Tại Diễn đàn Ngân hàng bán lẻ Việt Nam năm 2022 do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) phối hợp với Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế tại Việt Nam (IDG Vietnam) tổ chức ngày 25/3, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV đã có những nhận định về vai trò của ngân hàng trong việc quản lý đầu tư tiền số.
Theo ông Cấn Văn Lực, nhiều ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đã triển khai tiền kỹ thuật số. "Việt Nam đứng thứ 6 trong khu vực về đầu tư tiền số nhưng hệ thống ngân hàng cùng chính sách quản lý vẫn chưa theo kịp", ông Lực nói.
7 xu hướng tài chính - tiền tệ toàn cầu
Tại hội thảo, vị chuyên gia cũng chỉ ra 7 xu hướng tài chính - tiền tệ toàn cầu trong và sau dịch Covid-19 và mô hình cho các ngân hàng có thể thực hiện trong bối cảnh bình thường mới.
Về các xu hướng tài chính - tiền tê, ông Cấn Văn Lực chỉ ra xu hướng đầu tiên được chuyên gia xác định đó là sự thay đổi chính sách tiền tệ ở các quốc gia. "Theo đó, năm qua để vượt qua đại dịch, cả thế giới đã tung ra các gói hỗ trợ tiền tệ cũng như tài khóa tương đương 16% GDP toàn cầu. Tại Việt Nam, các thống kê ước tính con số vào khoảng 4% GDP", ông nói.
Ngoài ra là xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt và chuyển đổi số. Ông Lực đánh giá đây là xu hướng chính thời gian qua. Ông Lực chỉ ra, mức tăng trưởng của việc thanh toán không dùng tiền mặt của ngân hàng thời gian qua đạt khoảng 28-30%, cao hơn rnhiều so với mức mục tiêu tăng trưởng 25% mà Ngân hàng Nhà nước đặt ra.
Thứ ba là xu hướng tiền kỹ thuật số, tài sản ảo. Đây là một trong những xu hướng phát triển mới trong nền tài chính toàn cầu thời gian qua. "Hàng loạt ngân hàng trung ương lớn trên thế giới cũng đã bắt đầu nghiên cứu và phát hành các đồng tiền điện tử. Theo thống kê, Việt Nam là một trong 6 nước có hoạt động tiền số mạnh mẽ nhất khu vực. Tuy nhiên hiện tại Việt Nam vẫn chưa có một nghị định nào hướng dẫn quản lý tài sản ảo", ông Lực nhận định.
Bên cạnh đó, theo ông Lực, thị trường tài chính trong bình thường mới cũng sẽ chứng kiến sự cạnh tranh ngày một gay gắt hơn. Bên cạnh các sự cạnh tranh truyền thống giữa ngân hàng với ngân hàng, ngân hàng với các định chế tài chính, các ngân hàng và định chế tài chính còn phải đối đầu với sự cạnh tranh từ các tổ chức fintech.
Ông Lực cho rằng một xu hướng tiếp theo là sự tái cấu trúc mạnh mẽ của các định chế tài chính, theo hướng tiết giảm chi phí. Một xu hướng được thị trường tài chính chú ý gần đây là tài chính xanh. Hiện trên thế giới đã bắt đầu triển khai các sản phẩm tài chính xanh, sản phẩm tài chính theo hướng bền vững như tín dụng xanh, trái phiếu xanh…
Cuối cùng, bên cạnh những xu hướng tác động tích cực, thị trường tài chính toàn cầu còn chứng kiến việc tội phạm tài chính toàn cầu tăng cao. Trong đó tội phạm cướp ngân hàng và tội phạm tấn công mạng là 2 loại tội phạm đáng chú ý nhất. TS.Cấn Văn Lực, nhấn mạnh, vấn đề tội phạm cướp ngân hàng đang tăng cao và ngày càng manh động.
Cần hoàn thiện thể chế thúc đẩy tiền kỹ thuật số
Tại hội thảo, ông Cấn Văn Lực gợi ý mô hình cho các ngân hàng có thể thực hiện trong bối cảnh bình thường mới, gồm: thích ứng linh hoạt, phục hồi nhanh chóng sau đại dịch, tái cấu trúc theo hướng tiết giảm chi phí, đổi mới sáng tạo, quản trị rủi ro và tăng sức đề kháng cho nền kinh tế.
Đồng thời, theo ông Lực, các ngân hàng nên thực hiện và làm tốt 2 chương trình kinh tế trọng điểm của nhà nước đó là phục hồi kinh tế và phòng chống dịch. Bên cạnh đó, các nhà băng cũng nên phối hợp xây dựng chính sách với các cơ quan quản lý.
Ông cho rằng Ngân hàng Nhà nước nên sớm triển khai chương trình phục hồi, tạo khung pháp lý và đưa ra chuẩn mực chung, quản trị hệ thống, quản trị rủi ro, đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống tài chính theo hướng lành mạnh hơn, đặc biệt chú ý cơ sở dữ liệu.
"Ngân hàng Nhà nước cần sớm hướng dẫn thực hiện Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế Việt Nam giai đoạn 2022-2023. Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cũng cần đẩy nhanh hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy phục hồi và tận dụng cơ hội chuyển đổi số, tiền kỹ thuật số, ngân hàng xanh với cách tiếp cận phù hợp", ông cho hay.
Bên cạnh đó, theo ông, ngân hàng cần nâng cấp, hoàn thiện hệ thống thông tin, dữ liệu quốc gia về dân cư, doanh nghiệp và ngành ngân hàng. Ngoài ra, cần phối hợp chính sách tài khóa và tiền tệ nhằm thực hiện tốt các chương trình phục hồi và kiểm soát lạm phát, rủi ro hệ thống.