Đó chính là một mảnh trong lối ứng xử văn hóa làng xã đó.
Tình làng nghĩa xóm bao đời nay được coi trọng, được đề cao. “Lá lành đùm lá rách” cũng từ ứng xử văn hóa làng mà ra. Thứ bậc trong làng cũng rành mạch trên dưới. Xưa các cụ thường chê những đứa trẻ không biết lệ làng phép nước, không biết chào hỏi là gì, gặp người mắt cứ trố lên là lũ hư hỏng!…
Cái văn hóa tắt lửa tối đèn có nhau nó gắn bó mật thiết sau lũy tre làng thành ca dao tục ngữ: “Ta về ta tắm ao ta/dầu trong dầu đục ao nhà vẫn hơn”. Ngày xưa trai làng lấy vợ làng khác thường bị chê lắm, bởi cái lí thuyết: “Trâu ta ăn cỏ đồng ta…”.
Cho nên những ai dám vượt cái cổng làng, đi tìm cuộc sống phương xa thường bị dè bỉu là “thằng bỏ làng/ đứa bỏ làng” bị coi thường, đó như là vết xấu của hạnh kiểm.
Đã có lúc len lỏi vào xóm ngõ lối sống “đèn nhà ai/ nhà ấy rạng” nhưng nó vẫn bị đẩy ra rìa văn hóa làng.
Sau lũy tre làng là một cuộc sống đùm bọc chở che, một vương quốc độc lập tương đối về văn hóa. Cho nên giặc phương Bắc bao nhiêu năm tìm cách găm văn hóa của nó vào nhằm đồng hóa mà không xong. Văn hóa làng là cái áo giáp khá chắc chắn được trang bị bằng lối sống chào hỏi, bằng ca dao tục ngũ, bằng “đất lề quê thói”, một cách kiểm soát nhau kĩ lưỡng từ lời ăn tiếng nói khá bền vững, nên người làng sống cũng luôn giữ kẽ đề phòng sự mọi sự thóc mách, sống kiểu “tốt khoe ra/ xấu xa đậy lại”.
Văn hóa làng dị ứng với cái lạ, khó mà len lách được vào làng xã là như vậy.
Kể ra như vậy để thấy một sự thật khách quan. Điều này không có nghĩa là ca ngợi hay chê bai. Trong cái mạnh cũng có những yếu huyệt cần nhận ra.
Đã có một thời gần như cả miền Bắc đã có mô hình quản lí theo lối ứng xử kiểu “văn hóa làng”… kiểm soát để ý nhau khá kĩ lưỡng.
Có những quy định về nếp sống văn hóa tưởng như mới, nhưng bản chất nó vẫn là văn hóa làng được văn bản hóa có bổ sung thêm những “sáng kiến” quản lí chặt hơn, có lúc có chỗ trở thành thô bạo như rạch quần ống loe/ đè đầu cắt tóc ngay trên phố những ai để tóc dài trùm gáy với cái lí vi phạm thuần phong mĩ tục; nhà nọ để ý nhà kia, người này soi người kia, nhẹ thì lên án trực diện, nặng thì ngầm báo cáo lên trên để xử lí. Ở khối phố thì đưa ra họp hành gọi là góp ý nhưng thực chất là đấu tố, có khi nhục mạ. Nó đi xa hơn văn hóa làng vốn chỉ dừng ở mức dùng dư luận lên án. Còn chính quyền thì ra tay thẳng thừng cho “thanh niên cờ đỏ” đụng tay đụng chân có tính trấn áp!
Đó là thời bao cấp kéo dài mấy chục năm từ khi xuất hiện tem phiếu.
Giai đoạn đó thực chất nhìn ra xã hội giống một cái làng… to.
Theo Thể thao Văn hóa