Một số UBKT còn nể nang, ngại va chạm
Chiều 6/1 tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Phát huy vai trò báo chí trong đấu tranh chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống”.
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng tham dự, chỉ đạo, chủ trì Tọa đàm.
Tọa đàm ghi nhận nhiều ý kiến phát biểu tập trung phân tích, đánh giá sâu sắc vai trò của báo chí trong đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII…
Mở đầu phần thảo luận, Thứ trưởng bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu có bài tham luận ý kiến đã đánh giá, báo chí có vai trò đặc biệt quan trọng, cung cấp thông tin đến với từng người dân, từng tổ chức, từng đơn vị; giúp mỗi cán bộ đảng viên, nhân dân thấy được quyết tâm chính trị của Đảng với những hiện tượng suy thoái, từ đó giúp mỗi cá nhân biết tự kiềm chế, phòng ngừa, tự nguyện sửa chữa sai lầm, không mắc và tái diễn hành vi suy thoái.
Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKT TƯ) Hà Quốc Trị phát biểu về vai trò của báo chí trong việc phát hiện dấu hiệu vi phạm của đảng viên và tổ chức Đảng đã lấy ví dụ vụ Trịnh Xuân Thanh cho thấy, báo chí có vai trò quan trọng trong thông tin giúp cơ quan chức năng, giúp UBKT TƯ rất nhiều trong xử lý sai phạm: “Vụ việc Trịnh Xuân Thanh được phát hiện và xử lý bắt đầu từ thông tin trên báo Thanh Niên, đồng chí Tổng Bí thư đã chỉ đạo UBKT TƯ vào cuộc phát hiện hàng loạt sai phạm của tập thể, cá nhân xem xét xử lý”
“Hiện nay, một số UBKT còn nể nang, né tránh, ngại va chạm, không muốn kiểm tra dấu hiệu sai phạm nên phát biểu ở địa phương, đơn vị không có dấu hiệu vi phạm. Đó cũng là cách nói để né tránh trách nhiệm”, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương Hà Quốc Trị nói và nhấn mạnh: “Đạo đức của người làm báo khi viết bài trước hết là sự trung thực với nguồn tin. Bản chất thông tin phải là trung thực, khách quan, nhất là đối với những biểu hiện tham nhũng, tiêu cực”.
Báo chí khó tiếp cận cơ quan chức năng
Tại Tọa đàm, Phó Tổng Biên tập báo Tiền Phong - Phùng Sưởng đã nêu một số khó khăn, bất cập của báo chí đấu tranh chống suy thoái, tiêu cực, tham nhũng: “Nhiều người dân và cán bộ công chức làm trong các cơ quan Nhà nước ngại va chạm, sợ trù dập, không dám tố cáo các hành vi tiêu cực, tham nhũng.
Đáng lưu ý là người dân, doanh nghiệp ngày càng có tư tưởng chịu đựng tham nhũng dẫn đến chấp nhận các chi phí không chính thức trong giải quyết công việc có liên quan đến chính quyền; có ý kiến đánh giá tình trạng đưa, nhận hối lộ “lót tay” dường như đã trở thành khá phổ biến.
Thực trạng này do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân xuất phát từ hiệu quả công tác đấu tranh PCTN chưa cao”.
Vị Phó Tổng biên tập cũng cho biết: “Nhiều vụ việc báo chí muốn có thông tin khách quan, đa chiều từ các bên liên quan nhưng khó tiếp cận, lấy ý kiến, thậm chí có nơi trả lời nhưng đề nghị giấu tên khiến giá trị thông tin giảm đi nhiều.
Đơn cử như vụ ông Trịnh Xuân Thanh, ngay sau khi báo chí phản ánh, Tổng Bí thư có chỉ đạo, nhiều cơ quan báo chí đã đề nghị một số cơ quan chức năng, trong đó có bộ Nội vụ cho biết rõ quy trình bổ nhiệm, luân chuyển ra sao, nhưng không được đáp ứng. Bộ Nội vụ cũng không tổ chức họp báo để cung cấp thông tin một cách khách quan, đa chiều về vụ việc trên”.
Trên cơ sở đó, ông Sưởng kiến nghị một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhấn mạnh: “Cần phải có cơ chế rõ ràng về trách nhiệm của các bộ, ngành, tổ chức, chính quyền các cấp trong việc trả lời thông tin báo chí khi có vụ việc nóng, phức tạp xảy ra. Việc trả lời này có thể trực tiếp hoặc bằng văn bản nhưng không được quá 3-5 ngày”.
