Nỗ lực tháo gỡ khủng hoảng ngũ cốc Ukraine
Sau buổi đàm phán tại Istanbul hôm 13/7 với sự tham gia của đại diện Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp Quốc (LHQ), Nga - Ukraine đã đạt được một thỏa thuận về các vấn đề kỹ thuật liên quan đến hoạt động xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine qua Biển Đen. Theo đó, hai bên đã nhất trí thành lập một “trung tâm điều phối chung” các hoạt động xuất khẩu ngũ cốc và đặt trụ sở tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). "Nhiệm vụ của trung tâm này sẽ là thực hiện giám sát chung và điều phối hoạt động hàng hải an toàn ở Biển Đen", Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine, ông Andriy Yermak cho hay.
Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ ông Hulusi Akar cho biết, Kiev và Moscow sẽ quay lại Istanbul ký thỏa thuận mới vào tuần tới: “Phái đoàn Nga và Ukraine sẽ gặp lại nhau ở Thổ Nhĩ Kỳ vào tuần tới, các bên sẽ xem xét lại tất cả các chi tiết một lần nữa”. Cũng theo ông, chính quyền Ankara sẽ hỗ trợ đảm bảo an toàn cho các chuyến tàu vận chuyển ngũ cốc và các bên sẽ cùng nhau kiểm tra hàng tại các cảng ở Ukraine.
"Chúng tôi đã chứng kiến một bước tiến quan trọng”, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres tuyên bố, tuy nhiên cho biết vẫn nhiều việc cần phải làm và các bên cần thể hiện nhiều thiện chí và sự cam kết hơn trước khi thỏa thuận được ký.
Phát biểu với báo giới sau cuộc đàm phán bốn bên, Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmitry Kuleba cho hay, Ukraine và Nga còn “hai bước nữa” để đạt được thỏa thuận về xuất khẩu ngũ cốc. “Ukraine sẵn sàng xuất khẩu ngũ cốc của mình ra thị trường quốc tế. Chúng tôi chỉ còn hai bước nữa để đạt được thỏa thuận với Nga. Chúng tôi đang ở giai đoạn cuối và hiện tất cả phụ thuộc vào phía Nga. Nếu họ thực sự mong muốn thì việc xuất khẩu ngũ cốc sẽ được tiến hành trong thời gian tới”, ông Kuleba nói.
Trước thông tin này, Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky bày tỏ sự lạc quan: "Phái đoàn Ukraine đã báo cáo với tôi rằng, có tiến triển. Trong những ngày tới, chúng tôi sẽ thống nhất các chi tiết thỏa thuận này với Tổng thư ký LHQ”.
Về phần mình, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, Nga đã sẵn sàng cho một quá trình đàm phán với phía Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ về xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine. Theo ông Lavrov, quân đội đóng vai trò then chốt trong quá trình này. Bên cạnh đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định: “Nỗ lực đang diễn ra và thông qua quân đội. Khi thời điểm đến, họ sẽ cung cấp thông tin”.
Nga và Ukraine là những nhà cung cấp ngũ cốc hàng đầu thế giới. Cuộc xung đột ở Ukraine và các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga đang làm gián đoạn nguồn cung ngũ cốc, gia tăng nguy cơ xảy ra cuộc khủng hoảng lương thực ở nhiều nước trên thế giới.
Ukraine bác bỏ thỏa thuận ngừng bắn liên quan đến nhượng bộ lãnh thổ
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba ngày 13/7 tuyên bố, nước này sẽ bác bỏ bất cứ thỏa thuận ngừng bắn nào với Nga có điều khoản liên quan đến việc nhượng bộ lãnh thổ. “Mục tiêu của Ukraine trong cuộc chiến này là giải phóng các vùng lãnh thổ của chúng tôi, khôi phục chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ ở phía đông và phía nam Ukraine. Đây là mục đích cuối cùng trong quan điểm mà chúng tôi đưa ra trên bàn đàm phán”, ông Kuleba cho hay.
