> Giải thưởng lớn cho cuộc thi ảnh Việt Nam Xanh
1. Vịnh Hạ Long (Việt Nam)
Vịnh Hạ Long (vịnh nơi rồng đáp xuống) là một vịnh nhỏ thuộc phần bờ Tây vịnh Bắc Bộ tại khu vực biển đông bắc Việt Nam, bao gồm vùng biển đảo thuộc thành phố Hạ Long, thành phố Cẩm Phả và một phần của huyện đảo Vân Đồn của tỉnh Quảng Ninh.
Là trung tâm của một khu vực rộng lớn có những yếu tố ít nhiều tương đồng về địa chất, địa mạo, cảnh quan, khí hậu và văn hóa, với vịnh Bái Tử Long phía đông bắc và quần đảo Cát Bà phía tây nam. Vịnh Hạ Long giới hạn trong diện tích khoảng 1.553 km2 bao gồm 1.969 hòn đảo lớn nhỏ, phần lớn là đảo đá vôi nguyên khối được bao phủ bởi những thảm thực vật tươi tốt của vùng biển nhiệt đới. Một số hòn đảo ở đây là trũng sâu, trong số đó có hang động, hồ và một số bãi biển vẫn còn hoang sơ tuyệt đẹp.
Sự kết hợp của môi trường, khí hậu, địa chất, địa mạo, đã khiến vịnh Hạ Long trở thành quần tụ đa dạng sinh học, bao gồm hệ sinh thái rừng kín thường xanh với mưa ẩm nhiệt đới, hệ sinh thái biển và ven bờ với nhiều tiểu hệ sinh thái. Có14 loài thực vật và 60 loài động vật đặc hữu đã được phát hiện trong số hàng ngàn động thực vật quần cư tại vịnh.
Với những giá trị đặc biệt như thế nên vịnh Hạ Long được tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) chính thức công nhận là di sản thiên nhiên thế giới vào 17/12/1994 và năm 2000 vịnh tiếp tục được UNESCO công nhận lần thứ hai là di sản thế giới bởi giá trị địa chất, địa mạo. Điều đó đã khẳng định giá trị ngoại hạng mang tính toàn cầu của vịnh Hạ Long.
2. Những ngọn đồi Chocolate (Philippines)
Được đặt tên theo thực tế mà người ta quan sát được sự chuyển sắc mãnh mẽ của cỏ, từ xanh sang nâu như sô cô la của 1.268 đến 1.777 ngọn đồi trải rộng hơn 50 km2 vào mùa khô ở Bohol thuộc Philippines. Trong dạng hình nón đặc biệt làm cho những ngọn đồi nơi đây trở thành một trong những kỳ quan thiên nhiên của châu Á, bởi vì chúng rất độc đáo mà không ai thực sự biết nguyên nhân của quá trình hình thành là như thế nào.
Những ngọn đồi được bao phủ bởi cỏ và đá vôi có chiều cao trung bình từ 30m đến 50m trong đó có ngọn đồi cao nhất đạt tới 120m. Ngọn đồi Chocolate là một địa điểm nổi tiếng, thu hút khách du lịch nhất của Bohol. Chúng là một nét biểu trưng trên lá cờ của tỉnh và người ta cũng lấy hình ảnh ngọn đồi làm biểu tượng cho con dấu, thể hiện sự giàu có và hấp dẫn của thiên nhiên ưu đãi tại tỉnh Bohol. Tài liệu về ngọn đồi Chocolate cũng được công bố trong bảo tàng địa chất quốc gia và được đề xuất đưa vào danh sách di sản thiên nhiên thế giới của UNESCO.
3. Ngọn núi K2 (Pakistan)
Là ngọn núi cao thứ hai trên thế giới chỉ đứng sau đỉnh Everest, K2 là một trong những thắng cảnh thiên nhiên ngoạn mục nhất châu Á. K2 nằm trên biên giới giữa Baltistan thuộc khu vực Gilgit-Baltistan (Pakistan) và khu tự trị Taxkorgan Tajik của Tân Cương (Trung Quốc). Độ cao của đỉnh núi là 8.611 m, K2 được xem là điểm cao nhất trong dãy núi Karakoram và cũng là điểm cao nhất ở Pakistan.
