Cả Ukraine và Nga đều báo cáo giao tranh ác liệt ở khu vực xung quanh Bakhmut thuộc vùng Donetsk hôm 13/2, nhưng với các chi tiết chính xác khác nhau giữa các bên.
Quân đội Ukraine báo cáo các cuộc pháo kích dữ dội dọc theo chiến tuyến và cho biết rằng 16 khu định cư gần Bakhmut đã bị bắn phá. Họ cũng tuyên bố đã đẩy lùi một số cuộc tấn công gần thành phố này.
Quân đội Nga cho biết họ đã tiến được 2 km (1,2 dặm) về phía Tây trong 4 ngày, nhưng không nói chính xác phần nào của chiến tuyến kéo dài ở Ukraine đã di chuyển.
Quân đội Ukraine hôm 13/2 cũng đã cấm các nhân viên cứu trợ và dân thường vào Bakhmut, nơi được cho là nguy hiểm khi các lực lượng Nga đang siết chặt vòng vây quanh đó. Động thái này nói lên rằng đây có thể là khúc dạo đầu cho việc Ukraine rút quân khỏi Bakhmut và là lợi ích chiến thuật lớn nhất cho Nga kể từ tháng 7 năm ngoái.
Nga đang hy vọng giành được một chiến thắng mới trong tuần này - trước thềm mốc kỷ niệm 1 năm xung đột (24/2) - bằng cách giành quyền kiểm soát Bakhmut, một thành phố ở Donetsk, lấy đó làm bàn đạp để chinh phục các khu vực tiếp theo.
Xung đột ở Ukraine dường như đang bắt đầu một giai đoạn mới. Một số nhà quan sát cho rằng Nga đã bắt đầu nỗ lực mới nhất của mình, với các cuộc tấn công tên lửa báo hiệu sự bắt đầu.
Số khác lại cho rằng giai đoạn tiếp theo của cuộc chiến vẫn còn ít nhất vài tuần nữa; họ lập luận rằng thời điểm có nhiều khả năng hơn để một trong hai bên phát động một cuộc tấn công toàn diện là vào mùa xuân này, sau khi thời tiết ấm lên và mùa bùn lầy đã kết thúc.
Mục tiêu của Điện Kremlin là giành toàn quyền kiểm soát vùng công nghiệp Donbass, do Donetsk và Lugansk hợp thành, thông qua lợi thế về quân số so với các lực lượng Ukraine.
“Tình hình sẽ đặc biệt khó khăn khi các vị có 50 người và họ có tới 300 người”, một người lính Ukraine bị thương tên là Pavlo nói với phóng viên của tờ New York Times.
Để chuẩn bị cho cuộc tấn công sắp tới, Ukraine đã rút một số binh sĩ khỏi tiền tuyến và gửi họ tới Đức, Anh và Ba Lan. Ở đó, họ được huấn luyện trong các đơn vị mới và học cách sử dụng xe tăng, ống pháo và các thiết bị khác mà phương Tây mới cung cấp.
Câu hỏi ngoại giao lớn tiếp theo là liệu các đồng minh của Ukraine có gửi máy bay chiến đấu, như F-16 của Mỹ hay không. Cho đến nay, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã nói “Không” với ý tưởng này.
Nga từng nói rằng việc phương Tây cung cấp bất kỳ máy bay chiến đấu nào cho Kiev sẽ khiến các nước NATO trở thành các bên tham gia “trực tiếp” vào cuộc xung đột.
Nhưng ngay cả khi các máy bay phản lực được chuyển giao cho Ukraine, chúng sẽ không sớm hữu ích cho họ trong cuộc xung đột hiện tại vì huấn luyện sử dụng F-16 là một quy trình phức tạp và tốn thời gian hơn so với huấn luyện điều khiển xe tăng.
