Nghe "tiếng lành đồn xa" về một trong những ngôi đình làng đẹp nhất Đồng bằng Bắc Bộ, chúng tôi tìm về đình Quán Khái ở xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Bảo, Tp.Hải Phòng, một chiều cuối năm 2024. Từ xa nhìn lại, cặp gạo di sản hàng trăm năm tuổi lừng lững vươn lên giữa trời xanh như hai người lính canh gác phía trước cửa đình.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Khúc Văn Hữu - người trông coi đình Quán Khái, cho biết, đình thờ Tản Viên sơn thánh Bùi Thiên Quý - một trong bốn vị thánh bất tử được nhiều vùng quê Việt Nam tôn là thành hoàng làng, cùng hai cô con gái yêu của vua Hùng là công chúa Chiêu Huy và công chúa Nữ Oa.
Đình Quán Khái tọa lạc trên một khu đất rộng 4.000m2 ngay sát trục đường chính của xã Vĩnh Phong. Mặt chính của đình quay hướng Nam, trong khuôn viên còn có tam quan, giếng nguyệt, sân tế. Đình được xây dựng trong gần 10 năm mới xong, hoàn thành vào năm Duy Tân thứ 13 (1916).
Theo truyền ngôn trong vùng, toàn bộ số tiền dùng để xây dựng đình do người dân địa phương đóng góp. Người đứng ra hưng công là cụ Bá Phú - một hào lý rất có uy tín.
Tương truyền, ngày ấy cụ Bá Phú cùng một số trai làng khoẻ mạnh "khăn gói quả mướp" vào tận rừng sâu mua nhữn cây gỗ lim lớn, sau đó bè chở về. Nghe tin Quán Khái dựng đình lớn, nhiều hiệp thợ nổi tiếng đến xin được thi công.
Câu hỏi thử tài mà cụ Bá Phú đưa ra để tìm hiểu tài năng của các phường thợ là "Số gỗ hiện có xây đình theo thiết kế của dân làng là đủ hay thiếu và thừa, thiếu là bao nhiêu?". Nhiều đội thợ đến từ nhiều nơi trong cả nước đã bó tay trước câu hỏi khó này.
Kết quả, hiệp thợ Ninh Giang (Hải Dương) đã "thắng thầu" với đáp áp "Chỉ thừa một cây gỗ lim để dùng vào việc chuẩn bị đồ nghề cho thợ". Sau đó, công việc làm đình ròng rã gần 10 năm. Sau khi hoàn thành, đúng như lời hiệp thợ, chỉ thừa một cây gỗ lim để thợ làm đồ nghề.
Đến nay, trải qua thời gian và chiến tranh, đình Quán Khái vẫn giữ được những nét kiến trúc cổ. Ấn tượng nhất là những cột gỗ lim người lớn ôm không xuể cùng những nét chạm khắc tinh xảo biểu tượng rồng, phượng, cỏ cây, hoa lá.
Đặc biệt, hệ thống ngũ môn của đình Quán Khái được các nhà nghiên cứu đánh giá là kiến trúc đẹp nhất còn lưu giữ của Tp.Hải Phòng. Cổng đình có kiến trúc 2 tầng gồm 8 mái đao cong, các góc đắp vẽ hình phượng, dơi.
Đình Quán Khái mang trong mình những nét tiêu biểu phong cách kiến trúc cổ thời Nguyễn vào đầu thế kỷ XX. Nhiều nhà nghiên cứu đánh giá, đình là một mẫu hình thu nhỏ của một số công trình tại cố đô Huế. Hiện đình Quán Khái còn lưu giữ 102 di vật, trong đó có 22 sắc phong.
Không chỉ đẹp về cảnh quan, kiến trúc, đình Quán Khái còn là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử trong thời kỳ kháng chiến. Từ năm 1946 đến năm 1948, đình là cơ sở của Viện Quân Y và Viện Dân Y của Liên tỉnh Hải - Kiến. Đây cũng là nơi diễn ra các hội nghị lớn, nhỏ của các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể của huyện và liên tỉnh.
Với nhiều giá trị văn hóa, lịch sử, nhất là cảnh quan và kiến trúc, đình Quán Khái được công nhận là Di tích Kiến trúc - Nghệ thuật cấp quốc gia năm 1992.
Ông Khúc Văn Hữu - người trông coi đình Quán Khái, thông tin, Lễ hội đình Quán Khái được tổ chức vào ngày 3/3 Âm lịch hằng năm và kéo dài trong 5 ngày. Vào dịp lễ hội, các bậc cao niên trong vùng lấy nước ở ao lớn trước đình tắm cho các tượng thần với ngụ ý cầu mưa thuận, gió hòa thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Còn vườn đình khi đó trở thành sới vật tranh tài của trai tráng trong vùng.
Đặc biệt, Lễ hội đình Quán Khái diễn ra đúng dịp hoa gạo nở đỏ rực đất trời. Về đây dịp này, du khách gần xa lại không khỏi bồi hồi trước khung cảnh quen thuộc của vùng quê Bắc Bộ với hình ảnh "Cây đa, giếng nước, sân đình".