Khi Ukraine tiếp tục nhắm mục tiêu vào các đường tiếp tế và kho đạn của Nga phía sau chiến tuyến hôm 16/8, các lực lượng Nga được cho là đã tiến hành một loạt các cuộc tấn công tên lửa và pháo binh vào các mục tiêu của Ukraine ở các thị trấn và thành phố trên chiến tuyến kéo dài hơn 600 dặm (965 km).
Tại thành phố Kharkiv, Đông Bắc Ukraine, các cuộc pháo kích đã đánh trúng cơ sở hạ tầng đường bộ và phá hủy các tòa nhà ở 5 trong số 9 quận của thành phố, ông Ihor Terekhov, Thị trưởng thành phố lớn thứ 2 Ukraine, cho biết.
Theo ông Terekhov, lâu rồi Nga mới tấn công nhiều khu vực khác nhau của thành phố cùng một lúc như vậy. Con số thương vong vẫn đang được đánh giá.
Nằm ở phía nam của Kharkiv, thuộc vùng Donbass ở miền Đông, các cuộc đọ sức pháo binh tiếp tục diễn ra khi quân đội 2 bên đều tìm cách giành quyền kiểm soát một khu vực hiện phần lớn trong cảnh đổ nát.
Khoảng 1,67 triệu người sống trong khu vực Donetsk do Ukraine kiểm soát vào thời điểm bắt đầu xung đột (cuối tháng 2). Kể từ khi chính phủ Ukraine ra lệnh sơ tán bắt buộc vào ngày 2/8, ước tính có tới 220.000 thường dân vẫn ở lại khu vực này. Các quan chức Ukraine cho biết tính đến 15/8, 5.575 người đã được sơ tán.
Nỗ lực sơ tán dự kiến sẽ kéo dài đến mùa thu. Với gần như tất cả cơ sở hạ tầng quan trọng trong khu vực bị phá hủy, sẽ không có nhiệt lượng để sưởi ấm hoặc điện cho những người ở lại, và chính phủ Ukraine đã cảnh báo người dân rằng sẽ không thể giúp gì nếu họ không rời đi.
Bộ chỉ huy cấp cao của quân đội Ukraine báo cáo giao tranh ác liệt trên khắp mặt trận miền Đông, nhưng không bên nào giành được lợi ích lãnh thổ lớn.
Tiền tuyến phía Nam cũng hầu như không thay đổi trong nhiều tuần. Ukraine tiếp tục tấn công các chuỗi hậu cần của Nga và tấn công các mục tiêu phía sau phòng tuyến của đối phương, nhằm làm suy giảm khả năng chiến đấu của Nga.
Trong 48 giờ qua, Bộ chỉ huy cấp cao quân đội Ukraine báo cáo rằng xe tăng và pháo binh Nga đã tấn công gần như toàn bộ đường liên lạc ở phía Nam.
Cũng có nhiều vụ nổ được báo cáo ở các thành phố do Nga kiểm soát trên khắp miền Nam, nhưng nguồn gốc của nhiều vụ nổ vẫn chưa rõ ràng.
Odessa hứng pháo kích sáng sớm
Quân đội Nga đã tiến hành một số cuộc tấn công bằng tên lửa vào khu vực Odessa, miền Nam Ukraine, vào đầu giờ ngày 17/8, ông Serhiy Bratchuk, người đứng đầu chính quyền quân sự khu vực Odessa, cho biết trong một bài đăng trên Telegram, trang Ukrinform của Ukraine đưa tin.
“Khu vực Odessa đã bị tấn công bởi tên lửa của đối phương. Mọi chi tiết của vụ tấn công đang được làm rõ. Thông tin chi tiết sẽ được đưa ra sau”, ông Bratchuk viết.
