Cụ thể, các lực lượng Nga đã mất quyền kiểm soát đối với một số khu định cư nằm giáp với các vùng Mykolaiv và Kherson nhờ “các hành động thành công của quân phòng thủ Ukraine”, Bộ Tổng tham mưu Các lực lượng vũ trang Ukraine cho biết.
Bên cạnh việc tiếp tục nã pháo vào thành phố Kharkiv và thành phố Izium thuộc tỉnh Kharkiv, Quân đội Nga cũng đang cố gắng tiến hành các hoạt động tấn công tại Lyman thuộc Donetsk, Severodonetsk và Popasna thuộc Luhansk, nhưng không thành công, Bộ tổng tham mưu cho biết trên Facebook.
Tại khu vực Mariupol, Bộ Tổng tham mưu Ukraine tuyên bố đã ghi nhận các đợt tấn công mới của Nga vào nhà máy thép Azovstal – thành trì cuối cùng của quân Ukraine ở thành phố cảng chiến lược miền Nam đất nước.
"Với sự yểm trợ của không quân, địch đã tiếp tục cuộc tấn công với mục đích giành quyền kiểm soát khu nhà máy", Bộ Tổng tham mưu Ukraine cho biết trong báo cáo.
Trước đó, hôm 4/5, Nga đã tuyên bố sẽ thực hiện lệnh ngừng bắn tạm thời trong khung giờ cố định ban ngày của 3 ngày liên tiếp (5/5, 6/5 và 7/5) để cho phép dân thường đang mắc kẹt trong khu nhà máy có thể sơ tán đến nơi an toàn.
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Nghị sĩ David Arakhamia, người đứng đầu nhánh nắm quyền Nghị viện Ukraine, xác nhận rằng các lực lượng Nga đã tiến vào khuôn viên nhà máy thép Azovstal.
LHQ cho biết, hơn 300 thường dân bị mắc kẹt trong thành phố cảng Mariupol, miền Đông Nam Ukraine, đã được sơ tán đến thành phố Zaporizhzhia do Ukraine kiểm soát.
Cuộc sơ tán hôm 3/5 là nỗ lực thành công thứ hai trong vòng nhiều ngày để đưa dân thường ra khỏi Mariupol và các khu vực lân cận.
Quan chức Điện Kremlin thăm Mariupol
Ngày 5/5, ông Sergey Kiriyenko, Phó Chánh Văn phòng Tổng thống Nga, đã đến thăm thành phố cảng Mariupol, nơi hôm 21/4 Nga đã tuyên bố giành gần như toàn quyền kiểm soát.
Thủ lĩnh phe ly khai Donetsk Denis Pushilin đã thông báo về chuyến thăm của ông Kiriyenko trong một bài đăng trên Telegram hôm 5/5.
Ông Kiriyenko đã giữ chức Thủ tướng Nga năm 1998 dưới thời Tổng thống Boris Yeltsin. Hiện ông đang là Phó Chánh văn phòng thứ nhất Điện Kremlin và chịu trách nhiệm về các chính sách trong nước.
Mỹ không cấp tin tình báo "với ý định tiêu diệt các tướng lĩnh Nga"
Thông tin tình báo mà Mỹ cung cấp đã giúp các lực lượng Ukraine hạ gục nhiều tướng lĩnh Nga trong xung đột quân sự ở Ukraine, báo New York Times đưa tin hôm 4/5, dẫn lời các quan chức cấp cao của Mỹ.
Washington đã cung cấp cho Ukraine thông tin chi tiết về hoạt động chuyển quân dự kiến của Nga và vị trí cũng như các thông tin chi tiết khác về sở chỉ huy quân sự cơ động của Nga, và Ukraine đã kết hợp cấc chi tiết đó với thông tin tình báo của chính họ để tiến hành các cuộc pháo kích và các cuộc tấn công khác khiến các sĩ quan Nga thiệt mạng, Reuters dẫn lời tờ New York Times cho biết.
Lầu Năm Góc và Nhà Trắng đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của Reuters về bài báo của New York Times.
Theo New York Times, các quan chức Ukraine tuyên bố đã hạ khoảng 12 tướng Nga trên chiến trường, một con số khiến các nhà phân tích quân sự kinh ngạc.
Các quan chức Mỹ từ chối tiết lộ có bao nhiêu tướng lĩnh Nga đã bị phía Ukraine tiêu diệt nhờ thông tin của tình báo Mỹ, tờ New York Times cho biết.
Sau khi bài báo này được xuất bản, theo tờ New York Times, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Adrienne Watson cho biết trong một tuyên bố rằng, thông tin tình báo chiến trường không được cung cấp cho người Ukraine "với ý định tiêu diệt các tướng lĩnh Nga".
Không phải tất cả các cuộc tấn công đều được thực hiện với thông tin tình báo Mỹ. Nhiều quan chức Mỹ tiết lộ với New York Times rằng, cuộc tấn công vào cuối tuần qua tại một địa điểm ở miền Đông Ukraine nơi Tướng Valery Gerasimov, sĩ quan cấp cao nhất của Nga, hiện diện, đã được thực hiện mà không có sự hỗ trợ của tình báo Mỹ.
Nhật Bản khó tuân theo lệnh cấm vận dầu Nga ngay lập tức
Nhật Bản cho biết họ sẽ gặp "khó khăn" trong việc ngay lập tức thực hiện động thái tương tự như Liên minh châu Âu đã đề xuất về việc chấm dứt nhập khẩu dầu của Nga.
"Do Nhật Bản có nguồn lực hạn chế, chúng tôi sẽ gặp một số khó khăn để bắt kịp bước đi này ngay lập tức", Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, Koichi Hagiuda, nói với các cơ quan truyền thông hôm 5/5.
Ông Hagiuda đã đưa ra bình luận trong chuyến đi tới Washington và theo sau đề xuất của người đứng đầu EU về việc đưa ra các biện pháp trừng phạt cứng rắn nhất chưa từng có đối với Nga, trong đó có lệnh cấm vận đối với dầu thô.
Minh Đức (Theo Reuters, DW, Al Jazeera, New York Times)