Sáng nay (26/10), Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH) tổ chức Hội nghị cung cấp thông tin định kỳ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp quý III/2022.
Cần hỗ trợ kịp thời người lao động trong đại dịch
Trước câu hỏi, BHXH Việt Nam và cơ quan thuế đã có sự phối hợp như thế nào để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, ông Lê Hùng Sơn – Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam trả lời: “Chúng tôi đã có chỉ đạo BHXH các địa phương phối hợp với cơ quan thuế thông qua chuyển, rà soát dữ liệu mà cơ quan thuế đang quản lý liên quan đến số doanh nghiệp, số lao động. Việc phối hợp này có hiệu quả, trong việc phát hiện cả doanh nghiệp có phát sinh thuế nhưng chưa đăng ký và không đóng BHXH, BHTN”.
Về vấn đề người lao động bị ảnh hưởng do doanh nghiệp phá sản không đóng bảo hiểm trong thời gian đại dịch, ông Sơn cho rằng việc theo dõi “sức khoẻ” của doanh nghiệp không chỉ của BHXH mà còn có hệ thống từ TW đến địa phương: “Để biết tình hình tài chính doanh nghiệp có lành mạnh không, chúng tôi luôn theo dõi để cảnh báo cơ quan chức năng, thậm chí trong một số trường hợp đối với doanh nghiệp nước ngoài còn đề xuất cấm xuất cảnh nếu không chịu trách nhiệm quyền lợi của người lao động”.
Hiện nay, với những lao động ở doanh nghiệp phá sản, dừng hoạt động bởi Covid-19, BHXH Việt Nam đã xác định được quá trình đóng của từng người lao động với số tiền chậm đóng là hơn 3 nghìn tỷ đồng.
Sau khi xác định, BHXH Việt Nam sẵn sàng chốt sổ BHXH cho quá trình người lao động đã đóng, trước mắt giải quyết quyền chế độ ngắn hạn và dài hạn nếu họ có quá trình tham gia BHXH đủ thời gian, từ đó tháo gỡ khó khăn người lao động.
Trước ý kiến về cân đối kết dư quỹ BHTN nhằm hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động trong đại dịch Covid-19 vừa qua, ông Sơn thông tin: “Quỹ BHTN tính đến năm 12/2020 đủ số dư cho phép hỗ trợ các đối tượng mà không ảnh hưởng đến cân đối quỹ lâu dài”. Điều này đã được đánh giá tác động rất kỹ trước khi thực hiện.
Cuối phần trao đổi, đại diện BHXH Việt Nam cho biết thêm về việc hiện nay BHXH đang tổng hợp ý kiến về giải pháp rút BHXH một lần và sớm có những đề xuất trong tương lại.
Cũng tại buổi họp, theo báo cáo của BHXH VN, các chỉ tiêu về thu BHXH, BHYT, BHTN có độ bao phủ người tham gia cơ bản tăng so cùng kỳ và thời điểm tháng 12/2021.
Đáng chú ý, nợ BHXH, BHYT có xu hướng giảm, tạo tiền đề triển khai quyết liệt, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch, nhiệm vụ đề ra trong năm 2022. Kết quả, tính đến hết tháng 9/2022, đã có: hơn 17,08 triệu người tham gia bảo hiểm, đạt 37,01% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng khoảng 537 nghìn người so cuối năm 2021; gần 87,4 triệu người tham gia BHYT đạt 88,4% dân số; hơn 14 triệu người tham gia BHTN đạt 28,3% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 627 nghìn người với cuối năm 2021.
3 quý đầu năm 2022, toàn ngành đã giải quyết đầy đủ, kịp thời các chế độ BHXH, BHYT, BHTN cho: hơn 7,4 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau; gần 895 nghìn lượt người hưởng chế độ thai sản; hơn 683 nghìn lượt người hưởng mới các chế độ BHTN; gần 106,5 triệu lượt người khám, chữa bệnh BHYT;…
Tính đến hết tháng 9/2022, ngành BHXH VN đã tổ chức thực hiện có hiệu quả các gói hỗ trợ từ quỹ BHXH, quỹ BHTN cho người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 với tổng chi phí hơn 47,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 54,3% trên tổng các gói hỗ trợ Covid-19 của Chính phủ.