Sau chiến thắng của đội tuyển bóng đá Việt Nam với Philippines, Hà Nội, TP.HCM và một số tỉnh thành khác có một đêm không ngủ đầy rộn ràng. Sau trận đấu, người hâm mộ từ sân vận động Mỹ Đình, từ các quán bóng đá đổ ra đường không khác gì ong vỡ tổ.
Đường sá nhuộm một màu đỏ của màu cờ, sắc áo cùng với những tiếng hô vang “Việt Nam vô địch” kèm theo tiếng kèn, tiếng trống cứ vang từ góc này đến góc khác không ngớt. Bóng đá có một sức mạnh đặc biệt khi gắn kết hàng triệu con tim với nhau quanh trái bóng tròn và rộng hơn nữa là sự đoàn kết, niềm tự hào dân tộc, tình yêu Tổ quốc.
Nhưng vì chiến thắng các cổ động viên ăn mừng một cách thái quá gây ra ẩu đả, tai nạn như đêm 6/12 vừa qua thì có nên không? Cụ thể, vào khoảng hơn 22h ngày 6/12 trên cầu Chương Dương, chiếc xe máy hiệu Exciter được cho là đã chạy ngược chiều vào làn ô tô và gây ra va chạm giao thông nghiêm trọng khiến một số người bị thương.
Còn trên khu vực phố Tôn Đức Thắng (Đống Đa, Hà Nội) cũng đã xảy ra 1 vụ đâm nhau khiến nam thanh niên bị thương. Điều đáng nói, sau khi bị đâm, nam thanh niên được chở đi bệnh viện trong tình trạng một con dao vẫn găm ngay sau lưng.
Và sau trận đấu hôm qua, khi các cổ động viên thưa dần, cổng SVĐ Mỹ Đình “trơ trọi” trong khoảng không gian ngập ngụa rác. Hàng nghìn vỏ túi nilon, chai lọ vứt ngổn ngang dưới mặt sân, những hộp xôi còn ăn dở và nước đổ lênh láng biến Mỹ Đình trở thành một “bãi rác khổng lồ”.
Có lẽ, không còn lạ lẫm gì với cụm từ “đi bão” sau mỗi lần đội tuyển Việt Nam giành chiến thắng ở một trận đấu nào đó - thậm chí kể cả khi không chiến thắng. “Đi bão” nghĩa là người dân đổ ra đường ăn mừng, cùng nhau hô vang khẩu hiệu, nhuộm đỏ cả con đường bằng màu cờ sắc áo. Việc “đi bão” sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như không gây ra tai nạn, ẩu đả, đốt pháo sáng hay ăn mặc lố lăng đùa giỡn cùng Quốc kỳ, khoe thân ở chốn đông người.
Điều đặc biệt đáng lo là một số cổ động viên lợi dụng niềm vui chiến thắng ra đường phóng nhanh vượt ẩu, lạng lách, tổ chức đua xe. Chính vì thế, trước khi trận đấu bán kết lượt về giữa Việt Nam – Philippines diễn ra trên sân vận động Mỹ Đình, lực lượng Công an TP. Hà Nội yêu cầu 100% cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ để giữ an ninh trật tự nhưng vẫn có những vụ việc đáng tiếc xảy ra.
Nhiều người không phải fan bóng đá cũng sẵn sàng hòa chung không khí sôi động để cổ vũ cho đội nhà: “Mình không quan tâm đến bóng đá nhưng mỗi khi đội tuyển Việt Nam chiến thắng các trận bóng lớn, mình cũng không thể đứng ngoài làn sóng cổ vũ cuồng nhiệt. Việt Nam thắng là vui rồi, phải ra đường ăn mừng chứ", Nguyễn Vân (19 tuổi, sinh viên) vui vẻ nói.
Trước ý kiến của bạn Nguyễn Vân, bạn Ngô Phương cho rằng: “Không ai có quyền cấm mọi người ăn mừng chiến thắng cả nhưng vui thôi đừng vui quá, hãy ăn mừng một cách văn minh, có văn hóa. Chúng ta có thể hòa vào dòng người “đi bão” cùng hát bài ca chiến thắng, cùng nhau hô vang khẩu hiệu nhưng xin đừng ẩu đả, ăn mặc thiếu vải gây phản cảm”.
Một cổ động viên giấu tên chia sẻ: “Tôi mong rằng các CĐV xuống đường ăn mừng chiến thắng của đội tuyển cần phải văn minh. Mọi người cần đảm bảo về an ninh trật tự, không nên uống quá nhiều rượu bia gây tai nạn hay ách tắc giao thông, đặc biệt không nên đốt pháo sáng gây ảnh hưởng đến đội tuyển, làm xấu đi hình ảnh cổ động viên Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế”.
Bên cạnh những hình ảnh ăn mừng không mấy được đẹp thì chúng ta thử xem cách ăn mừng của một NSƯT đang nhận được sự chú ý của cộng đồng mạng ra sao? Chắc chắn, ai cũng sẽ phải công nhận với tôi hình ảnh NSƯT Chiều Xuân mặc áo dài, trên môi nở nụ cười rạng rỡ với lá cờ đỏ sao vàng trên tay đi giữa lòng đường Thủ đô Hà Nội là hình ảnh ăn mừng chiến thắng đẹp nhất những ngày qua.
NSƯT Chiều Xuân chia sẻ trên trang cá nhân: "Tôi yêu quê tôi. Khi tôi vừa vui mừng ra khỏi Nhà hát Lớn thành phố sau Concert khai mạc Liên hoan âm nhạc Á Âu mà nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, phu quân của tôi là trưởng ban tổ chức, trong lòng đang lâng lâng lâng vì được nghe một đêm nhạc hay quá thì gặp luôn một dòng người cuồng nhiệt ăn mừng chiến thắng của tuyển Việt Nam.
Tôi vui quá, mua 1 chiếc cờ và cứ thế hiên ngang đi bộ từ Nhà hát Lớn về Nguyễn Thái Học nhà mình. Về nhà, nhận được tấm ảnh bạn Khôi Minh chụp "trộm" lúc nào mà lòng càng vui hơn nữa vì bức ảnh nói hộ lòng mình. Cảm ơn nhà nhiếp ảnh Khôi Minh rất nhiều. Cảm ơn buổi hòa nhạc, cảm ơn tuyển Việt Nam đã cho tôi một buổi tối thật tuyệt vời và trọn vẹn”.
Chúng ta đã bước vào trận đấu chung kết và dù kết quả có thế nào đi chăng nữa thì chắc chắn các cổ động viên cũng sẽ “đi bão”. Bởi việc “đi bão” hầu như không phụ thuộc vào kết quả của trận đấu, nó thể hiện sự hâm mộ và yêu mến của người hâm mộ bóng đá đối với các cầu thủ nước nhà.
Nếu chúng ta chiến thắng thì đó là một màn ăn mừng vang dội, còn nếu kết quả không như mong đợi thì người hâm mộ vẫn đổ ra đường để thể hiện sự biết ơn về những cố gắng của đội tuyển nước ta. Tuy nhiên, hãy “đi bão” như thế nào cho thật đẹp, thật văn minh biến thành đêm hội bóng đá chứ không phải trở thành một đêm “sóng gió” gây ảnh hưởng xã hội.
Xem thêm>>> Trung vệ Trần Đình Trọng - Chàng chiến binh luôn “đóng thùng”
Phong Linh