Theo Sputnitk, vào ngày 21/10, phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest cho biết Mỹ và các đồng minh có thể sẽ tiếp tục thảo luận về biện pháp trừng phạt kinh tế mới với Nga vì tình hình Syria.
"Trong trường hợp Mỹ mở rộng danh sách trừng phạt trên nhiều căn cứ sai trái và vô lý, chúng tôi sẽ tìm cách đáp trả thích đáng để cán cân này sẽ phải thay đổi và điều đó sẽ không có lợi cho phía Mỹ", Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nói với RIA Novosti.
Ông Ryabkov cũng nói thêm, dường như Mỹ đang muốn phá hoại hoàn toàn mối quan hệ song phương với Nga bằng cách đưa ra một tuyên bố như vậy.
“Có vẻ như chính quyền Mỹ không có vấn đề lo lắng nào khác ngoài mục đích phá hoại hoàn toàn quan hệ với Nga. Bởi vậy, sẽ phải mất rất nhiều năm để có thể khôi phục lại mối quan hệ này”, ông Ryabkov nói.
Phương Tây đổ lỗi cho Nga và chính phủ Syria về những vụ đánh bom bị cáo buộc là nhằm vào dân thường và các nhóm vũ trang đối lập tại Syria.
Tuy nhiên, Nga và chính phủ Syria khẳng định các vụ tấn công chỉ nhằm vào các khu vực của lực lượng khủng bố đồng thời cáo buộc, Mỹ hoàn toàn không có khả năng phân biệt giữa cái gọi là “lực lượng đối lập ôn hòa” và những kẻ khủng bố.
Đây không phải là lần đầu Nga tuyên bố đáp trả Mỹ về lệnh trừng phạt mà Mỹ áp đặt với Nga. Ngay ngày 17/10 vừa qua, Thứ trưởng Ngoại giao Nga, ông Sergei Ryabkov cũng khẳng định nếu Mỹ quyết định áp đặt các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga, nước Nga sẽ đáp trả “tương xứng”.
"Mọi hành động thù địch nào nhằm vào Nga sẽ đều bị đáp trả”, hãng thông tấn RIA Novosti dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga, ông Sergei Ryabkov khẳng định.
“Tôi muốn nhắc lại rằng Moscow đã hơn một lần cảnh báo rằng câu trả lời không nhất thiết phải mang tính 'ăn miếng trả miếng,' nhưng nó sẽ là tương xứng.", ông Sergei Ryabkov khẳng định.
Trước đó, vào ngày 16/10, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng từng cho biết Mỹ đang cân nhắc áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga, nhằm tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Syria.
Trước đó Washington và các đồng minh đã áp đặt một số vòng trừng phạt đối với Nga nhằm trả đũa việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea và dính líu đến cuộc xung đột vũ trang ở miền Đông Ukraine.
Việc sáp nhập Crimea đẩy quan hệ Nga với các nước phương Tây xuống mức thấp nhất sau Chiến tranh Lạnh.
Tháng 7 năm ngoái, Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với một loạt tổ chức và cá nhân của Nga và Ukraine, liên quan tới cuộc khủng hoảng tại quốc gia Đông Âu này.
Theo đó, Bộ Tài chính Mỹ đã đưa 26 cá nhân và tổ chức vào "danh sách đen" bị phong tỏa tài sản ở Mỹ, đồng thời cũng cấm người Mỹ kinh doanh với những đối tượng này.
Mới đây Bộ Tài chính Mỹ cũng đã công bố danh sách trừng phạt thêm hàng chục cá nhân và 7 công ty Nga đang phụ trách xây một cây cầu nối Nga với bán đảo Crimea.
Ngày 15/9 vừa qua, Liên minh châu Âu (EU) đã công bố quyết định gia hạn thêm 6 tháng các biện pháp trừng phạt nhằm vào các cá nhân và một số thực thể của Nga và Ukraine.
Trong hành động đáp lại sự trừng phạt của Mỹ và phương Tây, Nga đã cấm nhập khẩu thực phẩm từ những nước áp dụng các biện pháp trừng phạt Nga sau bước đi của Mỹ.
Hạnh My