70 năm trôi qua, nhiều địa danh nổi tiếng như cầu Long Biên, Ga Hà Nội, Cột Cờ Hà Nội, Nhà hát lớn Hà Nội, chợ Đồng Xuân... gắn với sự kiện ngày 10/10/1954 đã có nhiều đổi khác. Dẫu vậy, những người dân Thủ đô, những người yêu Hà Nội, những vị khách phương xa vẫn nhận ra "hồn cốt" và dễ dàng hồi tưởng về một thời oanh liệt của thành phố khi thăm những địa danh lịch sử này.
Cầu Long Biên là cây cầu bắc qua sông Hồng nối quận Hoàn Kiếm với quận Long Biên của Hà Nội. Đây là cây cầu chứng nhân lịch sử khi Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chiến ở Đông Dương được ký kết ngày 20/7/1954. Theo các điều khoản Hiệp định, quân đội Pháp có 80 ngày để rút quân khỏi Hà Nội.
16h30 ngày 9/10/1954, cầu Long Biên trở thành nơi ghi dấu chân những người lính viễn chinh Pháp cuối cùng rời Hà Nội đi Hải Phòng, vĩnh viễn rời khỏi Việt Nam. Cây cầu này cũng là nơi đón chào đoàn quân chiến thắng về tiếp quản Thủ đô.
Sáng 9/10/1954, Quân đội nhân dân Việt Nam theo nhiều đường, từ ngoại thành tiến vào Hà Nội, lần lượt tiếp quản ga Hàng Cỏ, Phủ Toàn quyền cũ, khu Đồn Thủy, khu Bờ Hồ, Bắc Bộ phủ. Trong ảnh là Ga Hà Nội (tên gọi mới của ga Hàng Cỏ), đây là nhà ga đường sắt chính của Hà Nội.
Trong không khí tưng bừng của ngày đoàn quân tiến về giải phóng Thủ đô, có một buổi lễ đặc biệt diễn ra tại sân Đoan Môn - Hoàng thành Thăng Long (khi đó gọi là sân Cột Cờ). Đó là Lễ chào cờ lịch sử đầu tiên trong ngày Hà Nội được giải phóng do Ủy ban Quân chính thành phố tổ chức.
Lá cờ đỏ sao vàng lần đầu tiên trong lịch sử được tung bay trên nền trời xanh thẳm, mọi người sung sướng tự hào. Cột cờ Hà Nội là một trong số ít những công trình kiến trúc thuộc khu vực thành Hà Nội có may mắn thoát khỏi sự phá hủy của chính quyền đô hộ Pháp tiến hành trong 3 năm 1894-1897.
Đây cũng chính là công trình hiếm hoi chứng kiến buổi chào cờ đầu tiên trong ngày giải phóng Thủ đô 10/10/1954. Ngày nay, cột cờ Hà Nội nằm trong khuôn viên của Bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam. Công trình được đánh giá là công trình còn nguyên vẹn và hoành tráng nhất trong quần thể di tích Hoàng thành Thăng Long.
Nhà hát Lớn Hà Nội là nơi vang lên hồi còi báo hiệu lễ thượng cờ lịch sử vào 15h ngày 10/10/1954. Đây là một trong những trung tâm văn hóa quan trọng của Thủ đô, thường xuyên diễn ra các hoạt động văn hóa, biểu diễn nghệ thuật.
Nhà hát Lớn Hà Nội được khởi công từ năm 1901, hoàn thành vào năm 1911. Sau hơn 100 năm, nơi đây đã trở thành một trong những biểu tượng lịch sử của Thủ đô.
Bắc Bộ phủ là một trong những nơi đầu tiên quân đội Nhân dân Việt Nam tiếp quản tại Thủ đô vào ngày trọng đại 70 năm về trước. Tòa nhà Bắc Bộ phủ mang phong cách kiến trúc Pháp cổ điển này được xây dựng vào năm 1918 trên phần đất của chùa Báo Ân xưa. Tòa nhà đã trải hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước của dân tộc.
Khu vực Hồ Hoàn Kiếm, trục đường Hàng Bài - Đinh Tiên Hoàng, nơi cánh quân phía Nam của Đại đoàn 308 đi qua trong buổi sáng 10/10/1954 vào tiếp quản Thủ đô.
Chợ Đồng Xuân, nơi đoàn quân tiếp quản Thủ đô đã đi qua để tiến về hội quân tại Thành cổ Hà Nội. Ngày nay, chợ Đồng Xuân là nơi giao thương tấp nập của các thương lái không chỉ của Hà Nội mà cả nước.
Ngoài ra ở Thủ đô còn có nhiều di tích, điểm nổi tiếng gắn liền được nhiều người biết đến như Nhà Thờ Lớn.