Ông Kuleba cho biết thêm, “không có gì để thảo luận” về chủ đề của các cuộc đàm phán hòa bình với Nga. “Hiện không có cuộc đàm phán hòa bình nào diễn ra giữa Nga và Ukraine do lập trường của Nga và việc nước này tiếp tục gây hấn với chúng tôi”.
Trong một diễn biến liên quan, đề cập đến triển vọng cho các cuộc đàm phán hòa bình để chấm dứt chiến sự ở Ukraine, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres ngày 13/7 nói rằng, Moscow và Kiev cho thấy họ có thể tham gia với nhau, nhưng hòa bình vẫn còn "một chặng đường dài".
EU khiến Nga “hoàn toàn hài lòng”
Tờ Izvestia hôm 13/7 dẫn các nguồn tin cấp cao từ phía Nga cho hay, Liên minh châu Âu (EU) và Moscow đạt được thỏa thuận về việc vận chuyển hàng hóa đến khu vực Kaliningrad. “EU và Nga đã nhất trí về việc vận chuyển hàng hóa đến khu vực Kaliningrad. Liên minh đã cung cấp một tài liệu khiến Moscow hoàn toàn hài lòng", tờ Izvestia nêu rõ. Văn bản này cho biết, không thể hạn chế việc di chuyển hàng hóa giữa các chủ thể của Nga. Điều đó đồng nghĩa với việc tất cả hàng hóa vận chuyển theo cả đường sắt lẫn đường bộ quá cảnh đến khu vực Kaliningrad sẽ được gỡ bỏ khỏi danh sách trừng phạt như một ngoại lệ.
Trong khi đó, Thống đốc Kaliningrad Anton Alikhanov cho biết, các hướng dẫn mới là "chỉ là bước đầu tiên cần thiết" để giải quyết bế tắc. "Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc để hướng tới việc loại bỏ hoàn toàn các hạn chế", ông nói. Mặc dù tuyên bố sẽ tuân theo các hướng dẫn mới, Bộ Ngoại giao Lithuania cho biết, các quy tắc trước đó, về chặn nhiều loại hàng hóa có trong danh sách trừng phạt vận chuyển đến Kaliningrad, là "dễ dàng chấp nhận hơn". Bộ này cho rằng các quy định về quá cảnh tới Kaliningrad có thể tạo cảm giác quan điểm và chính sách trừng phạt với Nga đang dịu lại.
Phản hồi về điều này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết, quyết định của Ủy ban châu Âu về quá cảnh tới khu vực Kaliningrad là một biểu hiện của chủ nghĩa hiện thực và lẽ phải. Bà lưu ý, hiện Moscow đang nghiên cứu kỹ các giải thích do EU cung cấp và phân tích chúng từ quan điểm của một nhiệm vụ ưu tiên - hỗ trợ cuộc sống toàn diện cho khu vực Kaliningrad. Theo bà Zakharova, "mặc dù vẫn còn thắc mắc về nội dung của tài liệu, nhưng "phía Nga sẽ thiết lập sự giám sát chặt chẽ về việc các bước này của EU sẽ được triển khai trên thực tế như thế nào".
Trước đó, theo lệnh trừng phạt của EU, một số hoạt động vận tại của Kaliningrad đã bị gián đoạn kể từ ngày 17/6. Khu vực này giáp với các quốc gia EU, hàng hóa nhập khẩu gần như phụ thuộc vào tuyến đường sắt và đường bộ qua Lithuania.
Các lệnh hạn chế ảnh hưởng đến khoảng 50% lưu lượng hàng hóa giữa Nga và vùng lãnh thổ hải ngoại. Vilnius và EU khẳng định, điều này không đến mức phong tỏa mà chỉ là một hành động nhằm thực thi các biện pháp trừng phạt của EU đối với Nga. Tuy nhiên, Chính phủ Nga đã gọi động thái của Vilnius giống như “phong tỏa bất hợp pháp”. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh, quyết định này là chưa từng có tiền lệ, đồng thời cho rằng đây là hành vi vi phạm.
TÚ ANH (T/h)