Trong khi đó, những chiếc xe tăng phương Tây được kỳ vọng có khả năng giúp Ukraine đạt được mục tiêu trung hạn lớn nhất: Phá vỡ cây cầu đường bộ mà Nga đã thiết lập giữa lãnh thổ mà quân đội của họ đang kiểm soát ở phía Đông, bao gồm Donbass, và ở phía Nam, trên Bán đảo Crimea.
Làm như vậy sẽ có ý nghĩa quan trọng mang tính biểu tượng đối với Ukraine và sẽ khiến Nga tốn kém hơn trong việc tiếp tế cho quân đội ở cả 2 khu vực.
Trên cây cầu đường bộ này là nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia, nơi Ukraine muốn giành lại trong khi Nga muốn duy trì quyền kiểm soát.
Trong báo cáo tình báo hàng ngày hôm 13/2, Bộ Quốc phòng Anh cho biết có bằng chứng về việc Nga củng cố các công sự phòng thủ ở mặt trận phía Nam, đặc biệt là xung quanh Zaporizhzhia.
Binh sĩ Ukraine tiếp nhận huấn luyện điều khiển xe tăng Đức
Để chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo của cuộc xung đột với Nga, quân đội Ukraine đã được huấn luyện ở Ba Lan trên xe tăng Leopard 2, chỉ vài tuần sau khi Berlin bật đèn xanh cho xe tăng do Đức sản xuất được gửi tới Ukraine.
Hôm 13/2, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda đã tham dự buổi giới thiệu huấn luyện tại Căn cứ quân sự Swietoszow ở miền Tây Ba Lan, nơi các giảng viên người Ba Lan, Na Uy và Canada đang làm việc với các binh sĩ Ukraine.
Theo huấn luyện viên người Ba Lan Krzysztof Sieradzki, khóa huấn luyện thường kéo dài 2 tháng, nhưng để kịp ứng phó với diễn biến mới trên chiến trường, 105 binh sĩ Ukraine sẽ hoàn thành khóa học chỉ trong 1 tháng.
Trong một diễn biến khác, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tiếp tục “cuộc chạy marathon ngoại giao” hôm 13/2, bằng cách điện đàm với Tổng thống các nước Na Uy, Cộng hòa Síp và Philippines trong nỗ lực tăng cường hỗ trợ quốc tế cho Kiev.
Trong bài phát biểu hàng đêm của mình, ông nói: “Bây giờ, hơn bao giờ hết, có vẻ như các mục tiêu châu Âu của Ukraine đang trở thành hiện thực. Cuối cùng, có nhiều thành tựu thực tế hơn là các tuyên bố chính trị. Trong nhiều thập kỷ, Ukraine và Liên minh châu Âu đã hướng tới điều này”.
Ông Zelensky cũng ca ngợi những người lính bảo vệ khu vực Luhansk và khu vực Donetsk, đồng thời nói thêm “Hãy nhớ rằng: mọi kết quả mới đạt được cho Ukraine có nghĩa là thời gian giành chiến thắng sẽ ngắn hơn”.
Nga bác cáo buộc âm mưu gây bất ổn Moldova
Nga hôm 14/2 đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc của Tổng thống Moldova rằng Moscow đang âm mưu gây bất ổn cho nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ.
Trước đó, Tổng thống Moldova, Maia Sandu, hôm 13/2 đã phàn nàn rằng Nga đang lên kế hoạch sử dụng những kẻ phá hoại nước ngoài để hạ bệ ban lãnh đạo đất nước nhỏ bé của bà, ngăn nước này gia nhập Liên minh châu Âu (EU) và sử dụng nó trong cuộc chiến chống lại Ukraine.
“Những tuyên bố như vậy là hoàn toàn vô căn cứ”, Bộ Ngoại giao Nga cho biết trong một tuyên bố.
Nga cáo buộc Ukraine gây căng thẳng giữa Nga và Moldova, nói rằng Kiev đang cố lôi kéo Moldova “vào một cuộc đối đầu khó khăn với Nga”.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuần trước cho biết nước ông đã phát hiện ra một kế hoạch tình báo của Nga “để hủy diệt Moldova”.