Hiện tại, tất cả các chi tiết về vụ tấn công tên lửa, số lượng thương vong và thiệt hại về cơ sở hạ tầng đang được làm rõ. Khu vực Odessa bị pháo kích trong một đợt cảnh báo không kích trong khu vực kéo dài từ 02h51 đến 3h26 ngày 17/8 (giờ địa phương).
Các lực lượng vũ trang Ukraine cũng cung cấp một bản cập nhật, cho biết các tên lửa đã phá hủy một trung tâm giải trí và một số tòa nhà tư nhân, The Guardian cho biết trong bản tin về chiến sự Nga-Ukraine ngày 17/8.
Tuyến tiếp tế của Nga ở Crimea lại gặp vấn đề
Bộ Quốc phòng Nga đổ lỗi cho những kẻ phá hoại về các vụ nổ tại một nhà kho quân sự ở phía bắc Crimea khiến hơn 3.000 người phải sơ tán, truyền thông nhà nước Nga đưa tin hôm 16/8.
Các vụ nổ hôm 16/8 đã làm rung chuyển một cơ sở lưu trữ đạn dược gần làng Maiskoye thuộc thành phố Dzhankoi, và làm gián đoạn hoạt động vận tải đường sắt và nguồn cung điện địa phương nhưng không ai bị thương nặng, Bộ này cho biết.
Tờ Kommersant của Nga hôm 16/8 cũng đưa tin về một vụ phá hoại ở Crimea, trích lời các nhân chứng nói rằng những đám khói có thể được nhìn thấy trên một căn cứ quân sự của Nga gần khu định Gvardeyskoye ở Crimea.
Các vụ việc xảy ra sau một loạt vụ nổ vào tuần trước tại một căn cứ không quân Nga ở Crimea mà các quan chức Ukraine ám chỉ là một phần của hoạt động đặc biệt nào đó, nhưng Moscow cho biết vào thời điểm đó là một vụ tai nạn.
Hãng thông tấn nhà nước TASS trích dẫn Bộ Quốc phòng Nga cho biết, cơ sở hạ tầng dân sự đã bị hư hại do “hành động phá hoại” - một sự thừa nhận hiếm hoi rằng các nhóm vũ trang thân Ukraine đang gây tổn thất về hậu cần quân sự và đường tiếp tế của Nga ở Crimea.
Người đứng đầu chính quyền Crimea, ông Sergei Aksyonov, xác nhận rằng 2 người bị thương trong các vụ nổ tại kho đạn, giao thông đường sắt bị đình trệ và hàng nghìn người phải sơ tán khỏi các ngôi làng gần đó.
Ông Aksyonov không đưa ra nguyên nhân dẫn đến các vụ nổ gần đây nhất ở Crimea, khu vực mà Moscow sử dụng làm đường tiếp tế cho cuộc chiến ở Ukraine.
Tuần trước, các vụ nổ tại một căn cứ không quân trên bờ biển phía tây Crimea đã gây ra thiệt hại lớn và phá hủy một số máy bay chiến đấu của Nga. Moscow gọi đó là một vụ tai nạn, mặc dù các vụ nổ xảy ra đồng thời đã tạo ra các miệng hộ lớn đến mức có thể nhìn thấy trong các bức ảnh vệ tinh.
Trong các vụ nổ mới nhất, một trạm biến áp điện cũng bốc cháy gần thị trấn Dzhankoi, theo cảnh quay trên kênh truyền hình nhà nước Nga. Cảnh quay cho thấy những vụ nổ lớn ở đường chân trời mà các nhà chức trách cho biết là do các vụ nổ kho đạn.
Hãng thông tấn RIA của Nga cho biết, 7 chuyến tàu chở khách đã bị hoãn và giao thông đường sắt trên một phần của tuyến ở phía bắc Crimea đã bị đình chỉ.
Những gián đoạn đối với tuyến đường sắt có thể làm gián đoạn khả năng của Moscow trong việc chuyển khí tài quân sự hỗ trợ cho quân đội Nga ở Ukraine.
