Lời nghẹn ngào của ông Đinh La Thăng khiến không ít người ngậm ngùi, nhưng ngậm ngùi cũng theo nhiều nghĩa. Bởi bánh xe thời gian thì chẳng bao giờ quay trở lại, ngày hôm nay là kết quả của những ngày hôm qua cộng lại.
Sự quyết liệt, nôn nóng của ông Đinh La Thăng đã bị trả giá bằng cái án mất tự do ở phía trước. Nghe ông tha thiết mong được làm con ma tự do, được chết trong vòng tay người thân, gia đình, ngậm ngùi lắm, nhưng những khoản thua lỗ là có thật, sự thất thoát hàng nghìn tỷ đồng của Nhà nước là có thật, hàng chục cán bộ có tài vướng vòng lao lý cũng là thật. Tiền thất thoát ấy là mồ hôi, nước mắt của người dân đóng góp qua tiền thuế, mỗi chiếc ghế của người cán bộ kia được xây dựng nên từ niềm tin của nhân dân.
Ngược dòng nghẹn ngào của ông Đinh La Thăng, ngược chiều nước mắt của Trịnh Xuân Thanh là sự cố ý làm trái, là tham ô tài sản của Nhà nước. Cố ý là biết mà vẫn làm, biết sai mà không sửa. Luật pháp thì công bằng lắm, sẽ luôn xét xử đúng người, đúng tội.
Điều quan trọng của một người chọn áo “công bộc” là tay không vấy bùn, tâm trong sáng, trí không lu mờ bởi tiền tài, danh vọng. Không phủ nhận nhiều việc ông Đinh La Thăng đã làm được để người ta nhớ đến ông, ngậm ngùi khi nghĩ về ông trong giây phút nghẹn ngào tại tòa, nhưng tội của ông – sự cố ý chứ không phải vô tình, người dân đau lắm. Sự quyết liệt, nôn nóng vì lợi ích chung khác với nhóm lợi ích. Ông đã khiến người ta phải nghĩ về ông bằng cả một vệt đen của ngành Dầu khí.
Không có ông, có thể con đường này chậm hoàn thành, công trình kia chậm khởi công, nhưng sẽ đến lúc được hoàn thành, khởi công. Còn vì ông, hàng nghìn tỷ đồng bị thất thoát, hàng nghìn ngôi trường sẽ không được dựng lên và cũng bằng ấy số lượt trẻ em mất cơ hội đến trường. Ngậm ngùi và đau xót lắm vì niềm tin của nhân dân bị giảm sút phần nào, vì tổ chức mất cán bộ. Cái giá ấy đắt quá khi đất nước còn khó khăn, khó lòng chấp nhận được.
Thu Hà
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả