Gần đây, các quan chức cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ liên tục bày tỏ sự bất mãn đối với Washington vì Mỹ không hỗ trợ cho các hoạt động quân sự của Ankara ở miền bắc Syria. Họ cũng đã ngầm đưa một thông điệp tới Mỹ và các đồng minh NATO rằng lực lượng này nên rời khỏi căn cứ không quân Incirlik.
Nhà phân tích chính trị và an ninh quốc tế Stuart Rollo từ Đại học Sydney, nhận định trên với hãng tin Sputnik rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang muốn tiến hành “một phép thử” với chính quyền tương lai của Mỹ.
“Họ muốn thực hiện một phép thử để biết phản ứng” của chính quyền ông Trump, chuyên gia nhận xét. “Ông Trump từng nói rất nhiều trong chiến dịch tranh cử về việc hỗ trợ người Kurd. Ông ấy thường xuyên nói về sự dũng cảm của họ, cho rằng họ là đồng minh hiệu quả nhất mà Mỹ có trong khu vực giúp chống lại các chiến binh khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS. Tôi nghĩ rằng Thổ Nhĩ Kỳ có một chút lo lắng về việc ông ấy có thực sự bắt tay vào việc hiện thực hóa những phát ngôn đó hay không”.
Giữa tuần trước, Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã đề cập tới Incirlik, rằng Thổ Nhĩ Kỳ tự hỏi tại sao Mỹ và các đồng minh sử dụng căn cứ không quân này mà lại không yểm trợ cho “Khiên Euphrates”, một chiến dịch do Thổ Nhĩ Kỳ dẫn đầu tiến hành tại miền bắc Syria.
Một ngày sau đó, Ibrahim Kalin, phát ngôn viên của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, nhắc lại rằng Thổ Nhĩ Kỳ có quyền đóng căn cứ trên, nhưng cho hay vấn đề này vẫn chưa được đưa vào chương trình nghị sự.
Chuyên gia Rollo cho rằng Ankara đang muốn gửi một tín hiệu tới Washington trong đó nhắn nhủ: nước Mỹ nên ngừng sử dụng căn cứ Incirlik “nếu họ không bắt đầu bắt tay hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ chống lại người Kurd”.
“Tôi có cảm giác rằng áp lực phải giữ Thổ Nhĩ Kỳ bên ngoài tầm ảnh hưởng của Nga quá lớn, và nước Mỹ sẽ bắt đầu tăng cường hợp tác với họ và đáp ứng những nhu cầu của Ankara về việc ngừng hỗ trợ cho YPG (Đảng của người Kurd)”, chuyên gia Rollo nhấn mạnh.
Ông Rollo tin rằng, Ankara sẽ không đóng cửa Incirlik. “Tôi không nghĩ điều đó sẽ xảy ra, trừ phi nước Mỹ thực sự đặt tài sản ngoại giao và quân sự của họ sau sự độc lập của người Kurd. Nhưng tôi nghĩ nếu một khu tự trị của người Kurd được hình thành ở phía bắc Syria thì cũng vẫn chưa đủ động lực để Thổ Nhĩ Kỳ hoàn toàn từ bỏ người đồng minh (Mỹ), bởi vậy lực lượng Mỹ sẽ không phải rời khỏi căn cứ không quân Incirlik”.
Chuyên gia Rollo mô tả mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và NATO ở thời điểm này là “khá bấp bênh” và kém ổn định hơn so với những gì diễn ra trong quá khứ. Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra, những mâu thuẫn giữa Ankara và NATO sẽ không ảnh hưởng tới những hiệp định an ninh giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ. Vì vậy, những bình luận về đóng cửa căn cứ Incirlik trong thời điểm này là không quá quan trọng.
Máy bay Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ là những lực lượng chính sử dụng căn cứ không quân Incirlik, nằm cách thành phố Adana 8km. Căn cứ này cũng được Không quân Hoàng gia Anh và Saudi Arabia sử dụng.
Incirlik là nơi Mỹ chứa bom hạt nhân B61 của Mỹ, cũng là trung tâm chỉ huy quân sự của Washington ở Trung Đông.
Trong khi đó, Ankara đã mở chiến dịch “Khiên Euphrates” ở giữa biên giới nước này và Syria vào ngày 24/8 năm ngoái để chống khủng bố Hồi giáo IS. Ngoài ra, chiến dịch cũng nhằm vào việc ngăn chặn lực lượng người Kurd di chuyển về sát biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và hình thành vùng tự trị kiểm soát khu vực trên, điều mà chính quyền Ankara không hề mong muốn.
Tuy nhiên, dù sử dụng căn cứ Incirlik nhưng Washington lại không cho người đồng minh Ankara thấy sự hỗ trợ tích cực từ Mỹ trong việc chống IS cũng như người Kurd. Vì thế, những băn khoăn về căn cứ trên mới được chính quyền Tổng thống Tayyip Erdogan đặt ra.
Xem thêm: Pháp: Aleppo khác xa so với những thứ truyền thông phương Tây nói
Danh Tuyên