Thị trấn Dzhankoi, nơi xảy ra vụ việc, nằm ở phía bắc bán đảo, cách khu vực Kherson do Nga kiểm soát ở miền Nam Ukraine khoảng 50 km (30 dặm). Kiev gần đây đã tiến hành một loạt cuộc tấn công vào các địa điểm khác nhau trong khu vực, đánh vào các tuyến đường tiếp tế và các kho đạn dược của Nga.
Tình báo Anh: Hạm đội Biển Đen Nga đang trong thế phòng thủ
Bộ Quốc phòng Anh, trong bản cập nhật tình báo về xung đột Nga-Ukraine ngày 16/8 cho biết, các tàu mặt nước của Hạm đội Biển Đen Nga đang “tiếp tục theo đuổi một thế trận phòng thủ cực kỳ nghiêm ngặt, với các cuộc tuần tra thường giới hạn ở vùng biển trong tầm nhìn của bờ biển Crimea”.
Điều này trái ngược với hoạt động của hải quân Nga ở các vùng biển khác vào thời điểm này trong năm, bản cập nhật cho biết.
“Hạm đội Biển Đen tiếp tục sử dụng tên lửa hành trình tầm xa để hỗ trợ các cuộc tấn công mặt đất nhưng hiện đang gặp khó khăn trong việc thực hiện quyền kiểm soát hiệu quả trên biển”, Bộ Quốc phòng Anh cho biết.
Bộ này đánh giá rằng có 3 yếu tố góp phần giải thích lý do tại sao Nga đang phải vật lộn để kiểm soát hiệu quả trên biển, bao gồm việc soái hạm Moskva bị chìm trong giai đoạn đầu của cuộc xung đột, tổn thất về máy bay chiến đấu của lực lượng không quân hải quân Nga và lực lượng này không còn kiểm soát được Đảo Rắn ngoài khơi Ukraine.
“Tính hiệu quả hạn chế” của hạm đội này làm suy yếu chiến lược tấn công tổng thể của Nga, khi phần lớn mối đe dọa đổ bộ đối với Odessa hiện cũng đã bị vô hiệu hóa, Bộ này nhận định. “Điều này nghĩa là Ukraine có thể chuyển hướng nguồn lực để gây sức ép với lực lượng mặt đất của Nga ở những nơi khác”.
Ông Zelenskyy: “Thảm họa” Zaporizhzhia sẽ đe dọa toàn châu Âu
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy, trong bài phát biểu video đêm hôm 16/8, đã cảnh báo rằng một “thảm họa” tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia do Nga kiểm soát ở miền Nam Ukraine có thể đe dọa toàn bộ châu Âu.
“Dưới sự che chắn của nhà máy, đối phương đang pháo kích vào các thành phố và cộng đồng lân cận”, ông Zelenskyy nói. “Bất kỳ sự cố bức xạ nào tại nhà máy Zaporizhzhia đều có thể ảnh hưởng đến các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ, Georgia và các quốc gia từ các khu vực xa hơn. Mọi thứ chỉ phụ thuộc vào hướng và tốc độ của gió”.
Nhà lãnh đạo Ukraine kêu gọi “các biện pháp trừng phạt cứng rắn mới” chống lại Nga, và nói với phương Tây rằng họ không nên nhượng bộ cái mà ông gọi là “tống tiền hạt nhân”.
“Tất cả quân đội Nga ngay lập tức phải được rút khỏi nhà máy và các khu vực lân cận mà không có bất kỳ điều kiện nào”, Tổng thống Zelenskyy tuyên bố.
Nga đã giành quyền kiểm soát khu vực xung quanh địa điểm này ngay từ những ngày đầu chiến dịch, hồi tháng 3.
Tuy nhiên, kể từ cuối tháng 7, khu vực này đã trở thành mục tiêu của một số cuộc tấn công quân sự, với việc Nga và Ukraine liên tục đổ lỗi cho nhau về những điều này.
