Tham vọng Bắc Cực của Trung Quốc hiện đang ở đỉnh điểm, điều gây ra sự bối rối với các nước Baltic và nguy cơ mang tới cuộc xung đột rộng lớn hơn giữa Nga và NATO, theo SCMP.
Vào tháng trước, Trung Quốc công bố chính sách Bắc Cực, trong đó chìa khóa của kế hoạch là sự hỗ trợ đến từ Nga. Đổi lại, Nga mong muốn đạt được sự ưng thuận ngầm từ Trung Quốc nếu chống lại một hoặc cả ba quốc gia Baltic: Lithuania, Latvia và Estonia. Bộ ba này đang được bảo vệ bởi NATO.
Con đường Tơ lụa Bắc cực là một sự bổ sung nhỏ hơn cho sáng kiến Vành đai Con đường mà Trung Quốc nỗ lực xây dựng trong vài năm trở lại đây.
Vành đai Con đường cụ thể là 6 tuyến đường xuyên qua Trung Á và Nam Á và một tuyến đường biển từ Biển Đông qua Ấn Độ Dương, kết thúc tại kênh đào Suez.
Mục đích của Bắc Kinh là mở rộng tầm ảnh hưởng thông qua các dự án cơ sở hạ tầng nằm tại các quốc gia dọc theo tuyến đường, được thực hiện với chi phí rẻ để đổi lại những lợi ích hoặc lợi nhuận mà các dự án tạo ra.
Tại sao Trung Quốc lại thêm Bắc Cực vào kế hoạch? Câu trả lời là Bắc Cực có 30% khí tự nhiên chưa được khai thác trên thế giới và 13% trữ lượng dầu mỏ chưa được khám phá.
Gọi là "chưa được khám phá" nhưng thực sự không ai nắm rõ có gì ở đó. Việc tiếp cận các nguồn tài nguyên trở nên khó khăn hơn, bởi quy mô của vùng băng giá này rất rộng lớn và xa xôi. Vùng bên trong Vòng Bắc cực rộng tới 20 triệu km vuông, gấp đôi diện tích của Trung Quốc.
Khí hậu khắc nghiệt cũng khiến mọi hoạt động thăm dò trở nên khó khăn. Nhưng bất chấp những trở ngại, Bắc Cực là một mỏ nhiên liệu tiềm năng quan trọng cho bất kỳ quốc gia nào muốn chơi một trò chơi chiến lược về lâu về dài.
Trung Quốc đã có mặt khắp khu vực kể từ năm 2004, khi thành lập một trạm nghiên cứu ở Svalbard (một đảo do Na Uy quản lý). Tuy nhiên, gần đây các nước Bắc Âu đã trở nên ít hoan nghênh vị khách đến từ châu Á hơn.
Khi một công ty Trung Quốc cố gắng mua một căn cứ quân sự cũ ở Greenland năm ngoái, Chính phủ Đan Mạch đã nhanh chóng giành lại căn cứ này để ngăn chặn nó rơi vào tay Trung Quốc.
Trung Quốc cũng có kế hoạch mua hai cảng tại Iceland, cũng như cảng Arctic Kirkenes của Na Uy, như một phần của sáng kiến Vành đai Con đường, nhưng các dự án này giờ đây đang bị tạm dừng.
Rất khó cho các cường quốc lớn hơn như Mỹ, hay Anh tìm cách theo dõi hoạt động thương mại giữa Trung Quốc và các nước Bắc Âu. Đây đều là các quốc gia có chủ quyền và họ luôn đóng cửa với NATO.
Trung Quốc mời gọi Nga bằng gì?
Bằng cách chuyển hướng sang Bắc Cực, Trung Quốc đang tiến vào một khu vực khá "căng thẳng" khi Canada, Nga, Mỹ và Đan Mạch đều có yêu sách ở nơi đây.
Nga thậm chí đã cắm một lá cờ dưới đáy biển ở Bắc Cực và sau đó bảo vệ hành động của mình bằng cách chỉ ra rằng phi hành gia Mỹ đã làm điều tương tự trên Mặt trăng.
Bắc Cực không phải nơi Trung Quốc có thể tự tung tự tác. Tuy nhiên, điều may mắn là trong số các quốc gia nằm trong Hội đồng Bắc Cực, đồng minh với Trung Quốc chính là Nga.
