
Các biện pháp trừng phạt do Mỹ dẫn đầu đối với Nga nhằm cô lập nước này khỏi nền kinh tế thế giới bao gồm đóng băng 300 tỷ USD dự trữ ngoại hối và cố gắng nhắm mục tiêu vào hoạt động xuất khẩu dầu, khí đốt của Moscow.
Để đáp lại, Moscow đã cố gắng chuyển hướng thương mại từ Tây sang Đông, lập danh sách các quốc gia “thân thiện” và các quốc gia “không thân thiện”, đưa ra các ưu đãi giảm giá cho hoạt động xuất khẩu năng lượng...
“Các biện pháp trừng phạt có lẽ đã gây ra nhiều vấn đề nhất cho châu Âu chứ không phải cho Nga. Các nước phương Tây đã mất đi đáng kể khả năng tiếp cận nguồn năng lượng giá rẻ như khí đốt và dầu mỏ”, ông Drozdz bổ sung.
Tuy nhiên, ông Boris Grozovski, chuyên gia về kinh tế Nga từ Trung tâm Wilson, có suy nghĩ hơi khác. Vị chuyên gia này cho rằng đánh giá của IMF nghe có vẻ hợp lý nhưng không có nghĩa là các biện pháp trừng phạt không có tác dụng.
“Chính phủ Nga đã đổ số tiền khổng lồ vào khu liên hợp công nghiệp quân sự. Vì vậy, việc sản xuất xe tăng, súng và đạn dược đang phát triển nhanh chóng, trong khi sản xuất của các ngành công nghiệp dân sự đang trì trệ”, ông Grozovski nói với Newsweek.
“Nói chung, điều này mang lại mức tăng trưởng khoảng 2,5-3%, giống như vào năm 2023. Các lệnh trừng phạt có thể phát huy tác dụng tốt hơn nếu Nga không có khả năng tiếp cận các hàng hóa công nghệ cần thiết cho sản xuất vũ khí. Nhưng hiện tại, khả năng đó vẫn còn”.
Trở lại với bản dự báo cập nhật, đề cập đến nền kinh tế thế giới nói chung, IMF cho biết kinh tế toàn cầu “có khả năng phục hồi đáng kể”.
“Mặc dù có nhiều dự đoán ảm đạm, thế giới vẫn tránh được suy thoái, hệ thống ngân hàng phần lớn tỏ ra kiên cường và các nền kinh tế thị trường mới nổi lớn không bị dừng đột ngột”, IMF cho biết.
Tổ chức có trụ sở tại Washington DC lưu ý rằng kinh tế toàn cầu đang được thúc đẩy bởi sự tăng trưởng mạnh mẽ bất ngờ ở Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Mặc dù giá cả tăng mạnh vẫn là trở ngại trên toàn thế giới, IMF dự đoán lạm phát toàn cầu sẽ giảm từ 6,8% năm ngoái xuống 5,9% trong năm nay và 4,5% vào năm tới.
Minh Đức (Theo 9News, Newsweek)