Nga sớm thay Mỹ thành lãnh đạo toàn cầu, ông Putin có thực sự "siêu phàm" như lời đồn?

Nga sớm thay Mỹ thành lãnh đạo toàn cầu, ông Putin có thực sự "siêu phàm" như lời đồn?

Trương Mạnh Kiên

Trương Mạnh Kiên

Thứ 2, 18/02/2019 14:00

Nga có thể đang vươn lên như một quyền lực toàn cầu mạnh mẽ nhưng quốc gia này vẫn gặp phải những khó khăn phải giải quyết. Trong khi Tổng thống Putin có thể là một nhà lãnh đạo giỏi, ông không phải là một nhân vật quá "siêu phàm" như phương Tây lo ngại.

Tiêu điểm - Nga sớm thay Mỹ thành lãnh đạo toàn cầu, ông Putin có thực sự 'siêu phàm' như lời đồn?

Tổng thống Putin trong một buổi tập judo.

Làm cho nước Nga vĩ đại trở lại. Đó là nhiệm vụ mà Tổng thống Nga Vladimir Putin dường như đã áp dụng trong chính trị quốc tế thời gian qua. Sau khi trở lại Điện Kremlin vào năm 2012, ông đã đưa ra một chính sách đối ngoại quyết đoán hơn, tìm cách đảm bảo một vị trí cao nhất trên bảng xếp hạng ngoại giao toàn cầu.

Những nỗ lực này đã được đền đáp. Nhờ sự can thiệp của quân đội vào Syria, Nga đã từ một người ngoài cuộc trở thành nhà môi giới quyền lực hàng đầu ở Trung Đông, theo Dimitar Bechev, học giả từ Hội đồng Đại Tây Dương, viết trên Al Jazeera.

Để phát huy thêm vị thế mới, Tổng thống Putin mới đây đã có hội nghị với các Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Iran Hassan Rouhani, để phối hợp trả lời quyết định rút quân đội Mỹ ra khỏi vùng đông bắc Syria của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Hội nghị thượng đỉnh lần này đánh dấu kỷ niệm hai năm tiến trình hòa đàm Astana với mục tiêu cao cả là kết thúc cuộc chiến đẫm máu kéo dài ở đất nước Trung Đông.

Mỹ không phải là một phần của diễn đàn. Do đó, Astana có thể là dự báo cho một trật tự toàn cầu mới sắp tới, mà một trong đó là các cường quốc ngoài phương Tây mới nổi như Nga, Trung Quốc, Ấn Độ - sẽ dẫn đầu.

Trong vài năm qua, Tổng thống Putin đã không tránh khỏi việc phải đối đầu liên tục với phương Tây. Trong những ngày đầu làm lãnh đạo, ông Putin còn đứng về phía Mỹ sau thảm kịch ngày 11/9 và thậm chí còn chào mời về viễn cảnh Nga gia nhập NATO.

Tuy nhiên, mọi thứ đã dần thay đổi sau các cuộc nổi dậy ở Ả Rập năm 2010-2011, với đỉnh điểm là mâu thuẫn về hành động lật đổ nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi của phương Tây.

Sự rạn nứt càng trở nên sâu sắc hơn khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014. Kể từ đó, Moscow đã một mình đối lập với cả Mỹ và các đồng minh châu Âu, những quốc gia đã áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm trả đũa cho đến ngày nay. 

Nhận thức về Nga của phương Tây cũng thay đổi. Cho đến năm 2014, Mỹ và EU coi Moscow là một đối tác khó nắm bắt nhưng không phải là đối thủ chính thức. Giờ đây, chiến lược phòng thủ quốc gia của Lầu Năm Góc coi Nga trở thành mối đe dọa quân sự ngang tầm với Trung Quốc đang trỗi dậy.

NATO đã triển khai quân đội ở Đông Âu nhằm đề phòng trước viễn cảnh về cái gọi là “Moscow theo đuổi hành động xâm lược vượt ra ngoài biên giới”.

Hơn nữa, có những lo ngại rằng Nga đang sử dụng nhiều công cụ khác nhau nhằm phá hoại các đối thủ phương Tây từ bên trong. Những cáo buộc đang diễn ra liên quan đến sự can thiệp của Nga trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 vẫn chưa thể kết thúc, bất chấp việc Moscow lên tiếng phản đối và Washington vẫn chưa thể tìm thấy bằng chứng.

Câu hỏi đặt ra là Nga liệu có là mối đe dọa đáng gờm như những gì phương Tây tô vẽ hay không? Nhà phân tích Bechev tin rằng, Nga không mạnh đến thế.

GDP 1,57 nghìn tỷ USD của nước này chỉ bằng 8% của Mỹ và tương đương với một quốc gia châu Âu tầm trung như Tây Ban Nha. Liên minh Kinh tế Á-Âu (EEU), mà Tổng thống Putin tạo ra vào năm 2014 sau những nỗ lực kéo dài nhiều năm, cũng chưa được coi là tương xứng với cấu trúc kinh tế khổng lồ và lâu đời như EU.

Kho vũ khí hạt nhân chiến lược của Nga, được kế thừa từ Liên Xô hùng mạnh một thời, có cùng đẳng cấp với Mỹ. Tuy nhiên, bất chấp cải cách quân sự đầy tham vọng trong thập kỷ qua, các lực lượng của Nga vẫn thua kém quân đội Mỹ về khả năng và công nghệ, chuyên gia Bechev nêu quan điểm.