K2 được còn gọi là “ngọn núi hung dữ” vì tính chất nguy hiểm của nó đã cướp đi sinh mạng của hơn 8.000 người leo núi. Cứ 4 người leo đến đỉnh thành công thì lại có một người bỏ mạng.
Tên K2 có nguồn gốc từ các ký hiệu khảo sát đại lượng giác mà trung tá người Anh Thomas Montgomerie đã thực hiện trong cuộc khảo sát đầu tiên tại dãy núi Karakoram. Ông đã dán nhãn cho đỉnh Haramukh với kí hiệu là K1 và đỉnh núi cao thứ hai trên thế giới này là K2. Tất cả đều xuất phát từ chữ cái đầu tiên của tên dãy núi Karakoram.
K2 được xếp hạng thứ 22 về địa hình nổi bật nhất thế giới do tầm cao tự nhiên độc lập của đỉnh giống như đỉnh Everest. Từ đỉnh K2 đến đỉnh Everest, người ta có thể men theo con đường mòn tại Vương quốc Lo, nhưng ở độ cao không dưới 4.594m.
4. Sa mạc Gobi (Mông Cổ và Trung Quốc)
Gobi là một sa mạc rộng lớn ở khu vực châu Á. Mặc dù sa mạc này trải rộng và kéo dài về phía bắc Trung Quốc, nhưng phần lớn lại nằm ở phía nam Mông Cổ. Đây là một nơi đáng kinh ngạc, vì ngay cả một sa mạc như Gobi vẫn có rất nhiều hệ sinh thái dựa trên sự khác biệt về khí hậu và địa hình.
Gobi cũng là một sa mạc lạnh với nhiệt độ khắc nghiệt mà từ 50 độ C vào mùa hè đến - 40 độ C vào mùa đông. Gobi còn được biết đến với sự thay đổi nhiệt độ chóng mặt, có khi xuống 35 độ C trong một ngày. Mặc dù sa mạc có những điều kiện khí hậu khắc nghiệt nhưng vẫn là môi trường sinh sống của nhiều loài động vật hoang dã, bao gồm cả lạc đà, gấu, linh dương, chó sói và báo tuyết.
Gobi là đáng chú ý nhất trong lịch sử, như là một phần của đế quốc Mông Cổ và là vị trí của một số thành phố quan trọng dọc theo con đường tơ lụa.
5. Những khối đá cẩm thạch (Ấn Độ)
Những khối đá cẩm thạch nằm dọc theo con sông Narmada ở miền trung Ấn Độ gần thành phố Jabalpur trong quận Jabalpur thuộc bang Madhya Pradesh, là một địa điểm rất nổi tiếng và thu hút khá nhiều khách du lịch viếng thăm.
Chính con sông Narmada đã khắc tạo nên những khối đá cẩm thạch mềm, khắc tạo ra một hẻm núi tuyệt đẹp với những vách đá cẩm thạch độc đáo đạt đến độ cao 31m. Trong đó có một số hình thù đá khá thú vị và rất nổi tiếng như chân voi và khỉ nhảy. Những tảng đá cẩm thạch ở đây rất nổi trội với sắc trắng, xanh và nâu rất giàu ma-giê và cũng như là sự giàu có những tảng đá mềm Xtê -a- tít mà sờ vào người ta có cảm giác như xà phòng.
Hẻm núi với những khối đá cẩm thạch này kéo dài đến tận 3km. Đây cũng là một trong những kì quan thiên nhiên cực kì ấn tượng của châu Á. Khu vực này có rất nhiều hoạt động du lịch tham quan, ngắm cảnh diễn ra sôi nổi. Người ta đã thiết lập một chiếc cáp treo để đưa du khách qua các hẻm núi, cung cấp nhiều tàu thuyền cho hướng dẫn du lịch tại vùng hạ lưu sông và cũng như là sự xuất hiện của nhiều cửa hàng nhỏ bán hàng thủ công làm từ các vật liệu địa phương.
