Moscow và Ankara đã ký hợp đồng chuyển giao lô hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 thứ hai cho Thổ Nhĩ Kỳ, hãng thông tấn nhà nước Nga TASS đưa tin hôm 16/8, dẫn lời người đứng đầu cơ quan hợp tác quân sự của Nga cho biết.
Thỏa thuận với Ankara cũng sẽ “cho phép nội địa hóa sản xuất một số thành phần của hệ thống S-400 Triumf”, người đứng đầu Cơ quan Liên bang về Hợp tác Kỹ thuật-Quân sự (FSVTS), Dmitry Shugayev, cho biết bên lề Diễn đàn kỹ thuật quân sự quốc tế Army 2022 ở Moscow.
Đồng minh NATO là Thổ Nhĩ Kỳ đã mua lô S-400 đầu tiên của Nga vào năm 2019, gây ra phản ứng dữ dội từ Washington và liên minh quân sự xuyên Đại Tây Dương.
Thương vụ này dẫn đến việc quốc gia liên lục địa Á-Âu bị loại khỏi chương trình F-35 của Mỹ và các quan chức quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ bị trừng phạt.
Washington và NATO phản đối mạnh mẽ việc sử dụng các hệ thống của Nga trong liên minh và Mỹ cho rằng điều này gây ra mối đe dọa đối với các máy bay chiến đấu F-35. Trong khi đó, Ankara lập luận rằng S-400 có thể được sử dụng độc lập mà không cần tích hợp vào các hệ thống của NATO và do đó không gây rủi ro.
Không quốc gia nào có thể thiết kế một hệ thống có thể sánh ngang với hệ thống tên lửa S-400 Triumf, ông Shugayev tuyên bố, cho biết thêm rằng hợp đồng với Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang được thực hiện.
Tuần trước, Moscow và Ankara đã nhất trí tăng cường hợp tác kinh tế tại cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan được tổ chức ở thành phố nghỉ dưỡng Sochi của Nga bên bờ Biển Đen.
Cuộc họp này đã khiến một số quốc gia châu Âu lo ngại vì nó diễn ra khi phương Tây đang tìm cách cắt giảm quan hệ kinh tế với Moscow để phản ứng với cuộc tấn công quân sự của Nga ở Ukraine.
Vai trò phức tạp
Hợp đồng ban đầu giữa Ankara và Moscow về việc mua các hệ thống S-400 bao gồm 2 đợt, Reuters dẫn lời một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết hôm 16/8. Vị quan chức này cũng giải thích rằng không có thỏa thuận mới nào, bác bỏ các báo cáo về hợp đồng mua bán vũ khí thứ hai với Nga.
Trong khi đó, một phái đoàn quân sự Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang ở Mỹ để đàm phán về thương vụ máy bay phản lực F-16 cho nước này, hãng thông tấn nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu Agency đưa tin hôm 15/8.
Thổ Nhĩ Kỳ đã đóng một vai trò phức tạp trên trường thế giới kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine. Là một thành viên của NATO, và cần duy trì quan hệ tốt với EU, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ cũng có quan hệ chặt chẽ với Nga.
Điều này đã dẫn đến một số diễn biến khó xử: Thổ Nhĩ Kỳ ban đầu chặn việc gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan; Ankara nhiều lần nỗ lực đóng vai trò trung gian hòa giải giữa Nga và Ukraine; và quốc gia liên lục địa Á-Âu này đã tham gia vào thỏa thuận gần đây về nối lại xuất khẩu ngũ cốc Ukraine qua Biển Đen.
Không giống như Mỹ và hầu hết các nước châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ đã không áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga.
Minh Đức (Theo Ahval News, Newsweek)