Với 63 tỷ USD, ngân sách quốc phòng của Nga thua xa so với Mỹ và Trung Quốc, lần lượt đứng ở mức 643 tỷ USD và 168 tỷ USD.

Tiêu điểm - Nga sớm thay Mỹ thành lãnh đạo toàn cầu, ông Putin có thực sự 'siêu phàm' như lời đồn? (Hình 2).

Nga vẫn còn phải nỗ lực nhiều để trở thành cường quốc thay thế Mỹ.

Cũng theo chuyên gia Bechev, Moscow đã làm rất tốt trong các cuộc chiến quy mô hạn chế như ở Syria, nhưng chưa sẵn sàng cho vị trí quyền lực quân sự mang tính chất toàn cầu. Mặc dù có mối quan hệ tương đối chặt chẽ với Trung Quốc và Ấn Độ, Nga không thể dựa vào một mạng lưới liên minh ổn định tương tự như các liên kết mà Mỹ xây dựng tốt ở châu Âu, Đông Á và nhiều nơi khác.

Nói tóm lại, Nga trong tương lai gần vẫn sẽ chưa thể thay thế Mỹ trở thành cường quốc hay bá quyền hàng đầu ở Trung Đông hay bất kỳ khu vực nào khác trên thế giới. Dù ở nhiều nơi, Moscow đang nắm quyền lực khá đáng kể.

Các quốc gia ở Đông Âu, như Ukraine, Georgia và Moldova gần đây bắt đầu có định hướng kinh tế và chính trị gần gũi với phương Tây. Ở Trung Á, Trung Quốc đang ngày càng trở thành trung tâm quyền lực thống trị. Trong một thế giới hậu Mỹ, Nga có thể sẽ trở thành đối tác của Bắc Kinh chứ không phải là một bên liên quan bình đẳng.

Bản chất chiến lược của Nga dựa trên lời đánh giá của cố chính trị gia người Nga Yevgeny Primakov đó là: “Cố gắng làm mọi thứ tốt nhất trong tầm tay". Trong một số trường hợp, điều này liên quan đến việc khai thác lỗ hổng của đối thủ.

Trong các trường hợp khác, Nga đã được hưởng lợi từ sự linh hoạt. Ví dụ, ở Trung Đông, nước này đã hợp tác thành công với tất cả các cường quốc đối kháng lẫn nhau: Iran, Israel, các quốc gia vùng Vịnh, Thổ Nhĩ Kỳ, người Kurd, v.v.

Tuy nhiên, thành quả chính sách đối ngoại của Tổng thống Putin vẫn còn lẫn lộn. Đôi khi canh bạc mang lại lợi tức lớn, đôi khi không. Máy bay chiến đấu của Nga, cùng với quân đội mặt đất của Iran, đã cứu giúp chính quyền Assad ở Syria. Nó đã giúp đánh giá tín nhiệm của Tổng thống Nga tại quê nhà lên hơn 80%.

Ở châu Âu, dầu khí với Moscow đang là đòn bẩy địa chính trị. Trong đó, Đức đã cố gắng hết mình để thúc đẩy đường ống dẫn khí đốt Nordstream 2, gây ra phản ứng thất vọng đến từ Mỹ. Ngoài ra, các quốc gia Balkan cũng rất háo hức được trở thành phần mở rộng của đường ống Turk Stream.

Nhưng một lần nữa, có những giới hạn đối với sức mạnh của Moscow. NATO đang mở rộng, bất chấp sự phản kháng từ Nga. Năm nay, Macedonia chuẩn bị gia nhập liên minh, theo bước chân của Montenegro.

Hơn nữa, thành công quốc tế cũng dẫn đến những cái giá phải trả quá lớn cho Nga. Các lệnh trừng phạt do EU và Mỹ áp đặt vẫn còn đó. Mặc dù đã có những cuộc gặp thân thiện giữa Tổng thống Donald Trump với người đứng đầu Điện Kremlin, Quốc hội Mỹ vẫn tăng cường các biện pháp trừng phạt chống lại đối thủ.

Trong phần lớn thập kỷ qua, những kế hoạch ở nước ngoài của Nga đã được đền đáp bằng sự ủng hộ gia tăng dành cho ông Putin. Tuy nhiên, điều này đang chững lại.

Sau những thành công ở nước ngoài, người dân Nga đang chú ý hơn vào những thách thức trước mắt ở trong nước, như tăng trưởng kinh tế, chính sách xã hội và chống tham nhũng. Các lệnh trừng phạt của phương Tây, kết hợp với giá dầu biến động, đang làm tăng thêm khó khăn.

Chắc chắn, những áp lực trong nước này sẽ không buộc Điện Kremlin phải lùi bước. Nhưng nó cũng cho thấy một thực tế rằng Nga cũng chỉ đơn giản như bao quốc gia mới nổi khác.

Họ có tiềm năng để mơ về khát vọng dẫn đầu trật tự thế giới, nhưng họ cũng có những vấn đề cần phải giải quyết. Trong khi đó, Tổng thống Putin là một nhà lãnh đạo giỏi nhưng không phải siêu phàm hay nguy hiểm như phương Tây vẫn vẽ lên.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.