Tình hình tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia là chủ đề của một cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vào tuần trước, và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) của LHQ đang khẩn trương tìm cách tiếp cận để thanh tra nhà máy này.
Cả Nga và Ukraine đều tuyên bố sẵn sàng hợp tác trong cuộc thanh tra. Tuy nhiên, cả 2 bên đều phản đối lộ trình mà các thanh sát viên có thể thực hiện để đến đó. Ukraine cho biết họ sẽ không chấp nhận phái đoàn IAEA đến nhà máy qua Nga và các khu vực do Nga kiểm soát. Nga cho biết sẽ không an toàn nếu phái đoàn này vượt qua chiến tuyến để tiếp cận Zaporizhzhia từ phía Ukraine.
Câu chuyện khi nào các thanh tra của IAEA có thể đến nhà máy Zaporizhzhia, và bằng tuyến đường nào, vẫn chưa có hồi kết. LHQ cho biết họ có đủ năng lực hậu cần và an ninh để sắp xếp một cuộc thanh tra như vậy nếu cả 2 bên đồng ý.
Nga tuyên bố không cần sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tuyên bố, Moscow “không cần” sử dụng vũ khí hạt nhân - hoặc vũ khí hóa học - ở Ukraine.
Ông mô tả đồn đoán rằng Moscow có thể triển khai vũ khí hạt nhân hoặc hóa học trên chiến trường Ukraine là “lời nói dối trắng trợn”.
“Từ quan điểm quân sự, không cần thiết phải sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine để đạt được các mục tiêu đã đề ra. Mục đích chính của vũ khí hạt nhân Nga là để ngăn chặn một cuộc tấn công hạt nhân”, ông Shoigu phát biểu tại một hội nghị an ninh quốc tế ở Moscow hôm 16/8.
“Các phương tiện truyền thông đang lan truyền những đồn đoán cáo buộc Nga sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật trong chiến dịch quân sự đặc biệt, hoặc Nga sẵn sàng sử dụng vũ khí hóa học. Tất cả những cuộc tấn công thông tin này hoàn toàn là dối trá”.
Ông Shoigu cũng cáo buộc rằng phương Tây đã tham gia mạnh mẽ vào các hành động phản công của các lực lượng Ukraine.
“Không chỉ tọa độ của các mục tiêu tấn công được cung cấp bởi các cơ quan tình báo phương Tây, mà việc nhập dữ liệu này vào các hệ thống vũ khí được thực hiện dưới sự kiểm soát hoàn toàn của các chuyên gia phương Tây”, Bộ trưởng Quốc phòng Nga nói.
Người đứng đầu LHQ sẽ thăm Ukraine
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres sẽ một lần nữa đích thân đến Ukraine để gặp Tổng thống Volodymyr Zelenskyy, và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdoğan, vào ngày 18/8.
Tại cuộc họp vào ngày 18/8 ở Lviv, miền Tây Ukraine, các nhà lãnh đạo sẽ xem xét thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc do LHQ hậu thuẫn và thảo luận về “sự cần thiết của một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột này” cũng như tình hình tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia do Nga kiểm soát.
Ngày 19/8, ông Guterres sẽ đến thăm cảng Odessa trên Biển Đen, nơi hoạt động xuất khẩu ngũ cốc đã được nối lại.
Ngày 20/8, vị quan chức hàng đầu của LHQ sẽ đến thăm Trung tâm Điều phối chung ở Istanbul, nơi các nhân viên Nga, Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ và LHQ đang cùng nhau giám sát việc xuất khẩu ngũ cốc và phân bón Ukraine qua Biển Đen.
Trước đó, hồi tháng 4, ông Guterres đã đến thủ đô Kiev và gặp ông Zelenskyy.
Minh Đức (Theo NYT, Al Jazeera, DW, The Guardian)