Chuyên gia Việt: Đây không phải là hành động do một đảng phái “giật dây”
Dưới góc nhìn của chuyên gia Việt Nam. PV báo Người đưa tin đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Đỗ Đức Định, nguyên Viện trưởng viện Nghiên cứu Trung Đông về vấn đề này.
Thưa ông, dưới góc nhìn chuyên gia nghiên cứu quan hệ quốc tế, ông đánh giá ra sao về vụ ám sát Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ vừa qua?
Vụ việc Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ Andrey G. Karlov đã bị bắn chết trong một buổi lễ khai mạc triển lãm tranh ở Ankara đã nhận được sự quan tâm của dư luận quốc tế trong suốt những ngày qua. Theo thông tin điều tra của bộ Nội vụ Ankara công bố cho biết, hung thủ vụ án này là Mevlut Mert Altintas, là một cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ 22 tuổi, đã phục vụ 2 năm rưỡi trong lực lượng cảnh sát chống bạo động ở Ankara.
Những ngày gần đây, cũng có nhiều thuyết âm mưu đưa ra xoay quanh vụ việc này, nhưng ý kiến chủ quan của tôi đây không phải là hành động được một đảng phái tổ chức nào đó “giật dây”.
Ông có thể giải thích rõ hơn về nhận định này?
Tôi đã từng nhiều lần tới công tác tại Thổ Nhĩ Kỳ và nhận thấy ở đất nước này có rất nhiều người Thổ nói tiếng Nga cũng như đông đảo người Nga nói tiếng Thổ. Quan hệ giữa hai nước về mặt văn hóa, lịch sử, địa lý, đặc biệt về kinh tế rất khăng khít, phát triển mạnh. Nhưng nhiều năm trở lại đây thì mối quan hệ này có chiều hướng đi xuống do một số nguyên nhân song việc ám sát này tôi lại nhận định nó không phải là âm mưu của đảng phái nào đó.
Bởi lẽ, sẽ bất lợi cho cả hai bên về mọi mặt nếu quan hệ giữa hai nước đi xuống. Thời gian này Nga đang rất cần Thổ và Thổ cũng vậy. Vụ ám sát này có thể do một bộ phận dân Thổ không ưa Nga, kích động thêm những tư tưởng cực đoan của tổ chức nhà nước Hồi giáo tự xưng IS gây nên hành động này.
Vậy theo ông, sau vụ ám sát này sẽ khiến mối quan hệ Nga – Thổ lại tiếp tục căng thẳng chứ?
Đại sứ Nga ở Thổ Nhĩ Kỳ Andrei Karlov bị bắn chết được giới phân tích nước ngoài so sánh có nhiều điểm tương đồng với vụ ám sát Thái tử Áo - Hung Franz Ferdinand năm 1914, một trong những vụ ám sát gây chấn động nhất thế giới thế kỷ XX, là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới Thế chiến thứ I. Hay cũng có ý kiến cho rằng vụ ám sát chấn động này có thể châm ngòi cho những xung đột, căng thẳng khu vực.
Nhưng chúng ta nên nhớ, ngay sau sự việc, Tổng thống Nga Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành điện đàm, bày tỏ ý nguyện cùng điều tra sự kiện tấn công và tăng cường hợp tác chống khủng bố. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cho biết mục đích tấn công là có ý đồ phá hoại tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa hai nước, “Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đều không hy vọng bị đánh lừa bởi hành vi khiêu khích này”. Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết sự kiện này là hành vi khiêu khích, mục đích không chỉ là phá hoại bình thường hóa quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, mà còn phá hoại tiến trình hòa bình Syria được Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và các nước khác thúc đẩy.
Vậy nên dù có những ý kiến khác nhau, nhưng tôi nghĩ một Thế chiến là không thể xảy ra, nhưng sẽ buộc hai nước thận trọng ngồi đàm phán với nhau một cách chặt chẽ hơn. Nếu họ giải quyết được vấn đề này thì mối quan hệ giữa hai nước sẽ thuận lợi, ấm nồng. Song, xử lý không tốt, một “nước cờ” thiếu thận trọng sẽ đẩy hai nước vào những khủng hoảng mà chúng ta không thể lường trước được.
Tóm lại, có thể nhận thấy, quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có thể kiểm soát. Bởi sau khi Tổng thống Erdogan thực hiện các biện pháp thanh trừng nội bộ sau cuộc đảo chính bất thành thì quan hệ giữa Ankara với phương Tây nhất là Mỹ xấu đi, quan hệ với Nga ấm lại.
Đại sứ Nga tị Thổ Nhĩ Kỳ bị ám sát sẽ không gây ảnh hưởng quá lớn đến quan hệ hai nước, thậm chí có thể sẽ thúc đẩy hai bên hợp tác chặt chẽ hơn. Đại sứ Nga bị ám sát có thể sẽ không gây ảnh hưởng đến hợp tác giữa hai bên.
Phương Anh