David Arakhamia, lãnh đạo Đảng Đầy tớ của Nhân dân và trưởng phái đoàn của Ukraine trong cuộc hội đàm cho biết, Nga đã đề xuất một giải pháp cho cuộc xung đột trong mùa xuân năm 2022.
Các cuộc đàm phán hòa bình đã được tổ chức trong các giai đoạn đầu của cuộc chiến toàn diện tại biên giới Ukraine-Belarus và tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Phái đoàn Nga đã đề xuất kết thúc cuộc chiến nếu như Ukraine từ bỏ nguyện vọng gia nhập NATO và giữ quan điểm trung lập.
Ông Arakhamia cho biết, quyết định chuyển quan điểm trở thành trung lập sẽ yêu cầu đưa ra các thay đổi mang tính hiến pháp, vì lý do các cam kết mang tính hiến pháp của Ukraine đối với NATO hiện tại.
Chia sẻ với Natalia Moseychuk, một nhà báo người Ukraine, ông Arakhamia cho biết, Nga đánh giá tính trung lập của Ukraine là điều kiện tiên quyết cho khả năng đề ra thỏa thuận hòa bình. “Họ kỳ vọng có thể gần như ép buộc chúng tôi ký kết thỏa thuận giữ quan điểm trung lập. Đây là một mục tiêu rất lớn của họ”.
Ông Arakhamia cho biết, nhiều người vẫn nghi ngờ tính chân thành của chính phủ Nga. “Hiện tại và trong quá khứ, chúng tôi không hề tin rằng chính phủ Nga sẽ giữ lời hứa. Chúng tôi chỉ có thể đảm bảo họ làm đúng lời hứa nếu như có sự đảm bảo về an ninh”.
Ông Arakhamia cho rằng việc ký kết một thỏa thuận như vậy mà không có yếu tố đảm bảo sẽ khiến Ukraine đối mặt với khả năng bị tấn công trở lại trong tương lai, vì điều này sẽ cho phép Nga có cơ hội tái tập trung và chuẩn bị thực hiện hoạt động gây hấn quân sự một lần nữa.
Chuyến viếng thăm bất ngờ của cựu thủ tướng Anh Boris Johnson tại Kyiv vào ngày 9 tháng 4 năm 2022 đã tạo ra ảnh hưởng tới những khả năng đề ra ngừng bắn. Ông Johnson khuyến cáo Ukraine không nên ký kết thỏa thuận với Nga và khuyến khích Ukraine nên tiếp tục chiến đấu. Ông Arakhamia đã hồi tưởng về quan điểm của ông Johnson, với khẳng định Ukraine “không nên ký kết gì với họ hết - và tiếp tục chiến đấu”.
Mặc dù hai bên đều đã thể hiện sẵn sàng gặp mặt giữa ông Zelensky và Tổng thống Nga Vladimir Putin, các cuộc thảo luận đã bất ngờ kết thúc khi quân đội Nga rút khỏi Kyiv.
Ba ngày sau khi ông Johnson rời khỏi Kyiv, ông Putin tuyên bố công khai, các thảo luận với Ukraine đã “đi vào ngõ cụt”.
Các quyết định mở rộng quy mô của NATO đã liên tục được đề ra kể từ khi cuộc chiến nổ ra, và gần đây nhất, Phần Lan, một quốc gia trung gian, đã tham gia vào tháng 4 vừa rồi.
Trong tháng 1, Business Insider đưa tin về việc quyết định tấn công Ukraine của ông Putin là một sai lầm vì cuộc chiến này đã phản tác dụng, khiến NATO đoàn kết hỗ trợ Ukraine.
Mặc dù khối quân sự này là đồng minh quan trọng của Ukraine, vẫn còn nhiều ngần ngại về việc đưa Ukraine trở thành thành viên của khối này khi Ukraine vẫn còn đang tham chiến. Mỹ đã phản đối mở rộng đưa Ukraine trở thành thành viên trong tương lai trước mắt nhằm tránh leo thang các căng thẳng giữa phương Tây với Nga.
Nguyễn Quang Minh (theo Business Insider)