6. Công viên rừng tự nhiên Zhangjiaje (Trung Quốc)
Những ngọn núi hùng vĩ lơ lửng giữa trời cao thực sự là nguồn cảm hứng cho phong cảnh siêu thực ở hành tinh Pandora trong siêu phẩm 3D Avatar của đạo diễn James Cameron. Nơi đây mang một vẻ đẹp đáng kinh ngạc.
Công viên tự nhiên này nằm tại thành phố Zhangjiaje của tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Các đặc điểm địa lý đáng chú ý nhất ở công viên rừng tự nhiên Zhangjiaje là những trụ cột đá xói mòn được hình thành qua nhiều thiên niên kỉ có mặt ở khắp công viên. Một trong những trụ cột đá ở đây có chiều cao lên đến 1.080m mà trước đây được gọi là “Southern Sky Column” nhưng đã được đổi tên thành “Avatar Hallelujah”. Theo các quan chức công viên thì cái tên mới này lấy cảm hứng từ dãy núi Hallelujah nổi nhìn thấy trong phim Avatar, nhằm để thu hút thêm du khách.
Với nhiều cảnh núi non, sông suối, hang động và rừng nguyên sinh tuyệt mỹ, Zhangjiaje là một trong những kì quan thiên nhiên của châu Á. Diện tích rừng tự nhiên Zhangjiaje nằm ở phía bắc của tỉnh Hồ Nam và một phần của khu thắng cảnh Wulingyuan được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới vào năm 1992. Năm 2004 công viên rừng tự nhiên Zhangjiaje tiếp tục được liệt vào danh sách di sản thế giới như công viên địa chất toàn cầu.
7. Dòng sông đom đóm Kampung Kuantan (Malaysia)
Ngôi làng nhỏ Kampung Kuantan ở thị trấn Kuala Selangor thuộc bang Selangor (Malaysia) là trong những điểm tham quan nổi tiếng với dòng sông đom đóm tuyệt đẹp. Đây là một địa điểm thường xuyên góp mặt trong sách những kì quan thiên nhiên của châu Á và cũng như là trong các danh sách kì quan thiên nhiên khác của thế giới.
Độc đáo của địa điểm này là tập trung vào đặc điểm địa lí, những con đom đóm trong làng Kampung Kuantan là một trong những địa điểm tham quan tự nhiên tuyệt vời nhất ở châu Á. Một số lượng nhỏ những loài côn trùng phát sáng ở đây thực hiện một thủ thuật đáng kinh ngạc. Chúng chủ động phát sáng trước và sau đó khiến cho hàng chục ngàn con đom đóm đồng thanh nhấp nháy theo và thường kéo dài trong một vài phút, vài giờ tại một thời điểm nhất định. Đây là một hiện tượng đầy bí ẩn, mặc dù mỗi con đom đóm nhấp nháy theo nhịp điệu tự nhiên của chúng, nhưng vẫn nhận thông tin phản hồi từ những côn trùng phát quang kia. Vòng phản hồi này giống như một khái niệm vật lý mà được gọi là dao động, cuối cùng dẫn đến một khối lượng đom đóm khổng lồ đồng thanh nhấp nháy.
Ngắm dòng sông đom đóm, du khách phải thuê thuyền và thường bắt đầu bằng một bữa tối lãng mạn tại những nhà hàng hải sản ven sông trước khi bắt đầu hành trình khám phá dòng sông đom đóm ở Kampung Kuantan. Đến đây, du khách sẽ tận mắt ngắm nhìn những màn trình diễn ánh sáng ngoạn mục của hàng ngàn chú chú đom đóm vốn sống trên những tán cây đước mọc dọc theo hai bên bờ sông Kuala Selangor.
