Mỹ ngồi trên đống lửa
Theo truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ, Washington có thể sẽ áp dụng bất cứ biện pháp nào đối với Ankara nhằm gây áp lực buộc họ phải ngừng thương vụ S-400 lại. Phía Mỹ mới đây cũng đã đưa ra những động thái cho thấy, nếu Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 từ Nga, Lầu Năm Góc sẽ coi đó là một mối quan ngại chính.
“Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa hoàn tất vụ mua bán. Một khi được hoàn thành, nó sẽ trở thành mối quan ngại (của Mỹ)”, Tướng Joseph Dunford, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ nói trong một cuộc phỏng vấn hồi tuần trước. Phản ứng với tuyên bố nêu trên, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói rằng, những quan ngại của giới chính trị gia Mỹ là không hợp lý.
“Tại sao đó lại là điều khiến họ lo ngại? Mỗi quốc gia cần thực hiện các biện pháp để đảm bảo nền an ninh. Chúng tôi đã đàm thoại rất nhiều lần với Mỹ, nhưng không có hiệu quả. Vì vậy, dù họ có thích hay không, chúng tôi cũng đã bắt đầu lên kế hoạch mua S-400”, ông Erdogan nói trong một cuộc họp báo tại Ankara hồi đầu tuần. Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh, các cuộc đàm phán xung quanh thương vụ này “phần lớn” đã hoàn tất.
“Chúng ta đều biết, Mỹ và một số quốc gia đồng minh của Thổ Nhĩ Kỳ tại tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang e ngại về khả năng Ankara mua S-400 của Moscow. Các quan chức NATO tỏ ra lo lắng liệu một hệ thống do Nga sản xuất có khả năng tương thích với các tiêu chuẩn quân sự khác của NATO hay không”, cựu Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Mỹ Faruk Logoglu nói với hãng tin Sputnik.
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cũng từng nêu lên câu hỏi tương tự về khả năng tương thích giữa S-400 và các tiêu chuẩn NATO, đồng thời yêu cầu Ankara phải giải thích về việc tại sao Thổ Nhĩ Kỳ lại chọn mua vũ khí từ Moscow.
Thổ Nhĩ Kỳ thách thức Mỹ?
Theo cựu Đại sứ Faruk Logoglu, Mỹ và các quốc gia phương Tây khó có thể tác động tới quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ. “Hành động của NATO sẽ không ảnh hưởng tới kết quả những thỏa thuận Nga-Thổ”, ông lưu ý.
“Tôi không nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn sẽ mua S-400. Bởi chúng ta biết đấy, hợp đồng vẫn chưa được ký kết. Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không từ bỏ ý định của họ chỉ vì Washington đang giận dữ và e ngại”, ông Logoglu nhận định.
Nhà phân tích quân sự Igor Korotchenko, Tổng Biên tập tạp chí quốc phòng National Defense của Nga cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa ra lựa chọn mang tính quyết định đối với an ninh, chủ quyền quốc gia. Theo ông, không phải thành viên NATO nào cũng có khả năng “làm ngơ” trước quan điểm của Washington về vấn đề quan trọng này.
Tuy nhiên, theo chuyên gia, Ankara muốn “tìm ra sự lựa chọn tốt nhất” trên thị trường vũ khí toàn cầu hiện tại. Hơn nữa, ông nhấn mạnh rằng, sự lựa chọn của Thổ Nhĩ Kỳ với S-400 là “thất bại chiến lược” của các hãng sản xuất vũ khí Mỹ.
“Sự thật là Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên NATO, đã ưu tiên sử dụng hệ thống phòng thủ của Nga. Điều đó cho thấy Nga đã “vượt mặt” Mỹ trong những phát triển về công nghệ vũ khí”, ông Korotchenko nói.
Còn theo ông Mesut Hakki Chashin, sĩ quan Không quân Thổ Nhĩ Kỳ về hưu, Giáo sư Quan hệ Quốc tế của học viện Không quân và đại học Ozyegin ở Istanbul, việc Thổ Nhĩ Kỳ mua các tổ hợp S-400 là hoàn toàn hợp lý. “Thổ Nhĩ Kỳ đã từng liên lạc với NATO để mua các hệ thống phòng không. Vì lý do chính trị, Đức đã thu hồi các tổ hợp Patriot để gây đòn bẩy áp lực chính trị.
Ngoài ra, tổ hợp Patriot không thể bao trùm toàn bộ những khu vực có thể bị đe dọa của Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, S-400 có tất cả thiết lập cực hiện đại mà Thổ Nhĩ Kỳ cần đến, với tầm xa 400km, tầm cao lên đến 30km. Tên lửa SAM có thể bắn trúng 36 mục tiêu một lúc, nếu cần thiết, có thể bắn trúng 72 mục tiêu với sự hỗ trợ của pin kép. Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, tất cả điều này là những yếu tố rất quan trọng”, ông Mesut Hakki Chashin nói.
Thổ Nhĩ Kỳ và Nga bắt đầu đàm phán vụ mua bán S-400 từ năm 2016. Hồi tháng Ba năm nay, Giám đốc điều hành tập đoàn Rostec của Nga, ông Sergei Chemezov nói rằng Ankara đã sẵn sàng mua các lá chắn tên lửa với một khoản vay từ Moscow.
Hôm 18/7, ông Chemezov nói rằng, những vấn đề kỹ thuật của hợp đồng mua bán S-400 đã được giải quyết, cho tới nay chỉ còn lại những thủ tục hành chính.
S-400 “Triumph” là hệ thống phòng thủ tên lửa di động đất đối không thế hệ mới được sản xuất tại Nga, có khả năng mang theo 3 loại tên lửa khác nhau, có khả năng phá hủy các mục tiêu bay từ tầm thấp cho tới tầm xa. Mục tiêu của S-400 rất đa dạng, từ máy bay trinh sát cho tới tên lửa đạn đạo.
S-400 được tích hợp radar đa năng, các hệ thống phát hiện tự động và nhắm mục tiêu, hệ thống tên lửa chống máy bay, bệ phóng và trung tâm chỉ huy, điều khiển.
Xem thêm: Nga nhận cái kết ngọt ngào từ Qatar
Danh Tuyên