Đồng quan điểm, nhà báo Nguyễn Thu Hà, Phó Trưởng ban Thời sự Đài Truyền hình Việt Nam cũng đưa ra một số khó khăn thách thức: “Nguồn thông tin chính thông từ các cơ quan chức năng còn hạn chế, trong khi rất nhiều đề tài từ người tốt việc tốt đến những vụ việc nổi cộm đều cần sự chia sẻ thông tin của cơ quan và chính quyền địa phương”.
Qua đó, bà Hà đề xuất: “Để nâng cao hiệu quả tuyên truyền đấu tranh chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống nhấn mạnh, các cơ quan chức năng và cấp chính quyền cần tăng cường chủ động cung cấp thông tin và phối hợp tích cực với báo chí để kịp thời biểu dương gương người tốt việc tốt cũng như tuyên truyền đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực”.
Làm sao những vấn đề báo chí nêu không rơi vào im lặng
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã có ý kiến phát biểu quan trọng, nhấn mạnh: “Trong đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”… các cơ quan báo chí đã tham gia tích cực và đạt hiệu quả. Cần làm cho người dân, cán bộ hiểu rằng, không thể không chống suy thoái, tham nhũng vào thời điểm này một cách quyết liệt, bởi nếu không chống bây giờ thì không còn thời điểm nào thích hợp hơn”.
Phát biểu kết thúc buổi Tọa đàm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng cho biết, buổi Tọa đàm là một hành động, việc làm cụ thể góp phần thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII. “Đây là vinh dự và cũng là trách nhiệm nặng nề của những người làm báo. Mỗi tờ báo, mỗi người làm báo đều phải ý thức sâu sắc về trách nhiệm đó để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình trên mặt trận tư tưởng văn hóa mà Đảng đã giao”.
Nói như vậy không có nghĩa là đến bây giờ, báo chí mới tham gia phòng chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức hay đấu tranh phòng chống tham nhũng tiêu cực, không phải từ khi có Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII thì báo chí mới bắt đầu vào cuộc. Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ cũng khẳng định: “Thời gian qua, báo chí đã đi đầu trong việc phát hiện tham nhũng, quan liêu và các tệ nạn xã hội, thông tin kịp thời, chính xác các vụ việc cho cơ quan chức năng. Thực tế cho thấy nhiều vụ việc, vụ án tham ô, tham nhũng tiêu cực được các cơ quan chức năng phát hiện xử lý đều bắt đầu từ thông tin của báo chí”.
Tuy nhiên, Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ lưu ý: “Hiện tượng lợi dụng quyền tự do báo chí để phục vụ các nhóm lợi ích ngày càng nghiêm trọng, lợi dụng đấu tranh tiêu cực để mưu lợi cá nhân”.
Qua đó, Trưởng ban Tuyên giáo TƯ nêu một số giải pháp như: “Cần tăng cường tuyên truyền để mọi người thấy đấu tranh ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống là rất quan trọng, là cuộc đấu tranh cam go, phức tạp nhưng nếu thực hiện đồng bộ, quyết tâm sẽ có hiệu quả.
Công tác chỉ đạo, định hướng và cung cấp thông tin cho báo chí phải thống nhất, thông suốt, thường xuyên, kịp thời. Cần tăng cường hơn nữa sự chỉ đạo định hướng của Đảng, quản lý Nhà nước đối với hoạt động báo chí, nâng cao chất lượng sinh hoạt Đảng trong các cơ quan báo chí, từng cơ quan báo chí phải tăng cường để chống suy thoái trong chính nội bộ của mình.
Cần xác định nghề báo là khắc nghiệt để lao động nghề nghiệp một cách thận trọng, nghiêm túc… Cân đối hài hòa giữa tuyên truyền cái tốt với đấu tranh chống cái xấu. Đấu tranh chống cái xấu cần có thông tin chắc chắn, sắc sảo, thông dũng cảm, kiên định, không bị mua chuộc. Mua chuộc để lên báo là một loại nhưng không bằng mua chuộc để không lên báo. Theo đuổi vấn đề đến cùng, làm sao những vấn đề báo chí nêu không rơi vào im lặng, quên lãng”.
Dương Thu (ghi)