Ủy ban lập pháp này có trách nhiệm đọc và đánh giá các dự luật sẽ được chính phủ Nga đệ trình ra trước hạ viện của Quốc hội Liên bang Nga. Việc ủy ban này thông qua dự luật mới cho thấy Nga đang tiến gần hơn đến việc quốc hữu hóa tài sản doanh nghiệp nước ngoài để lại nhằm củng cố sự ổn định của nền kinh tế trước sức ép trừng phạt.
Theo tuyên bố của Đảng Nước Nga thống nhất cầm quyền, các biện pháp mới có mục đích ngăn chặn các doanh nghiệp có hơn 25% cổ phần sở hữu bởi thực thể nước ngoài hoặc “các chính phủ không thân thiện” bị phá sản và duy trì việc làm tại các doanh nghiệp này.
Các biện pháp được đề xuất sẽ cho phép thành viên ban giám đốc tại các doanh nghiệp thuộc nhóm đối tượng hoặc cơ quan thuế liên bang Nga chỉ định thành viên ngoài doanh nghiệp quản lý hoạt động kinh doanh và sản xuất. Tuy nhiên, chủ doanh nghiệp có thể khiếu nại quyết định này trong vòng 5 ngày nếu đồng ý quay trở lại hoạt động hoặc bán lại quyền lợi của mình.
Một biện pháp khác được đưa ra là tòa án sẽ chỉ định thành viên ngoài doanh nghiệp quản lý hoạt động và chào bán cổ phần của doanh nghiệp. Người mua cổ phần sẽ phải giữ lại ít nhất 2/3 số nhân viên của doanh nghiệp.
Tuyên bố này nhắc lại quan điểm trước đó của Tổng Thư ký Đảng Nước Nga thống nhất Andrei Turchak rằng chính phủ Nga nên quốc hữu hoá các doanh nghiệp nước ngoài đã rời bỏ quốc gia này.
Sau khi phương Tây thực thi các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga, hàng trăm doanh nghiệp nước ngoài đã dừng hoạt động, rút bớt vốn hoặc dừng cung cấp sản phẩm và dịch vụ tại Nga.
Trong lĩnh vực năng lượng, bp đã rút 19,75% cổ phần của mình trong tập đoàn dầu mỏ khổng lồ Rosneft tại Nga, trong khi Shell rút lui tất cả các hoạt động với tập đoàn năng lượng Gazprom.
Các ông lớn trong ngành thực phẩm như Nestle, Yum! Brands (KFC, Pizza Hut) đều đã dừng đầu tư vào Nga. Tương tự, Microsoft và Apple là những hãng công nghệ lớn đã tuyên bố dừng bán sản phẩm và dịch vụ tại Nga. Bên cạnh đó, nhiều hãng thời trang lớn như H&M, Zara và Adidas đều đã dừng hoạt động tại Nga. .
Tùng Phong (Theo The Wall Street Journal/Reuters)