Vài ngày sau, chính phủ Moldova sụp đổ, với việc bà Natalia Gavrilita bất ngờ tuyên bố từ chức Thủ tướng.
Quốc gia 2,6 triệu dân, nghèo nhất châu Âu, nằm giữa Ukraine và Romania và đã chịu áp lực nặng nề kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát.
Tổng thống Sandu đã nhiều lần bày tỏ lo ngại về ý định của Nga và về sự hiện diện của quân đội Nga ở khu vực ly khai Transdniestria.
Hà Lan hộ tống máy bay Nga ra khỏi không phận Ba Lan
Bộ Quốc phòng Hà Lan cho biết trong một tuyên bố vào cuối ngày 13/2 rằng 2 máy bay chiến đấu F-35 của họ đã chặn đội hình gồm 3 máy bay quân sự Nga trên bầu trời Ba Lan và hộ tống những máy bay này ra khỏi đó.
“Những chiếc máy bay này khi đó đã tiếp cận khu vực thuộc trách nhiệm của NATO ở Ba Lan từ hướng Kaliningrad”, theo bản dịch của Reuters về tuyên bố của Bộ Quốc phòng Hà Lan.
Kaliningrad là một lãnh thổ hải ngoại của Nga ở ven biển Baltic, nằm giữa 2 thành viên NATO và EU là Ba Lan và Litva.
“Sau khi nhận dạng, đó là 3 máy bay: Một chiếc IL-20M Coot-A của Nga được hộ tống bởi 2 chiếc Su-27 Flanker. Những chiếc F-35 của Hà Lan đã hộ tống bộ 3 này từ xa và bàn giao công việc cho các đối tác NATO”.
Il-20M Coot-A là định danh của NATO cho máy bay trinh sát Ilyushin Il-20M của Nga, trong khi Su-27 Flanker là định danh của NATO cho máy bay chiến đấu Sukhoi Su-28.
Bộ Quốc phòng Nga đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của Reuters.
Bộ Quốc phòng Hà Lan cho biết 8 chiếc F-35 của Hà Lan đang đồn trú tại Ba Lan trong tháng 2 và tháng 3.
Litva tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine
Bộ Quốc phòng Litva thông báo về việc chuyển giao 36 khẩu súng phòng không Bofors L-70 và đạn dược cho Ukraine. Các loại vũ khí này sẽ giúp Kiev bảo vệ lãnh thổ của mình trong bối cảnh Nga tiếp tục gây hấn trên không.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Litva Arvydas Anusauskas, Vilnius đã huấn luyện 15 binh sĩ Ukraine sử dụng hệ thống phòng không này.
“Họ sẽ đào tạo nhiều binh sĩ Ukraine khác hơn nữa sau khi họ trở về nước”, ông Anusauskas cho biết, đồng thời lưu ý rằng Litva có kế hoạch huấn luyện khoảng 1.600 binh sĩ Ukraine trong năm nay để chống lại các cuộc tấn công trên bộ của Nga.
Litva vẫn tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine. Vào tháng 9 năm ngoái, quốc gia Baltic đã chuyển giao 50 xe bọc thép chở quân M113 cho Ukraine để cung cấp cho binh sĩ của Kiev khả năng cơ động và khả năng sống sót được cải thiện.
Ông Anusauskas nhấn mạnh rằng đất nước ông sẽ tiếp tục hỗ trợ đồng minh của mình “bằng tất cả các phương tiện có thể khác miễn là cần thiết”.
Pháo phòng không tự động L-70 40 mm mà nước này gửi tới Kiev có thể phá hủy các phương tiện trên không của đối phương ở cự ly lên tới 5 km (3,1 dặm).
Các hệ thống này cũng được cho là sẽ giúp Ukraine chống lại các máy bay không người lái (drone) mà Moscow đang sử dụng để tấn công cơ sở hạ tầng quan trọng của nước này.
Minh Đức (Theo NY Times, Euronews, Reuters, Defense Post)