Theo nhiều tài liệu sử sách ghi lại, Sử Tốt Cán có vóc người nhỏ bé, gầy gò, tính tình nóng nảy, hấp tấp nhưng cũng là người rất thông minh, biết rất nhiều thứ tiếng của các dân tộc thiểu số cho nên được nhà Đường dùng làm Hồ thị nha lang.
Ban đầu, ông phục vụ dưới trướng của Ô Trí Nghĩa, sau chuyển sang phục vụ dưới trướng Tiết Độ Sứ U Châu của nhà Đường là Trương Thủ Khuê. Nhờ gan góc, có nhiều mưu mẹo, lập nhiều chiến công, Sử Tốt Cán lần lượt được phong làm Tróc sinh tướng rồi trở thành tướng quân ở Bình Lư. Một lần tới kinh đô Trường An, ông được Đường Huyền Tông để mắt tới. Sau vì yêu mến Sử Tốt Cán, nhà vua ban cho ông tên Tư Minh, phong làm đại tướng quân, Thái thú Bắc Bình. Năm 751, An Lộc Sơn kiêm nhiệm chức Tiết độ sứ 3 vùng là Bình Lư, Phạm Dương, Hà Đông ở đông bắc, bị thua trận. Sử Tư Minh đã tổ chức lại đám tàn quân để ngăn chặn những thảm họa tiếp theo. Do đó, năm 752, An Lộc Sơn đã tiến cử Sử Tư Minh làm Binh mã sứ Bình Lư.
Một phần vì nhìn thấy sự suy yếu rõ rệt của nhà Đường, một phần vì mâu thuẫn giữa An Lộc Sơn với thừa tướng Dương Quốc Trung ngày càng lớn, Sử Tư Minh đã khuyên người bạn nối khố của mình làm phản. Hai người trở thành những kẻ cầm đầu trong cuộc nổi loạn An Sử nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc giữa thế kỷ thứ VIII. Quân đội An Lộc Sơn nhanh chóng tràn xuống phía tây, đánh bạt đội quân nhu nhược của nhà Đường, tự xưng là Yên đế ở Lạc Dương vào tháng 1 năm 756 và phong Sử Tư Minh làm tiết độ sứ Phạm Dương.
Nhưng đầu năm 757, An Lộc Sơn bất ngờ bị con trai An Khánh Tự giết chết. Không thể thần phục dưới trướng một kẻ bất nghĩa sát hại cả cha mình cho nên Sử Tư Minh đã lui quân về cố thủ ở Phạm Dương. Thấy Sử Tư Minh bất phục, An Khánh Tự tức giận kéo quân truy sát. Đang lúc bị quân An Khánh Tự đuổi theo, lại phải chống lại sự vây khốn của quân Đường, Sử Tư Minh quyết định quy hàng nhà Đường được Đường Túc Tông phong làm Quy Nghĩa Vương kiêm Tiết độ sứ Phạm Dương.
Loạn An Sử (755 - 763) nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa.
Tuy vậy, nhà Đường vẫn nghi ngại Sử Tư Minh nên đã ngấm ngầm bổ nhiệm Ô Thừa Ân làm phó soái để chờ thời cơ sát hại ông. Việc bị bại lộ, Sử Tư Minh cả giận giết chết cha con Ô Thừa Ân cùng các sứ giả đi cùng rồi dấy quân làm phản. Nghe tin, quân của Yên đế An Khánh Tự bị quân Đường vây khốn ở Nghiệp Thành, Sử Tư Minh liền đem quân đến cứu viện, đánh tan đại quân Tiết độ sứ 9 phương của nhà Đường, giải vây cho Nghiệp Thành. Nhưng sau đó, ông đã chém chết Khánh Tự vì tội giết cha rồi mang quân về Phạm Dương, tự xưng Yên đế, đặt niên hiệu là Thuận Thiên năm 759.
Năm 761, Sử Tư Minh mang quân đánh Thiểm Tây mấy lần không thắng bèn lui về Vĩnh Ninh, sai con lớn là Sử Triều Nghĩa mang quân đi xây một tòa thành hình tam giác để trữ lương, hẹn ngày hoàn tất. Tuy là con cả nhưng Triều Nghĩa lại không được cha yêu thương bằng em trai của mình là Sử Triều Thanh, người đã được vua cha chọn làm thái tử cho nên thường lấy làm tủi thân, ấm ức. Khi Sử Tư Minh đi kiểm tra, Triều Nghĩa đã hoàn tất công trình nhưng chưa kịp trát bùn nên bị cha quát mắng, dọa sẽ trị tội. Có lẽ vì quá lo sợ, Triều Nghĩa đã nảy ý định giết cha.
