Theo Reuters, cam kết của Tổng thống Putin hứa hẹn sẽ cải tổ toàn bộ các chính sách của Nga hậu Xô Viết về Triều Tiên, trong khi Mỹ và đồng minh tại châu Á tiếp tục ước lượng mức độ ủng hộ của Nga cho Triều Tiên.
Trong chuyến viếng thăm Bình Nhưỡng đầu tiên từ năm 2000 tới nay của mình, Tổng thống Putin đã trực tiếp khẳng định quan hệ giữa Nga và Triều Tiên trở nên mạnh mẽ có liên quan trực tiếp tới sự ủng hộ của các nước phương Tây cho Ukraine và cho biết Moscow có thể sẽ phát triển các quan hệ hợp tác kỹ thuật và quân sự với Bình Nhưỡng.
Sau các thảo luận, hai nhà lãnh đạo đã ký kết một thỏa thuận “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện”, trong đó Tổng thống Putin cho biết có bao gồm một điều khoản phòng thủ chung phòng ngừa trường hợp có hành vi gây hấn với một trong hai quốc gia.
Tổng thống Putin cho biết: “Thỏa thuận hợp tác toàn diện được ký kết ngày hôm nay mang lại, bên cạnh nhiều yếu tố khác, sự hỗ trợ lẫn nhau trong trường hợp có hành vi gây hấn xảy ra nhằm vào một trong các bên ký kết thỏa thuận”.
Ông cho biết việc các nước phương Tây cung cấp các vũ khí tầm xa tiên tiến như F-16 tới Ukraine nhằm tấn công Nga đã phá vỡ một số thỏa thuận lớn.
“Liên quan tới các diễn biến này, Nga sẽ không từ chối lựa chọn phát triển quan hệ quân sự-kỹ thuật với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên”.
Thay đổi cán cân chiến lược
Theo Reuters, Chủ tịch Kim đã gửi lời khen ngợi Nga vì đã đưa ra quyết định mà ông nhận định là một nước đi chiến lược quan trọng nhằm ủng hộ Triều Tiên, quốc gia được thành lập năm 1948 dưới sự hậu thuẫn của Liên Xô.
Tùy vào chi tiết cụ thể của thỏa thuận – hiện chưa được công bố – đây có thể là quyết định mang lại thay đổi lớn về cán cân chiến lược tại Đông Bắc Á, thông qua việc sử dụng sức mạnh của Nga để củng cố vị thế của Triều Tiên – quốc gia đang đối đầu với một Hàn Quốc được Mỹ hậu thuẫn – dọc theo đặc khu phi quân sự (DMZ).
“Ưa chuộng hòa bình và phòng thủ”
Theo Reuters, Tổng thống Putin đã đưa ra bình luận cáo buộc Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đã gây gia tăng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên và khẳng định Triều Tiên có quyền củng cố nền quốc phòng của mình.
Chủ tịch Kim cho biết, thỏa thuận giữa hai nước sẽ giúp củng cố quan hệ hợp tác chính trị, kinh tế và quốc phòng, khẳng định thỏa thuận này có bản chất “phòng thủ và ưa chuộng hòa bình”.
Vào giai đoạn đầu của hội nghị thượng đỉnh, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã thể hiện “sự ủng hộ vô điều kiện” cho “toàn bộ các chính sách của Nga”, tái khẳng định “sự ủng hộ toàn diện và là đồng minh vững chắc” của Nga trong chiến dịch đặc biệt tại Ukraine.
Truyền thông Nga đã đưa tin cho biết Tổng thống Putin đã khẳng định Nga đang chiến đấu chống lại chính sách bá quyền của Mỹ và các đồng minh.
Tổng thống Putin đã phát biểu: “Chúng tôi trân trọng sâu sắc sự ủng hộ vững chắc không lay chuyển cho các chính sách của Nga, bao gồm những chính sách về Ukraine”. Các nước phương Tây đã áp đặt lên Nga những lệnh trừng phạt mà các quốc gia này khẳng định là những lệnh trừng phạt nghiêm trọng nhất trong lịch sử nhằm đáp trả cho chiến dịch đặc biệt của Nga tại Ukraine vào năm 2022.
Trước Tổng thống Putin, Chủ tịch Kim đã khẳng định, Triều Tiên “thể hiện sự ủng hộ toàn diện và đoàn kết với chính phủ Nga, quân đội Nga và người dân Nga trong quyết định thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine nhằm bảo vệ chủ quyền, lợi ích an ninh, cũng như tính toàn vẹn lãnh thổ”.
Quan hệ ngày càng bền chặt của Nga với Triều Tiên đã gây bức xúc cho Washington, và Triều Tiên, quốc gia chịu hàng loạt lệnh trừng phạt từ phương Tây được cho là đã nhận được nhiều lợi ích về chính trị, hỗ trợ kinh tế và giao thương từ phía Moscow.
Nguyễn Quang Minh (theo Reuters)