Nga đang dằn mặt Thổ Nhĩ Kỳ?
Vùng biển phía Đông Địa Trung Hải đang nóng lên cùng với Nga và Syria khi hai nước bắt đầu một cuộc tập trận quân sự chung trong khu vực hôm 17/12.
Sự hiện diện ngày càng tăng của Nga xung quanh đảo Síp và Libya đã khiến giới quan sát lo ngại về sự xuất hiện của đường đứt gãy địa chiến lược gây chia rẽ giữa Ankara và Moscow, theo Arab News.
Tàu chiến, máy bay chiến đấu của Nga từ căn cứ Khmeimim và tàu quét mìn của quân đội Syria được cho là đã tham gia vào cuộc tập trận chung. Nga tuyên bố cuộc tập trận hướng tới mục tiêu chống lại các nhóm vũ trang và máy bay không người lái bất hợp pháp.
Đã có nhiều quan điểm cho rằng cuộc tập trận này dường như để nhắm vào Thổ Nhĩ Kỳ, khi nước này đang ngày càng gia tăng sự hiện diện của máy bay không người lái quân sự ở vùng Đông Địa Trung Hải.
Hôm đầu tuần, máy bay không người lái Bayraktar TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ đã hạ cánh tại sân bay Gecitkale ở miền Bắc Síp, với nhiệm vụ hộ tống các tàu thăm dò ra khơi.
Bình luận về cuộc tập trận mới nhất giữa Nga và Syria, Emre Ersen, một chuyên gia về quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ từ Đại học Marmara (Istanbul), cho rằng điều quan trọng đối với Nga lúc này là chống lại sự gia tăng ảnh hưởng của phương Tây tại một khu vực chiến lược như Đông Địa Trung Hải.
“Trên thực tế, một trong những lợi ích chính đến từ sự can thiệp quân sự trực tiếp của Nga vào Syria năm 2015 là để gia tăng đáng kể ảnh hưởng chính trị và kinh tế của Moscow ở khu vực này. Tuy nhiên, cho đến nay, Moscow đã theo đuổi một chính sách rất cẩn thận ở Đông Địa Trung Hải, cố gắng tránh xa việc nghiêng hẳn về một bên hay một nhóm cụ thể”, chuyên gia Ersen nói với Arab News.
Nga đã phủ nhận mọi liên quan đến cuộc nội chiến ở Libya. Nhưng nhiều báo cáo chỉ ra rằng tổ chức an ninh tư nhân Nga là tập đoàn Wagner đã hoạt động ở quốc gia này trong một vài tháng qua và đã hỗ trợ tư vấn về chuyên môn quân sự cho quân đội của tướng Haftar trong cuộc tiến công về Tripoli.
Trong phát biểu gần đây, Tổng thống Erdogan tuyên bố, “cũng giống như việc họ gửi Tập đoàn Wagner, chúng tôi có thể cử nhân viên của mình đến”, gợi ý rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng gửi quân tới nước này nếu Thủ tướng Chính phủ Hiệp định Quốc gia Libya (GNA) Fayez Al-Sarraj yêu cầu, đặc biệt là sau khi thỏa thuận an ninh quân sự được phê chuẩn bởi hai bên.
Với tình huống như vậy, Nga-Thổ có thể sẽ đứng hai bên chiến tuyến đối lập tại một điểm nóng mới trong khu vực bên cạnh Syria.
Tuy nhiên, vẫn có những động thái đáng lưu ý tại Libya. Trong khi Nga trông có vẻ gần gũi với tướng Khalifa Haftar trong vài tháng qua, nước này vẫn giữ liên lạc sâu sắc với Chính phủ Hiệp định quốc gia (GNA) ở Tripoli, trong đó các công ty năng lượng của Nga ký nhiều thỏa thuận với họ, điều thể hiện rằng Moscow vẫn duy trì quan điểm trung lập.
Ý nghĩa cuộc tập trận Nga-Syria
Moscow đã chỉ trích về thỏa thuận mới nhất được ký giữa Thổ Nhĩ Kỳ và GNA vào ngày 27/11. Tuy nhiên, chuyên gia Ersen cho rằng khó có khả năng chỉ trích này có thể làm suy yếu mối quan hệ chiến lược giữa hai nước.
“Moscow sẽ thích tiếp tục đóng vai trò trung gian hòa giải giữa các chủ thể khác nhau - bao gồm cả Ankara - liên quan đến vấn đề Libya”, ông nói.
Hai bản ghi nhớ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và GNA về biên giới trên biển và hợp tác an ninh đã khiến Nga lo ngại có thể làm suy yếu các điều kiện cho cuộc họp hòa bình quốc tế về Libya dự kiến sẽ được tổ chức tại Berlin.
Trong khi đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan lại mong muốn Nga xem xét lại lập trường của mình đối với tướng Haftar và rút lại sự hỗ trợ mà họ dành cho quân đội của nhân vật này.
Về phần mình, chuyên gia Kirill Semenov từ Hội đồng các vấn đề quốc tế Nga lưu ý, các cuộc tập trận quân sự của hải quân Nga-Syria không phải là vấn đề mà Thổ Nhĩ Kỳ hay Libya đáng quan tâm.
“Sẽ thật kỳ lạ nếu hạm đội của Nga và Syria không được phép tiến hành các cuộc tập trận quân sự chung vì các hạm đội này được triển khai trong cùng một căn cứ hải quân. Họ chỉ đang thể hiện sự hợp tác trong lĩnh vực chống khủng bố và tiến hành các cuộc tập trận rà phá mìn trong khu vực gần căn cứ”, ông nói với Arab News.
Theo Semenov, có nguy cơ đụng xảy ra giữa Nga và nhà thầu quân sự tư nhân Thổ Nhĩ Kỳ ở Libya, mặc dù những sự cố này khó có thể ảnh hưởng xấu đến quan hệ song phương.
“Cả Moscow và Ankara sẽ cố gắng giải quyết bất đồng thông qua các thương lượng khác nhau, như trường hợp ở Syria, hoặc thậm chí thực hiện các thỏa thuận ở Libya để đổi lấy một số nhượng bộ ở Syria hoặc ngược lại”, ông nhấn mạnh.
Trong khi đó, Đạo luật Đối tác Năng lượng và An ninh Địa Trung Hải của Mỹ đang được thảo luận. Hành động này nhằm tăng cường mối quan hệ an ninh và năng lượng của Mỹ ở khu vực Đông Địa Trung Hải, đặc biệt là với Israel, Síp và Hy Lạp, đồng thời dỡ bỏ các hạn chế vũ khí đối với Síp.
Với bước đi như vậy, Ankara sẽ càng cảm thấy khó chịu và căng thẳng với phương Tây sẽ còn lún sâu.