Theo một số sử sách chép lại, đêm đó, Sử Tư Minh nằm mơ thấy một đàn hươu bơi qua sông nhưng lần lượt chết hết không còn một con, nước sông cũng khô cạn hết. Tỉnh dậy, Sử Tư Minh đem chuyện giấc mơ kỳ lạ của mình kể lại cho bọn gia nhân đầy tớ, hỏi xem đó là điềm gì nhưng không ai trả lời mà chỉ thì thầm bàn luận với nhau "Hươu là lộc, hươu chết thì lộc mất, nước cạn thì mệnh cũng tàn". Sử Tư Minh bèn trở dậy đi ra nhà tiêu, vừa lúc Sử Triều Nghĩa sai người hành thích. Tư Minh nghe động lập tức trèo tường thoát ra ngoài, nhảy lên lưng ngựa chạy trốn nhưng bị quân Triều Nghĩa bắn theo như mưa.
Sau khi trúng tên, ngã ngựa, Sử Tư Minh bị quân của Triều Nghĩa xông tới chém chết khi ông mới 59 tuổi, ở ngôi Yên đế mới được 3 năm. Sau đó, Sử Triều Nghĩa cho giết luôn cả Tân hoàng hậu và người em trai vốn được cha yêu quý hơn mình là Sử Triều Thanh rồi tự xưng Yên đế. Vì hành động bất nghĩa này cho nên ông đã không có được lòng trung thành từ những thuộc hạ của vị hoàng đế tiền nhiệm, sớm bị đại bại trước quân nhà Đường, phải treo cổ tự vẫn trên đường tháo chạy, trở thành vị vua cuối cùng của nước Đại Yên trong lịch sử Trung Hoa.
Luật nay: Giết cha, cướp ngôi, Sử Triều Nghĩa phải bị tội chết
Chuyện tranh giành quyền lực, đánh giết lẫn nhau trong lịch sử nhân loại xưa nay không thể tránh khỏi, thời nào cũng có nhưng chuyện cha con ruột thịt tàn sát lẫn nhau để chiếm đoạt ngai vàng thường rất khó xảy ra. Ở đây, có một sự trùng hợp kỳ lạ giữa trường hợp của Sử Tư Minh và An Lộc Sơn. Họ sinh cùng tháng, cùng năm chỉ hơn nhau một ngày, Sử Tư Minh và An Lộc Sơn đều mang trong mình dòng máu du mục của người Đột Quyết, cùng lớn lên bên nhau, cùng trưởng thành dưới tay Trương Thủ Khuê, cùng nổi dậy chống nhà Đường, cùng tung hoành khắp các chiến trường, trận mạc, cùng lần lượt xưng làm Yên đế. Nhưng cuối cùng, giống như một trò đùa của số phận, cả hai đều bị sát hại bởi chính con trai mình. Đúng là đao kiếm vô tình và quyền lực khiến người ta mờ mắt, ngay cả những đứa con ngoan cũng có thể trở thành kẻ sát nhân hại chết cha ruột của mình để rồi nhận lấy những kết cục thê thảm trong sự đàm tiếu muôn đời của thế gian như một quy luật nhân quả dành cho kẻ bất nghĩa.
Điểm đ, khoản 1, Điều 93 bộ luật Hình sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định rõ: Người nào giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình thì bị phạt tù từ mười hai đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình. Xét trường hợp của Sử Triều Nghĩa, vốn dĩ vẫn được coi là một người tử tế, khiêm nhường.
Trong việc này, Sử Tư Minh cũng có phần đáng trách khi có sự thiên vị tình cảm, phân biệt đối xử một cách rõ ràng giữa các con, không những không chọn con cả, lập con thứ lên làm thái tử mà còn thường xuyên nặng lời, có thái độ gay gắt quá mức đối với Sử Triều Nghĩa.
Do vậy tâm trạng đau khổ, ấm ức của Sử Triều Nghĩa là điều có thể thông cảm được. Nhưng dù sao đó cũng chỉ là những mâu thuẫn thường xảy ra trong gia đình và dù mâu thuẫn có lớn đến đâu chăng nữa, việc giết chết người thân, nhất là người đã có công sinh thành, nuôi dưỡng mình khôn lớn lại càng không thể tha thứ được. Huống chi Sử Tư Minh lại là bậc đế vương, nắm giữ những trọng trách vô cùng hệ trọng của quốc gia, quyết định đến sự an nguy của cả một dân tộc cho nên việc làm sai trái của Sử Triều Nghĩa đã phạm vào tội ác tày trời.
Không những giết cha, Triều Nghĩa còn giết luôn cả Tân hoàng hậu (tức mẹ kế của mình) và người em trai được vua cha sủng ái là Sử Triều Thanh. Như vậy, cùng một lúc Triều Nghĩa đã giết chết 3 mạng người đều là những người thân thích trong gia đình trong đó có cả cha ruột và em trai. Nếu không bị quan quân nhà Đường truy sát đến đường cùng, phải treo cổ tự vẫn hẳn những tháng năm sau này, Triều Nghĩa cũng khó có thể sống thanh thản với những tội ác đáng sợ mà mình đã gây ra. Triều Nghĩa chắc chắn sẽ phải chịu mức án cao nhất.
Dương Dung