Sau chiến dịch quân sự kéo dài 4 tháng, thành phố Raqqa đã chính thức được giải phóng vào tháng 10/2017, song cho tới nay, khi dùng một từ để mô tả về tình trạng ở đây, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzya đã dùng từ “thảm khốc”.
“Vẫn chưa có quá trình nào nhằm tái thiết thành phố bị tàn phá bởi các cuộc không kích ác liệt. Người dân quay trở lại thành phố đang đối mặt với nguy cơ bị giết chết bởi các quả mìn và vật liệu nổ tự chế còn sót lại”, ông Nebenzya lưu ý.
“Sự kiểm soát của người Mỹ không mang lại bất kỳ điều gì tích cực cho thành phố này. Giải pháp hiệu quả duy nhất hiện nay đó là tái thiết lập các cấu trúc nhà nước ở Raqqa”, đại diện Nga nói, lưu ý rằng người dân địa phương đã bắt đầu các cuộc biểu tình nhằm phản đối sự hiện diện của Washington tại đây.
Trước đây, thành phố này được nhóm phiến quân Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) tái chiếm từ tay khủng bố. Thời điểm hiện tại, Raqqa vẫn đang nằm dưới sự quản lý lỏng lẻo của các chiến binh SDF do Washington hậu thuẫn.
Quá trình tái thiết Raqqa và vùng ngoại ô thành phố đang được thực hiện thông qua một mạng lưới các hội đồng địa phương mà ông Nebenzya gọi là một nhóm người “hoàn toàn kém cỏi”.
“Làm thế nào chúng ta có thể tin tưởng và trao sự an toàn của người dân vào nhóm người đó? Raqqa đang sụp đổ. Theo đúng nghĩa đen, không còn một ngôi nhà nào còn "sống sót". Hàng ngàn thi thể vẫn đang bị chôn vùi dưới các đống đổ nát”, Đại sứ Nga nhấn mạnh.
Đại sứ Nebenzya lên án hành động can thiệp quân sự của Mỹ tại Syria vào ngày 14/4 vừa qua. Ông cho rằng cuộc oanh kích của “bộ ba” Washington-London-Paris chỉ kéo lùi các tiến trình hòa giải ở quốc gia đã đắm chìm trong chiến tranh suốt 7 năm qua.
Moscow tin rằng không có biện pháp quân sự nào có thể giải quyết được xung đột ở Syria, do đó các quốc gia cần phải chung tay để hỗ trợ tiến trình hòa bình.
Về phần mình, phía Mỹ cho rằng Moscow đang cố gắng “gây xao nhãng” cộng đồng quốc tế, khiến thế giới không chú ý tới các tội ác của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.
Đại diện Liên Hợp Quốc vừa thông tin về tình trạng bị tàn phá thảm khốc ở thành phố Raqqa, Syria.
Theo đó, trung bình mỗi tuần cứ 50 người thiệt mạng ở Raqqa, Phó Tổng thư ký các vấn đề Nhân đạo và Hợp tác cứu trợ khẩn cấp cho biết.
Ông cũng đồng thời lưu ý cho tới nay vẫn chưa có biện pháp nào nhằm hỗ trợ cho những người dân ở các vùng khác quay trở lại thành phố bị tàn phá chiến tranh này.
“Những điều kiện sống ở đây vô cùng khó khăn, do mật độ các thiết bị nổ tự chế vẫn còn lưu lại ở khu vực này rất nhiều. Đồng thời, sự tàn phá cơ sở hạ tầng đã dẫn tới việc các dịch vụ căn bản phục vụ người dân hoàn toàn không tồn tại”, ông Mark Lowcock nói, dựa theo báo cáo của nhóm làm việc của Liên Hợp Quốc tại Raqqa vào ngày 1/4 vừa qua.
“Có đến 95% các hộ gia đình đã quay trở lại Raqqa đang thiếu thức ăn, nước uống. Các dịch vụ y tế cực kỳ thiếu thốn hoặc hoàn toàn bị hạn chế”, ông Mark Lowcock nói thêm.
Lưu ý rằng khoảng 70-80% các tòa nhà ở Raqqa đã bị “phá hủy hoặc hư hại”, ông Lowcock kêu gọi các quốc gia cùng hành động nhằm giúp đỡ người dân ở thành phố từng được tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) gọi là “Thủ đô” này.
Xem thêm: Syria: Mỹ lập cơ sở quân sự mới ở gần thành trì cũ của IS ở Deir Ezzor