Trung Quốc và Mông Cổ sẽ tham gia cuộc tập trận quân sự Vostok-2018 sắp tới của Nga, được mô tả là lớn nhất trong nhiều thập kỷ qua. Theo các nhà phân tích quốc tế, đây là động thái nhằm phản ứng lại trước sự bành trướng của Mỹ và NATO trong sự cạnh tranh giữa các quyền lực lớn.
Vostok-2018 "sẽ là cuộc tập trận lặp lại những gì từng thể hiện ở Zapad-81, nhưng một số thứ khác thậm chí sẽ còn lớn hơn", Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu cho biết, đề cập đến hoạt động quân sự năm 1981 được tổ chức bởi Liên Xô ở Đông Âu.
Cuộc tập trận Vostok là một trong bốn cuộc diễn tập huấn luyện hàng năm quy mô lớn được thực hiện bởi các lực lượng vũ trang Nga. Các cuộc tập trận còn lại bao gồm: "Zapad", "Central" và "Caucasus".
Vostok-2018 dự kiến sẽ có gần 300.000 binh sĩ, hơn 1.000 máy bay, hai trong số các hạm đội hải quân của Nga và tất cả các đơn vị không quân tham gia, ông Shoigu tiết lộ.
Ngoài ra, Tân Hoa Xã cho biết Trung Quốc sẽ gửi 3.200 binh sĩ và khoảng 900 vũ khí đến cuộc tập trận, trong khi số lượng binh sĩ Mông Cổ gửi tới là chưa rõ. Vostok-2018 sẽ kéo dài từ 11 đến 15/9.
Nói với các phóng viên hôm 28/8, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov giải thích bài tập trận này là điều cần thiết: "Kiểm tra khả năng phòng thủ của quốc gia trước những áp lực hung hăng và không thân thiện đối với đất nước của chúng tôi trong tình hình quốc tế hiện nay là điều hoàn toàn hợp lý”.
Tuy nhiên chuyên gia về các vấn đề quốc tế và phân tích an ninh Mark Sleboda nhận định trên Sputnik rằng, cuộc tập trận quy mô lớn Vostok-2018 "chỉ là điểm khởi đầu cho sự leo thang của một loạt các cuộc tập trận khác nhau", trong đó hai bên đang "chuẩn bị cho cuộc xung đột giữa các quyền lực lớn".
Bản báo cáo Nuclear Posture Review (Đánh giá chung về tình trạng hạt nhân) phát hành vào tháng 1/2018 của Mỹ đã chỉ ra rằng, "không phải khủng bố, cạnh tranh giữa các quyền lực lớn mới là trọng tâm chính của an ninh quốc gia Mỹ”.
Trong đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis chỉ rõ cụ thể Nga và Trung Quốc là đối thủ, cho rằng họ "đang tìm cách tạo ra một thế giới phù hợp với các mô hình của mình".
"Những bài tập này rõ ràng cho thấy Nga và Trung Quốc hiểu được điều Mỹ muốn nhắm tới họ", chuyên gia Sleboda nói thêm. Ông cũng lưu ý rằng Mông Cổ cũng sẽ tham gia, "một dấu hiệu thú vị khác về sự gắn kết lớn hơn của khu vực Á-Âu, trên cả mặt quân sự và chính trị".
Ông đánh giá, các bài tập chung trước đây thường diễn ra dưới sự bảo trợ của Hiệp ước Thượng Hải, một thỏa thuận vào năm 2001 dựa trên "sự tin tưởng lẫn nhau, cùng có lợi, bình đẳng, tư vấn, tôn trọng sự đa dạng văn hóa và theo đuổi sự phát triển chung", trong đó các lực lượng quân sự nước ngoài trong tập trận chủ yếu là Nga.
Tình hữu nghị giữa Nga và Trung Quốc khởi nguồn từ những năm 1940 dù có thể không phải là vĩnh cửu, nhưng Sleboda lưu ý rằng nó "đang tăng lên và không có dấu hiệu xấu đi”, không chỉ là lĩnh vực quân sự mà là trong "tất cả các lĩnh vực".
Nhà phân tích lưu ý rằng mặc dù hai nước có những bất đồng trong thời điểm thập niên 1970 , mọi thứ đã thay đổi rất nhiều và cả hai đang ngày càng gần gũi nhau hơn khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.
"Bắt đầu vào cuối những năm 1990, đã có một sự tái hợp đáng kinh ngạc giữa Nga và Trung Quốc", Sleboda nói. "Chỉ trong năm qua, họ đã bắt đầu các bài tập phòng thủ tên lửa chung - điều này chỉ ra rằng Nga và Trung Quốc không còn coi nhau là mối đe dọa hạt nhân chiến lược" và "họ thấy rằng bất kỳ xung đột hạt nhân chiến lược nào xảy ra với một nước thì cũng sẽ liên quan đến nước còn lại”.
Sleboda cũng lưu ý, mặc dù Nga-Trung sử dụng thuật ngữ "quan hệ đối tác chiến lược" thay vì liên minh, nhưng rõ ràng rằng hai nước đang nhìn thấy quan hệ tương tự trong tương lai của mình.
Chuyên gia Sleboda trích dẫn một bài xã luận được đăng tải trên trang web chính thức của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, đã từng mô tả về liên minh này:
“Một số quyền lực bá quyền nhắm vào Trung Quốc và Nga là mối đe dọa lớn nhất, gây ra những cú đánh nặng nề cho hai nước trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế và quân sự. Vì vậy, liên minh Trung Quốc-Nga là một lập trường hợp lý chống lại sự thúc đẩy quyền bá chủ và để bảo vệ hòa bình và ổn định của khu vực, cũng như trên thế giới".
"Đó là một bước tiến chính trị lớn", nhà phân tích nói, "và đó là một dấu hiệu rõ ràng cho Mỹ rằng đó là một phản ứng đối với chiến lược an ninh quốc gia của họ, cũng như phản ứng đối với lập trường của Mỹ và NATO ở nhiều điểm nóng trên toàn cầu, cũng như những bài tập quân sự ngày càng lớn, sự tích tụ quân sự sát biên giới Nga".
Tháng 10 tới đây, Na Uy dự kiến sẽ tổ chức các cuộc tập trận lớn nhất của NATO trong nhiều thập kỷ qua, theo báo cáo của Sputnik.
Từ ngày 25/10 đến ngày 7/11, sẽ có 35.000 binh sĩ NATO cùng tham gia vào cuộc tập trận Trident Juncture.