8. Hồ Thiên Trì (Triều Tiên và Trung Quốc)
Hồ Thiên Trì trong tiếng Trung có nghĩa là “hồ trời” là một hồ nước có nguồn gốc từ miệng núi lửa nằm ở biên giới giữa Trung Quốc và Triều Tiên. Hồ nằm trong lòng chảo trên đỉnh núi Trường Bạch (Trung Quốc), còn ở địa phận Triều Tiên hồ thuộc tỉnh Lưỡng Giang.
Miệng núi lửa được hình thành bởi một vụ phun trào xảy ra cách đây 950 triệu năm sau công nguyên. Do nằm ở độ cao 2.189m nên hồ Thiên Trì luôn phủ băng. Nhiệt độ vào màu hè cao lắm cũng chỉ lên đến 8 – 10 độ C. Từ giữa tháng 10 đến giữa tháng 6, Thiên Trì bị đóng băng với độ dày khoảng 1m. Do núi Trường Bạch có độ cao lớn, nên 2 luồng không khí từ Siberi và Thái Bình Dương chỉ gặp nhau trên đỉnh, do vậy độ ẩm của Thiên Trì cao hơn khu vực chân núi.
Tuy có lượng mưa phong phú song Thiên Trì hầu như không có các loài thủy sinh cư trú, do môi trường khắc nghiệt chỉ có mùa hè mát mẻ, trong khi mùa đông nước đóng băng, nồng độ oxy trong nước thấp, đất đá xung quanh hồ khô cằn cộng thêm thảm thực vật thưa thớt đã khiến cho nơi đây không đáp ứng được điều kiện sinh sống của các loài cá.
9. Hang động Pak Ou (Lào)
Có rất nhiều điểm tham quan dọc theo dòng sông Mê Kông hùng vĩ, đó là một trong những kỳ quan thiên nhiên của châu Á theo đúng nghĩa của nó, và khi dòng sông này chảy qua 6 quốc gia nó lại tạc nên những cảnh quan thiên nhiên ngoạn mục. Tại Lào, nơi tiếp giáp với con sông Nam Ou, dòng sông Mê Kông đã khắc tạo ra những hang động Pak Ou. Có 2 hang động Pak Ou được chạm khắc trên một vách núi đá vôi hùng vĩ.
Mất chỉ khoảng 15 km từ thành phố Luang Prabang - khu vực trung tâm nằm phía bắc của Lào là có thể ngắm nhìn hang động tuyệt đẹp này. Hang động mang dáng vẻ uy nghiêm như một ngôi đền phật giáo. Toàn bộ hang động được ghi nhận là những tác phẩm điêu khắc phật giáo ấn tượng. Hàng trăm bức tượng bằng gỗ lớn nhỏ, mà chủ yếu là bị hư hỏng được trưng bày trên những chiếc kệ trong những tư thế khác nhau.
10. Tảng đá sư tử - Sigiriya (Sri Lanka)
Sigiriya là một tòa thành cổ và cung điện bằng đá ở miền trung Matale thuộc Sir Lanka, được khởi xây dưới triều vua Kassapa I (477 – 495), nay được liệt kê vào danh sách di sản thế giới của UNESCO.
Vào thế kỷ thứ 5, hang núi Sigiriya được dùng làm tu viện phật giáo cho giới tăng già. Hoàng cung và vườn cảnh được vua Kassapa xây thêm sau đó. Đến thế kỷ 14 thì quần thể này bị bỏ hoang. Mãi đến năm 1907 một nhà thám hiểm người Anh John Still tìm thấy và cho khai quật.
Đây là một di tích lịch sử và thắng cảnh thu hút nhiều khách du lịch. Chung quanh thành cổ còn có một hệ thống hào nước, ao hồ và vườn cảnh cùng các công trình kiến trúc khác. Điểm đáng chú ý ở Sigiriya là một số bích họa cổ tương tự như những bức vẽ trên vách đá trong hang động Ajanta (Ấn Độ).
Theo Bưu điện Việt Nam