Nga là một quốc gia luôn có rào cản khó khăn cho các nhà đầu tư nước ngoài, khi quy định cấm họ không được phép xuất khẩu bất kỳ tài nguyên nào được trích xuất mà để dành cho các tập đoàn độc quyền như Gazprom và Rosneft.
Nga đang theo đuổi một dự án khí đốt mới tại bán đảo Yamal, nhưng đa số các kế hoạch khoan dầu ngoài khơi ở Nga đã bị ngừng lại, hoặc ít nhất là bị cản trở bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Điều này tạo ra rất nhiều cơ hội cho Trung Quốc. Ngân hàng Phát triển Trung Quốc dự kiến sẽ đầu tư vào Novatek – tập đoàn năng lượng khổng lồ của Nga đang có dự án ở Bắc Cực, điều này cho phép quốc gia châu Á được tiếp cận với nguồn khí tự nhiên hoá lỏng ở nơi đây.
Nhưng quan trọng hơn, thỏa thuận này sẽ trao cho Bắc Kinh quyền phân định ranh giới các khu vực của Bắc Cực nằm trong vùng đặc quyền kinh tế Nga (EEZ) cho mục đích thăm dò.
Theo Camilla Sørensen và Ekaterina Klimenko của viện Nghiên cứu Hoà bình Quốc tế Stockholm, các công ty Nga cần và hoan nghênh đầu tư lẫn cho vay từ phía Trung Quốc, nhưng không thoải mái cho phép các công ty Trung Quốc đóng một vai trò quan trọng trong các dự án năng lượng của mình, kể cả ở Bắc Cực.
Các công ty Trung Quốc ngược lại đang có nguồn vốn mạnh vào thời điểm này và sẽ không đồng ý với bất cứ thỏa thuận nào làm giảm vai trò quản lý và kiểm soát một cách đáng kể.
Câu trả lời nằm ở chính trị. Có thể các công ty Trung Quốc rất khó mặc cả, nhưng về mặt chính trị thì rất khác. Các chính trị gia Trung Quốc cần cung cấp năng lượng và các nguồn lực khác cho người dân trong tương lai gần, vì vậy sẵn sàng thực hiện các nhượng bộ hơn là mong muốn thương mại.
Trung Quốc đã đưa Nga trở lại như thế nào? Câu trả lời nằm ở các nước Baltic.
Trung Quốc đã cử tàu hải quân của mình tới khu vực để hợp tác với Nga trong cuộc tập trận chung năm 2017, cho phép Bắc Kinh thể hiện sự ủng hộ chính trị đối với các lợi ích an ninh của Moscow ở nơi đây.
Đối với Nga, đây là sự ủng hộ hữu ích cho việc tăng cường đòn bẩy trong các cuộc đối thoại với NATO.
Sự lôi kéo ba quốc gia Baltic (Estonia, Latvia và Lithuania) về phía phương Tây đã gây ra sự lo ngại lớn ở Nga, khi NATO đang nằm kẹp giữa Moscow và khu vực Kaliningrad. Có hàng ngàn quân NATO ở các quốc gia vùng Baltic, với lực lượng đông đảo nhất của Anh. Thêm vào đó là sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Ba Lan, mặc dù cách xa 600 km nhưng có thể ngay lập tức sẵn sàng chiến đấu.
Mục đích của Trung Quốc trong việc giữ Nga ở thế đối địch với NATO đã có từ trước đó nhiều năm. Vào năm 2003, viện Chiến lược và Quản lý Trung Quốc đã đặt câu hỏi về một bài báo gây chấn động khi đó về việc Nga có thể tham gia NATO.
Đây là một đề xuất ác mộng cho Trung Quốc; Ý tưởng về hai siêu cường quân sự cùng liên minh, có khả năng chống lại Trung Quốc, đã thúc đẩy Bắc Kinh lôi kéo Nga càng sớm càng tốt.
Các tranh chấp biên giới còn lại với Nga đã được giải quyết ngay trong năm tiếp theo và Trung Quốc luôn lên tiếng ủng hộ mọi hành động của Tổng thống Nga Vladimir Putin, ngoại trừ Crimea vì những nhạy cảm trong nước.
Với sự chấp thuận ngầm từ phía Trung Quốc, Nga có thể hành động triệt để để tự bảo vệ mình trong tình huống NATO dùng các nước Baltic để gây hấn. Ngược lại, Trung Quốc hoàn toàn hài lòng trong việc ủng hộ Nga một phần, nếu có được một bàn tay tự do ở Bắc Cực.