Sau vụ việc hàng chục nghìn lít rượu ngâm cây thuốc phiện, được dân nhậu gọi bằng cái tên "rượu 138" bị cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ, rất nhiều bạn đọc đã gọi điện đến báo Nguoiduatin.vn hỏi về những căn cứ pháp lý để xử phạt xung quanh hành vi này. Không ít độc giả băn khoăn, liệu việc ngâm thân, quả cây anh túc có bị xử lý hình sự?. PV báo Nguoiduatin.vn đã có cuộc trao đổi với thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên viện trưởng viện Chiến lược (bộ Công an) để cùng làm sáng tỏ những băn khoăn trên.
Loại tội phạm... vô hình
Cuối tháng 12/2012, công an TP.Hà Nội phát hiện và bắt giữ hơn 5.000 lít rượu ngâm cây anh túc (thuốc phiện) tại cơ sở buôn bán đá quý Thúy Gấu (Từ Liêm, Hà Nội). Theo thiếu tướng, việc ngâm rượu bằng cây thuốc phiện để bán có phải là một trong các hành vi tàng trữ, sử dụng hay mua bán trái phép các chất ma túy hay không?
Việc lực lượng công an bắt giữ 5.000 lít rượu ngâm cây anh túc tại Hà Nội bước đầu nhận thấy cơ sở này có hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy. Chất ma túy được hiểu là bao hàm những thứ liên quan đến ma túy từ dạng lỏng, dạng rắn, heroin, cocain, nhựa cần sa, nhựa thuốc phiện, lá, hoa, quả cây cần sa, quả thuốc phiện...
Luật quy định, việc tàng trữ, sản xuất, hay vận chuyển trái phép chất ma túy đều bị xử lý. Tuy nhiên, cần phân tích, xét nghiệm xem trong trường hợp này có đủ căn cứ để khởi tố hình sự hay không. Bởi pháp luật không quy định tội danh cụ thể, chi tiết đối với hành vi ngâm rượu thuốc phiện hay bất cứ thực phẩm nào khác.
Thiếu tướng Lê Văn Cương.
Cơ quan tiến hành tố tụng sẽ căn cứ vào trọng lượng được quy đổi để xác định khung hình phạt cho hành vi này. Kết luận của cơ quan giám định sẽ là cơ sở để xác định tổng trọng lượng chất ma tuý từ tang vật là các bình rượu ngâm với cây, vỏ, thân và quả cây thuốc phiện.
Đây là cơ sở định khung hình phạt. Nếu chỉ là khối lượng nhỏ, một vài bình thì cơ quan chức năng cũng khó có thể xử lý hình sự. Bởi khi này, rất khó xác định được hàm lượng chất gây nghiện hay ma túy trong "rượu 138" là bao nhiêu.
Không thể phủ nhận tác hại của "thần dược" rượu ngâm cây anh túc. Theo thiếu tướng, nếu không bị xử lý hình sự, có thể khép hành vi trên vào tội danh gì?
Đối với những trường hợp tương tự cũng có thể quy vào tội tàng trữ, vận chuyển, sản xuất, buôn bán những thực phẩm cấm, độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Bởi dù loại rượu trên vô cùng độc hại nhưng thực tế nó sẽ ảnh hưởng trong thời gian lâu dài. Có thể là nhiều tháng, nhiều năm, cũng có thể là cả đời mới phát hiện ra. Nó như loại tội phạm vô hình, rất khó xử lý.
Thực tế, việc người dân sử dụng "rượu 138" hiện nay khá phổ biến và đúng là những vấn đề pháp lý về loại rượu đặc biệt này vẫn còn nhiều điều tranh cãi. Bộ luật Hình sự cũng đề cập đến quả thuốc phiện tươi và quả thuốc phiện khô, nhưng trong trường hợp này lại là quả thuốc phiện đã ngâm rượu. Theo tôi, cần phải có hướng dẫn thêm rồi mới áp dụng để xử lý.
Liệu người sử dụng rượu ngâm cây thuốc phiện có bị quy tội sử dụng trái phép chất ma túy không, thưa thiếu tướng?
Trường hợp người dân sử dụng "rượu 138" với lượng lớn và bị lực lượng chức năng phát hiện có phản ứng dương tính với ma túy thì cũng có thể xử phạt hành chính với người đó. Tuy vậy, trường hợp này rất khó xảy ra vì khi ngâm rượu, hàm lượng chất gây nghiện trong thân, củ, rễ của cây anh túc cũng đã giảm đi đáng kể. Rất khó có thể tạo nên một hàm lượng đủ lớn để có thể phát hiện được khi xét nghiệm nhanh.
Luật pháp còn nhiều "kẽ hở"
Thưa thiếu tướng, nhiều ý kiến băn khoăn, phải chăng luật pháp của chúng ta vẫn còn nhiều "kẽ hở"?
Đúng vậy. Hệ thống luật pháp, đặc biệt là Bộ luật Hình sự của nước ta càng ngày càng bộc lộ nhiều kẽ hở. Luật pháp một số nước được quy định chi tiết đến mức dày đặc, trong khi luật của chúng ta chưa bao quát hết. Tội phạm vẫn có cách để "chui" qua.
Theo tôi, các cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu để bổ sung, hoàn thiện hệ thống luật pháp nếu không sẽ rất khó cho hoạt động tư pháp. Tôi lấy ví dụ, lực lượng công an phát hiện một đối tượng rải đinh dọc đường. Họ có quyền bắt nhưng sẽ rất khó xử tội người ta. Bởi luật pháp không quy định rõ ràng về hành vi này, cùng lắm cũng chỉ phạt hành chính. Người bị hại không có rất khó xử lý hình sự. Rất nhiều sự việc biết rõ là sai rành rành nhưng cũng đành bỏ qua vì luật pháp còn quá nhiều "kẽ hở".
Theo thiếu tướng, hành vi đưa tin thất thiệt về tác dụng "thần dược" của rượu ngâm cây thuốc phiện sẽ bị xử lý ra sao?
Theo tôi được biết, sử dụng loại rượu này liên tục, trong thời gian dài sẽ tác động xấu đến sức khỏe và có khả năng gây nghiện. Việc lạm dụng rượu cũng có thể gây ảnh hưởng đến gan, thận, kèm theo đó các bệnh về tim mạch và tiêu hóa. Thậm chí nó còn có thể khiến suy giảm về nhân cách.
Các nhà khoa học còn cảnh báo, việc uống "thần dược" này để tăng cường khả năng sinh lý đàn ông chỉ là... ảo giác. Do đó, người dân không nên tin vào những lời đồn thổi mà làm hại đến sức khỏe. Hành vi quảng cáo, đưa tin thất thiệt về tác dụng của loại rượu trên cũng bị coi là vi phạm pháp luật.
Xin cảm ơn ông!
Người dân cần giữ mình trước lời đồn thổi Không phải ai cũng biết tác hại của loại rượu này, do vậy, chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan cần tuyên truyền phổ biến tác hại của nó đối với sức khỏe người tiêu dùng. Cần bổ sung, hoàn thiện các chế tài để xử lý đối với hành vi vi phạm liên quan đến loại rượu trên. Và điều quan trọng nhất là người tiêu dùng không nên tin vào những lời đồn thổi thất thiệt để ảnh hưởng đến sức khỏe của mình. |
Anh Văn - Trinh Phúc